Tân Chủ tịch viện Khoa học Xã hội Việt Nam mới 44 tuổi

(VOH) - Chiều 11/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm ông Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm KHXH Việt Nam - giữ chức vụ chủ tịch viện này

Ông Bùi Nhật Quang sinh năm 1975, quê quán Hà Nội.

Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế năm 2003 và được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công nhận học hàm phó giáo sư kinh tế năm 2012.

Ông bắt đầu công tác tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam từ năm 1995 và trải qua nhiều vị trí công tác. Năm 2011, ông được bổ nhiệm làm viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, rồi sau đó kiêm nhiệm tổng biên tập tạp chí Nghiên Cứu Châu Phi Và Trung Đông.

Năm 2014, ông được Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động luân chuyển về tỉnh Ninh Thuận, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận, sau đó được HĐND tỉnh bầu giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Tháng 1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Bùi Nhật Quang được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 2016, ông Bùi Nhật Quang được điều động, bổ nhiệm trở lại làm phó chủ tịch Viện hàn lâm KHXH Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho PGS. TS Bùi Nhật Quang - Ảnh: VGP

Chúc mừng PGS. TS Bùi Nhật Quang được giao trọng trách đứng đầu một viện hàn lâm với 66 năm hình thành và phát triển, Thủ tướng tin tưởng, đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh thực sự của Viện.

Thủ tướng nêu ra 5 yêu cầu lớn đối với Viện Hàn lâm cũng như là nhiệm vụ của tân Chủ tịch 44 tuổi. Trước hết, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả chất lượng các viện nghiên cứu khoa học. Viện có 2.000 người, 33 đơn vị thành viên thì cần tái cơ cấu sao cho hiệu quả, để có nguồn lực con người thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Viện. Phải chấn chỉnh công tác đào tạo, sản phẩm đầu ra trong đào tạo phải xứng đáng với danh tiếng, uy tín của Viện. Viện không phải là lồng ghép cộng đơn thuần của 33 đơn vị thành viên mà phải có bản sắc riêng, mục tiêu lớn, chiến lược rõ ràng, có sản phẩm xứng đáng.

Thứ hai, phải bắt nhịp hơi thở của cuộc sống trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Từ đó, đưa ra giải pháp mới giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam.

Thứ ba, khẳng định Chính phủ cam kết duy trì ngân sách hỗ trợ cho Viện, Thủ tướng mong muốn Viện cần chủ động đổi mới mô hình và xây dựng cơ chế tài chính bền vững thông qua các nguồn tài trợ phù hợp, hợp pháp.

Thứ tư, các nghiên cứu không được bỏ vào ngăn kéo mà phải được công bố công khai toàn văn trên trang web của Viện để xã hội và các nhà khoa học khắp nơi tiếp cận, sử dụng.

Thứ năm, Viện cần đổi mới cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy tối đa nội lực, mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập có hiệu quả vào chuỗi giá trị tri thức nhân loại, đặc biệt là xây dựng lực lượng nghiên cứu của Viện kết nối với các nhà nghiên cứu người Việt nghiên cứu khoa học nhân văn trên toàn thế giới, trong đó có việc không hành chính hóa các nhà khoa học, đổi mới cơ chế hướng đến quản lý theo kết quả, giảm các thủ tục hành chính phiền hà, tạo thuận lợi, động lực tốt cho các nhà khoa học.

Tạm đình chỉ công tác Thượng úy Công an tát nhân viên bán hàng: Công an tỉnh Thái Nguyên đã tạm đình chỉ công tác thời hạn 1 tháng đối với Thượng úy Nguyễn Xô Việt - cán bộ Công an thị xã Phổ Yên, người bị tố tát nhân viên bán hàng tại trạm dừng nghỉ Hải .

 

Thảo luận Tổ về Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP): Thảo luận tại Tổ về Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), các đại biểu quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.