Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, các địa phương trong cả nước đang siết chặt phòng, chống dịch bệnh và đặc biệt là việc vận chuyển heo ở các địa bàn.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi tổ chức tại Cần Thơ ngày 5/6, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu các quận, huyện tăng cường tuyên truyền đến tận hộ nuôi về diễn biến tình hình, tác hại bệnh và cách phòng, chống... làm sao để các hộ nuôi phải nắm rõ vấn đề này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cũng đề nghị các quận, huyện khi tiêu hủy heo bệnh phải tuân thủ đúng hướng dẫn đã quy định về hố chôn, khoảng cách khu dân cư...
“Yêu cầu hai trạm kiểm dịch động vật của thành phố và các chốt kiểm dịch duy trì hoạt động 24/24 giờ và phải đảm bảo đủ lực lượng trực. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc mua bán, nhất là các điểm giết mổ, giải quyết dứt điểm điểm giết mổ lậu. Không để xảy ra điểm giết mổ lậu trên địa bàn,” ông Dũng nhấn mạnh.
Heo mắc bệnh dịch tả châu Phi bị chết tại một hộ chăn nuôi ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình được lực lượng chức năng đưa đi tiêu hủy. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Tại tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Minh Hải, đại diện phát ngôn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, đến nay, các địa phương chưa kịp hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi thiệt hại do heo bị nhiễm dịch bệnh tả heo châu Phi.
Theo ông Hải, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các địa phương - nơi có dịch xảy ra trích nguồn kinh phí dự phòng từ ngân sách để hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy. Tuy nhiên, do tình hình dịch đang còn xảy ra ở nhiều xã, phường trong tỉnh nên việc thống kê chưa đầy đủ và chưa có mức hỗ trợ cụ thể cho các hộ dân có heo bị chết.
Ông Hải cũng thông tin thêm, đến thời điểm chiều 5/6, trên địa bàn Bình Phước có 97 hộ chăn nuôi heo bị thiệt hại trong đợt dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, khiến hơn 1.100 con đã bị tiêu hủy.
Về việc phòng chống dịch, ông Hải cho biết, tỉnh đã mua hóa chất hơn 3.000 lít hóa chất đã cung cấp xuống địa phương đã triển khai thực hiện phun xịt trong vùng tâm dịch và các vùng đệm để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Tại An Giang, ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết, tính đến chiều 5/6, trên địa bàn tỉnh An Giang đã ghi nhận được 5 ổ dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn.
Thống kê của Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang, tính đến chiều 5/6 đã tiến hành tiêu huỷ 117 con heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn. Hiện Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cũng đã lấy các mẫu xét nghiệm ở các huyện như Châu Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên nghi heo nhiễm bệnh và nếu có kết quả dương tính với bệnh sẽ tiến hành tiêu huỷ các con nhiễm bệnh để tránh dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Trước tình trạng dịch heo tả châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh An Giang, ngày 4/6/2019, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã ký quyết định số 1353/QĐ-UBND để bổ sung dự toán năm 2019 để thực hiện chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Theo quyết định số 1353, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã bổ sung dự toán năm 2019 với số tiền gần 17 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng tỉnh năm 2019 cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để thực hiện chống bệnh dịch tả heo châu Phi.
Để phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh An Giang, hiện Ủy ban Nhân dân các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh đã lập 8 chốt kiểm dịch tạm thời đường bộ, 2 chốt đường thuỷ kiểm soát trên sông Tiền (huyện Chợ Mới) và chốt trên sông Hậu (thành phố Long Xuyên).
Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang hiện tập trung tối đa lực lượng và tăng cường chỉ đạo Trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh triển khai tốt, giám sát chặt chẽ đàn heo nuôi tại địa phương; phát hiện và xử lý nhanh khi mắc bệnh dịch, không để dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng.
Tại Tiền Giang, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi, tỉnh tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch bệnh đồng thời, tỉnh lập thêm 4 chốt kiểm dịch tạm thời, nâng tổng cộng có 5 trạm kiểm dịch tại những tuyến giao thông huyết mạch, kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh, việc vận chuyển heo ra, vào địa bàn tỉnh.
Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thành lập ngay các đội tiêu hủy heo, chủ động sử dụng kinh phí dự phòng của địa phương để mua trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo ông Dương Minh Phí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Long An, đến thời điểm này, các huyện giáp ranh với các tỉnh có dịch đã bố trí các chốt trực và việc kiểm soát lượng heo cũng như sản phẩm từ heo được kiểm soát tốt.
Tỉnh đã thành lập các chốt kiểm dịch ở huyện Tân Hưng, Kiến Tường, Tân Thạnh và Châu Thành. Sắp tới, ngành nông nghiệp khảo sát và sẽ thành lập thêm các chốt chặn trên 1 số tuyến đường chính và những tuyến đường liên xã, liên huyện có giáp ranh với các tỉnh đã công bố dịch.
Qua thống kê, các chốt kiểm dịch trên toàn tỉnh Long An đã kiểm tra hơn 1.400 lượt xe vận chuyển heo, với tổng số lượng gần 130.000 con. Số heo này, chủ yếu vận chuyển từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Trung qua địa bàn; trong đó, có khoảng 40% số lượng xe vận chuyển về các cơ sở giết mổ tập trung của tỉnh. Số còn lại, vận chuyển về các tỉnh miền Tây.
Tính đến ngày 4/6, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở 53 tỉnh, thành phố với số lượng heo tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con.