Chờ...

Sự trưởng thành nơi đầu sóng

(VOH) - Gần 160 người con đại diện nhân dân Thành phố mang tên Bác đã có một chuyến hải trình đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/21.

Chuyến đi diễn ra trong những ngày tháng Tư lịch sử. Chỉ vài ngày ngắn ngủi nhưng đã để lại bao trải nghiệm cùng bài học ý nghĩa để từ đó thêm trân quý giá trị của cuộc sống. Và thật may mắn cho những ai được là một mắt xích trong nhịp cầu gần 1.300 hải lí “Vì Trường Sa thân yêu – vì tuyến đầu Tổ quốc” – Đem yêu thương đến nơi hải đảo.  

Kì 1: Sự trưởng thành nơi đầu sóng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. 44 năm kể từ ngày Trường Sa được giải phóng, dẫu những mưu đồ độc chiếm biển bờ Tổ quốc của ngoại bang chưa lúc nào ngơi nghỉ, nhưng bất chấp tất cả chủ quyền biển đảo Việt Nam ta vẫn vững vàng nơi đầu sóng và ngày càng bền bỉ hơn. Nắng gió khắc nghiệt và những cơn bão biển dẫu có kinh hoàng đến mấy cũng chỉ có thể khiến quân và dân nơi hải đảo thêm kiên cường bám biển, nuôi nấng những mầm xanh vươn lên từ ý chí…

 “Bão táp”, “phong ba”, “bàng vuông”…nghe tên những loài cây đặc trưng miền hải đảo đủ khiến người ta hình dung về sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. Dẫu thiên nhiên có khắc nghiệt đến mấy, những loài cây ấy vẫn hiên ngang nở hoa, kết trái, phủ xanh những bãi bờ Tổ quốc yêu thương và bầu bạn cùng chiến sĩ. Đó là hình ảnh thân thương mà các đại biểu Thành phố đã tận mắt chứng kiến trong chuyến hải trình đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) do đồng chí Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn.

Giữa đại dương mênh mông, đảo của ta hiên ngang trên đầu ngọn sóng, yên bình và đầy sức sống. Đồng hành cùng ngư dân, những âu tàu và nhà làng chài ngày càng được đầu tư hiện đại hơn để kịp thời hỗ trợ kĩ thuật và cung cấp nước ngọt miễn phí cho tàu thuyền lướt sóng ra khơi. Tại đây, ngư dân cũng được mua dầu với giá thị trường như đất liền.

Thiếu tá Phan Đình Hoàng, phụ trách Trung tâm Hận cần – Kỹ thuật tại Thị trấn Trường Sa cho biết: “Âu tàu và khu hậu cần kĩ thuật là một công trình quốc phòng và dân sinh nằm trong hệ thống công trình quốc gia phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển trong quần đảo Trường Sa. Âu tàu là nơi ngư dân tránh trú bão còn khu hậu cần kĩ thuật là nơi cung cấp các dịch vụ cho bà con neo đậu tàu thuyền, sửa chữa, cung cấp các dịch vụ sửa chữa, thay thế các vật dụng nhỏ mà không mất tiền. Từ khi hoạt động đến nay, trung tâm đã đón 16 lượt tàu hoạt động, trong đó có hướng dẫn 10 ngư dân, trên 7 lượt tàu cá lên bệnh xá khám bệnh, sửa chữa cho 3 lượt tàu cá bị hỏng, trong đó có 1 trường hợp rất nặng mà nếu không được hỗ trợ sẽ phải lai dắt vào bờ. Sau khi được hỗ trợ vào bờ an toàn, ngư dân đã gọi điện cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ của trung tâm…”.

hải đảo, nơi đầu sóng, quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1/21

Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh Hiếu (đảo Núi Le A) chăm sóc vườn rau

Trong mọi hoạt động, Đảng và Nhà nước luôn đồng hành cùng chiến sĩ và ngư dân để họ an tâm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và vươn khơi bám biển. Khối đoàn kết gắn bó giữa quân và dân chính là sức mạnh lớn lao có thể làm lành mọi vết thương do thiên tai hay do ngoại cảnh tác động.

Lớp trẻ sinh ra tại các đảo ở Trường Sa, tuy không đủ đầy vật chất như ở đất liền nhưng tình yêu thương và sự quan tâm dành cho các em tuyệt nhiên không hề thua kém. Có những người thầy tình nguyện dành cả tuổi trẻ để “cõng chữ” đến mọi miền xa xôi của Tổ quốc để “trồng người” và được giảng dạy nơi trái tim Trường Sa là vinh dự không gì diễn tả được.

“Mình ở nông thôn nên hiểu rất rõ khó khăn của học sinh nông thôn. Khi còn học phổ thông minh đã mong muốn giúp đỡ cho các em học sinh khó khăn ở vùng sâu vùng xa. Mình học rất muộn, từ lúc tốt nghiệp 12 thì mãi 10 năm sau mới theo học đại học được. Do đó, mình muốn mang chút kiến thức của mình chia sẻ cho các em. Mình cũng đã đi dạy ở vùng sâu vùng xa rồi, nhưng ở Trường Sa là lần đầu. Mình phải đăng kí tới lần thứ 6 mới được. Mình hiểu là trên đảo sẽ khó khăn hơn ở đất liền nhưng với tình yêu trẻ thì mình đã xác định ngay từ đầu và muốn gắn bó với nơi đây...", thầy Nguyễn Hữu Phú – Trường tiểu học Song Tử Tây, bày tỏ.

hải đảo, nơi đầu sóng, quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1/21

Thầy và trò tại trường tiểu học xã Song Tử Tây.

Cái nắng tháng Tư như làm đốt cháy cả da thịt, chợt dịu lại trên những luống rau xanh ở đảo. Đó chính là thành quả tăng gia của các chiến sĩ sau thời gian trực chiến với nhiệm vụ. Vườn rau hay đàn gia súc nơi đây không chỉ là bầu bạn cùng các anh lính đảo mà đó còn là nguồn lương thực các anh bổ sung thêm cho đời sống của mình. Vui thay khi thấy những mảng xanh tốt tươi trong thiên nhiên khắc nhiệt, và càng cảm phục thay những con người đã vun trồng nên chúng.

Những người lính trẻ cũng là những mầm xanh đã được nắng gió Trường Sa trui rèn để vững vàng và bản lĩnh hơn chính họ của ngày hôm qua, khi còn trong vòng tay che chở của gia đình. Các chiến sĩ Trần Hoàng Thiện Nhân (Đảo Đá Nam), Trần Minh Hiển (đảo Song Tử Tây), Nguyễn Quốc Anh (đảo Sinh Tồn), Nguyễn Ngọc Minh Hiếu (đảo Núi Le A) chia sẻ: 

“Trước khi ra đảo thì biết ít, ra đây biết trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm, biết tiết kiệm, biết bơi nữa. Được các anh chỉ huy giúp đỡ em đã trưởng thành hơn nhiều… 

Mẹ hãy yên lòng nhé, con của mẹ giờ đã là một người đàn ông trưởng thành rồi…

3 tháng tân binh đã giúp bản lĩnh của em tăng lên, khi đặt chân lên đảo thì càng tăng thêm nhiều bậc, có như vậy mới đủ bản lĩnh và xứng đáng là người con của đảo…”

Đó là chia sẻ của những chàng trai đôi mươi tình nguyện ra hải đảo để nuôi lớn chí trai và làm tròn bổn phận với quê hương xứ sở. Những giọt nước mắt đoàn viên đã nhòa trên môi người mẹ khi gặp lại con mình sau thời gian luyện rèn trong quân ngũ. Chị Lưu Thị Lý, chị Nguyễn Thị Thêm – mẹ của chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn trải lòng giờ phút được gặp con. 

“Khi nhận được giấy mời được gặp con tôi hết sức vui mừng. Gặp con trên đảo thấy con trưởng thành hơn, khỏe mạnh hơn.

Từ lúc con lên đảo đây là lần đầu tôi được ra thăm con, suy nghĩ nhiều lắm, không biết con có thích nghi được không? Đến khi gặp con thì thấy con ra đây là một vinh dự, con đã trưởng thành hơn, rắn rỏi hơn ở nhà…”.

Quả thật đúng như những vần thơ của Bác:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Chính “lửa thiêng” nơi biển đảo đã tôi luyện nên chất “vàng ròng” trong những chiến sĩ hải quân. Người lính cụ Hồ bao giờ cũng vậy, càng sống trong gian khó lại càng phát huy được phẩm chất trung dũng, kiên cường, lạc quan vượt trên thử thách. Các chiến sĩ quyết tâm:

“Cuộc sống của các anh em trên đảo như một gia đình. Những khó khăn vật chất đã được bù đắp bằng cuộc sống tinh thần. Chúng em sẽ quyết tâm đem hết sức mình bảo vệ quê hương…

Ra đảo là được bảo vệ quê hương, bảo vệ gia đình. Em sẽ mang vinh quang về cho gia đình…

Em được ra đảo là vinh dự hơn bạn bè mình nhiều rồi. Đã ra đảo là đã xác định sẵn tinh thần hi sinh, không sợ gì cả, sẽ dùng hết sức mình bảo vệ an toàn cho đảo, giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương… ”.

Xa gia đình các anh đã có đồng đội, xa đất liền nhưng các chiến sĩ có cả quê hương – những trái tim khắp mọi miền Tổ quốc đang dõi theo từng phút. Sự hiện diện của đoàn đại biểu Thành phố mang tên Bác ở quần đảo Trường Sa chính là một minh chứng nhỏ cho tình cảm vô hạn mà đất liền dành cho nơi đầu sóng. Các anh hãy cứ yên lòng canh giữ biển trời Tổ quốc, vì ở đất liền cả hậu phương vững chắc luôn một lòng hướng về các anh, “Vì Trường Sa thân yêu – vì tuyến đầu Tổ quốc”…

Trái tim dành cho biển đảoTiếp tục loạt bài “Hành trình đến với Trường Sa - Đem yêu thương đến nơi hải đảo", kỳ 2 có nhan đề “Trái tim dành cho biển đảo”.

Mời nghe nội dung bài viết trong chương trình Sài Gòn buổi sáng 29/4/2019 https://radio.voh.com.vn/sai-gon-buoi-sang/sai-gon-buoi-sang-29-04-2019-315934.html