Chờ...

Tìm giải pháp hỗ trợ người lao động duy trì sinh kế sau đại dịch COVID-19

(VOH) - Sự kiện thu hút nhiều doanh nhân, các tổ chức phi lợi nhuận và những người lao động tham gia.

Sáng 30/07/2022, Viện Hợp tác Phát triển châu Âu (IECD Việt Nam) và Cộng đồng Phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) tổ chức hội thảo “Duy trì sinh kế cho người lao động dễ bị tổn thương dựa trên hiểu biết về Triết lý Kinh tế Vừa đủ” (SEP). Sự kiện thu hút nhiều doanh nhân, các tổ chức phi lợi nhuận và những người lao động tham gia. 

Trải qua những thời điểm khó khăn do dịch đại COVID-19 gây ra, xã hội quay trở lại cuộc sống sau dịch với một tâm thế khác: được tiếp tục học tập, làm việc và cống hiến là một điều may mắn. Tuy nhiên, nền kinh tế đang hồi phục sau dịch khiến người lao động đối mặt với những thách thức nhất định, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức và các đối tượng dễ bị “tổn thương” như người già neo đơn, người khuyết tật, vô gia cư, người bán hàng rong, kinh doanh nhỏ, người nghèo thành thị… Nhận thấy được vấn đề này, IECD và SNPO đã phối hợp tổ chức buổi hội thảo nhằm lắng nghe câu chuyện của những người lao động. Từ đây, đưa ra lời khuyên, hướng đi, giúp họ phần nào thay đổi câu chuyện mưu sinh. 

Tìm giải pháp hỗ trợ người lao động duy trì sinh kế sau đại dịch COVID-19 1
PGS.TS Nhân học Nguyễn Đức Lộc phát biểu tại hội thảo Duy trì sinh kế cho người lao động dễ bị tổn thương dựa trên hiểu biết về Triết lý Kinh tế Vừa đủ (SEP)

Với nếp nghĩ và nếp sống “vừa đủ” đã ăn sâu trong đời sống của người lao động tự do, nhỏ lẻ thành thị, đợt dịch vừa qua cùng những thách thức mưu sinh, vô hình trung thay đổi hành vi của họ thậm chí khiến họ va vào các tệ nạn khiến cuộc sống càng ngày càng chông chênh hơn. Đây là lúc các tổ chức xã hội, dự án cộng đồng hoạt động vì nhóm người dễ bị “tổn thương” tiếp tục trao đổi, học hỏi lẫn nhau, phối hợp nhằm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn duy trì sinh kế. 

PGS.TS Nhân học Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life Research Institute) chia sẻ về mục tiêu mà sự kiện hướng đến: “Chúng ta thấy rằng sau đại dịch thì người dân đặc biệt là những người lao động phi chính thức gặp khủng hoảng rủi ro về sinh kế, nguồn vốn duy trì cuộc sống. Hôm nay mình chia sẻ cho mọi người và mọi người cũng chia sẻ bài học thành công của mình cho những người có thất bại cũng cảm thấy có nghị lực để trở lại làm việc, có thể sống không khá giả nhưng ít nhất duy trì được mức sống vừa đủ và có cuộc sống tốt”.

Theo Tổng cục thống kê Việt Nam: Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu 6 tháng đầu năm 2022 là gần 4,6 triệu người, cao hơn 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 89,6%). Gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 62,8%). Đây là nhóm lao động yếu thế và chịu nhiều ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ngay cả khi thị trường lao động mở cửa trở lại. Thực tế cho thấy rằng khi người dân đang trong giai đoạn khó khăn thì những cơ quan, tổ chức cần nắm bắt, thấu hiểu và đưa ra những chính sách hợp lý.