Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, kết quả quan trắc tại 30 vị trí quan trắc môi trường không khí từ ngày 3/9/2019 đến 20/9/2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, PM 10, PM 2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao hơn 50%.
Tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với trên 50% số liệu bụi lơ lửng và 93% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt chuẩn cho phép. Trong đó, vị trí Cát Lái, tại vòng xoay Mỹ Thủy có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất. Nồng độ các chất ô nhiễm trong 9 tháng năm 2019 cũng có xu hướng tăng cao so với 9 tháng năm 2018.
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phát biểu.
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quang trắc tài nguyên môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, mù quang hóa là hiện tượng tự nhiên, do nghịch nhiệt bức xạ mạnh làm giảm khả năng hòa trộn, phát tán ô nhiễm dẫn đến việc tích tụ ô nhiễm, đặc biệt trong khu vực nội thành.
“Tuy nhiên, do phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng tăng cao, nhiều phương tiện không thực hiện duy tu bão dưỡng đúng quy chuẩn, gần 40 điểm ùn tắc giao thông kéo dài, nhiều cơ sở sản xuất xen kẽ khu dân cư vẫn còn hoạt động, các hoạt động xây dựng chỉnh trang đô thị thành phố diễn ra mạnh mẽ cũng góp phần làm tăng ô nhiễm không khí và tiếng ồn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân thành phố” - ông Cao Tung Sơn nói.
Ngành chức năng cũng đưa ra các khuyến cáo cho người dân khi xuất hiện hiện tượng mù quang hóa; Giải pháp giảm ô nhiễm môi trường không khí thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong bảo vệ môi trường; Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý giao thông và đô thị theo định hướng thành phố thông minh; Xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với cơ sở sản xuất, dịch vụ; tăng cường kiểm tra chất lượng nguồn thải; Khuyến khích các công trình sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường; Giám sát chặt chẽ đối với các hoạt động chuyên chở vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình xây dựng; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường.