Tái chế chất thải để sản xuất và tiêu dùng bền vững

(VOH) - Góp phần thực hiện chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, Sở Tài nguyên và Môi trường TP tổ chức Ngày hội tái chế chất thải lần thứ 9 năm 2016 với chủ đề: “Sản xuất và tiêu dùng bền vững” vào sáng 10/4.

Đến với ngày hội, có hơn 50 doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị và đông đảo người dân thành phố tham gia.

Ngày hội Tái chế chất thải năm nay tập trung vào các hoạt động khuyến khích cộng đồng, người dân và doanh nghiệp thực hành Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế chất thải (3T), đặc biệt là đối với chất thải nguy hại.

Các bạn thanh niên viết cam kết bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng các phong trào của ngày hội tái chế chất thải nhiều năm, ông Tống Văn Thơm, người đã tự sáng tạo ra hơn 2 ngàn sản phẩm tái chế như: đồng hồ, radio, bình hoa cho hay: “Sản phẩm của tôi hầu hết là những đồ người ta bỏ đi, mục đích là khuyến khích cho bà con giữ lại những vật dụng có thể tái chế, thì có thể họ sẽ giảm bớt việc làm ô nhiễm môi trường”.

Có rất nhiều hoạt động ý nghĩa và thú vị diễn ra trong ngày hội như: tham quan triển lãm các sản phẩm đoạt giải của các em học sinh tại gian hàng Sức sống mới từ phế thải; hướng dẫn cách thức phân loại chất thải rắn, quy trình tái chế các loại chất thải thông thường và chất thải nguy hại.

Ngoài ra, còn có các gian hàng triển lãm công nghệ, sản phẩm tái chế và sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây cũng là nguồn tư liệu quý giúp các học sinh, sinh viên mở rộng kiến thức phục vụ cho việc học tập của mình; đồng cảm với những công việc khó khăn của người làm vệ sinh môi trường từ đó có ý thức hơn  trong việc bảo vệ môi trường, có thể chỉ bắt đầu từ việc rất nhỏ. Em Đặng Thiên Ân, học sinh trường Lê Lợi, Quận 3 bày tỏ: “Đi ngày hội này con thấy rất vui, con ý thức hơn về việc phải bảo vệ môi trường, cần phải phân loại rác, khi uống sữa xong, hộp sữa còn có thể làm ra được nhiều thứ như là bình hoa, nếu không con sẽ bỏ vào thùng rác”.

Ở gian hàng “Cũ người mới ta”, mọi người có thể trao đổi sách, báo, truyện, học tập, quần áo, đồ dùng vật dụng đã qua sử dụng với nhau nhằm khuyến khích tái sử dụng, giảm thiểu phát sinh chất thải.

Đến khu vực trò chơi, thì có cơ hội vận động cơ thể tìm hiểu thêm về tính năng, cách sử dụng hiệu quả các sản phẩm có thể tái chế. Nội dung các trò chơi đều liên quan đến Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế chất thải. Qua đó, giúp cộng đồng cư dân thành phố có thể hiểu, áp dụng các việc làm tuy rất đơn giản nhưng lại có tác dụng lớn trong bảo vệ môi trường.

 Cô Huỳnh Ngọc Điệp cùng các cháu đến ngày hội đổi quà tại gian hàng đổi chất thải nguy hại.

Đổi rác lấy quà là gian hàng sôi nổi, thu hút rất nhiều người dân đến tham gia chương trình. Tại đây, người dân có thể đổi các loại rác thải như: pin, bình đựng hóa chất, bóng đèn đã qua sử dụng, đổi vỏ chai PET, bao bì nhựa, giấy, vỏ hộp sữa…để nhận các phần quà rất dễ thương và ý nghĩa.

Chị Nguyễn Huyền Ngọc Oanh, quận 3 chia sẻ: “Ở gia đình mình thì mỗi lần các bé uống sữa xong liền súc sạch hộp sữa, rồi xếp lại gọn để dành một năm sau đem đi đổi. Quan trọng là tạo cho bé ý thức được việc phân loại rác tại nguồn. Năm ngoái đổi được cây xanh, nước ngọt rồi vô đây có mấy trò chơi trúng thưởng mấy bé ở nhà thích lắm”.

Trước ngày hội, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức 100 điểm thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, tổ chức hội thảo “sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới tăng trưởng xanh”, tập huấn cho lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt về “Tiêu dùng bền vững”. Song song đó, là nhiều cuộc thi hấp dẫn như chế tạo các sản phẩm, mô hình hữu ích từ vật liệu phế thải; thiết kế thời trang từ vật liệu phế thải Nét đẹp Sáng tác phi tuyên truyền khoảnh khắc 3T, thi sáng tác tiểu phẩm tuyên truyền về tiêu dùng bền vững…

Với nhiều hoạt động kéo dài gần 1 tháng. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP nhấn mạnh: “Qua 9 năm tổ chức, ngày hội tái chế chất thải đã làm tốt nhiệm vụ của mình, tác động tích cực đến nhận thức, thói quen thực hành 3T nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung của cộng đồng.

Về phía Sở Tài nguyên Môi trường chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình trong triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình giảm ô nhiễm môi trường, cũng là 1 trong 7 chương trình đột phá của thành phố, hỗ trợ các hoạt động xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống trên địa bàn thành phố”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM phát biểu tại ngày hội.

Đứng trước những yêu cầu, thách thức của thời kỳ mới, vấn đề bảo vệ môi trường trở nên quan trọng và cấp thiết vô cùng đối với cuộc sống và sức khỏe mỗi người. Ngày hội tái chế chất thải diễn ra hằng năm không chỉ góp phần lan tỏa những ý nghĩa cao đẹp về tinh thần giữ gìn vệ sinh môi trường mà còn là lời kêu gọi mỗi người cùng nhau sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp một sức nhỏ để xây dựng thành phố năng động, sạch đẹp, hiện đại.