Chờ...

Sở hữu nhà chung cư chỉ 50 năm là không phù hợp

(VOH) - Một số ý kiến cho rằng, việc quy định nhà ở chỉ sở hữu 50 năm là không phù hợp. Trừ khi không còn ai thừa kế thì mới thuộc về nhà nước.

Chiều 14/2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật đất đai (sửa đổi).

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng: dự thảo có nhiều điểm mới, quan tâm đến người nước ngoài có thể sở hữu nhà ở Việt Nam. Tuy nhiên, nên điều khoản về việc chỉ được sở hữu 50 năm và quy định trước khi hết hạn phải cho, tặng, bán nếu không thực hiện các thủ tục trên trước khi hết hạn thì sẽ thuộc quyền của nhà nước - điều này sẽ làm cho người nước ngoài không muốn mua nhà ở Việt Nam.

Luật sư Trương Thị Hòa cũng nhấn mạnh: “Sở hữu chung cư có thời hạn thì không nên vì làm ảnh hưởng rất nhiều đến bất động sản. Hiện nay, ai cũng nghĩ quyền sở hữu căn hộ là vĩnh viễn và không ai muốn nhà mình chỉ ở có thời hạn. Đó là lý do người dân không thích thuê nhà mà cố gắng mua nhà ở”.

sở hữu nhà chung cư
Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định chỉ sở hữu nhà chung cư 50 năm là không phù hợp (Ảnh: HL)

Đọc thêm: Nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Theo Luật sư Trương Thị Hòa, tâm lý người Việt Nam là "sống phải có cái nhà". Người dân chắt chiu, dành dụm mua nhà, muốn có nhà để lại cho con cháu, trường hợp mua chỉ có hạn rồi mất thì không ai dám mua. Do đó, quy định này “không phù hợp với tâm lý và truyền thống của người Việt Nam”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ nhiệm cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, dự thảo lần này đi vào cuộc sống, tuy nhiên phải so sánh cả ba luật gồm Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở và Luật đất đai sao cho đồng bộ nếu không sẽ có nhiều bất cập.

“Nhà chung cư khi xuống cấp cần phải phá dỡ, mà khi phá vỡ thì Nhà nước trưng dụng và bồi thường theo giá trị bằng hoặc là tốt hơn giá nhà đó - tôi cho rằng người dân sẽ đồng tình thôi. Một điểm nữa là, kinh doanh bất động sản là phải qua sàn giao dịch và không dùng tiền mặt và như vậy sẽ minh bạch” - Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu ý kiến.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhấn mạnh về sở hữu nhà chung cư, Điều 25 đưa ra quy định chưa đúng về mặt pháp luật, đó là việc chấm dứt quyền sở hữu khi có thông báo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh - mà thông báo thì không phải là quy định pháp luật. Như vậy là sai về Luật dân sự.

Theo ông Châu: “Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo Luật xây dựng có hai loại thời hạn. Một là thời hạn sử dụng nhà chung cư theo thiết kế, đối với chung cư cấp một là trên 100 năm, chung cư cấp hai là từ 55 tới 100 năm, chung cư cấp ba là dưới 50 năm, còn chung cư cấp bốn là dưới 30 năm. Trong Luật xây dựng đã quy định vấn đề phá dỡ công trình xây dựng rồi”.

Ông Châu đề nghị: “Thứ nhất, xác định quyền sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, bởi vì nếu đất sử dụng đất ổn định lâu dài thì quyền sở hữu đó là ổn định lâu dài. Việc chứng nhận quyền sở hữu trong sổ đỏ sẽ chấm dứt khi phá dỡ nhà chung cư”.