Năm 2021, thương mại điện tử (TMÐT) Việt Nam tăng 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỉ USD; tỷ trọng doanh thu bán lẻ TMÐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với năm 2020.
Dự báo năm 2022, doanh thu TMÐT đạt 16,4 tỉ USD, có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan thuế.
Công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã có những hành lang pháp lý thuế. Tuy nhiên, trên thực tế công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước từ loại hình này vẫn là vấn đề nan giải với các cơ quan chức năng.
Giải pháp tổng thể chống thất thu đối với hoạt động thương mại điện tử
Để quản lý kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các hoạt động giao dịch điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số.
Ngày 1/10/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 889 yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương tập trung thực nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tại Quyết định số 508 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT để tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của các cá nhân trên Sàn giao dịch TMĐT.
Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài Chính triển khai việc chia sẻ dữ liệu, kết nối thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh TMĐT.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để có thể thực hiện tạm dừng, thu hồi giấy phép hoạt động trên môi trường mạng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.
Triển khai trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế đối với chủ thể cung cấp dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên mạng, các sản phẩm, dịch vụ phần mềm, các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện việc cung cấp thông tin của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ các nền tảng xuyên biên giới theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của cơ quan thuế.
Giải pháp của ngành thuế
Tổng Cục thuế và ngành thuế cần triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, trong đó có thể kể đến các biện pháp.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai chịu trách nhiệm về việc kê khai thuế, đặc biệt hướng dẫn người nộp thuế là các nhà cung cấp nước ngoài có thể kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành thuế.
Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online. Nghiên cứu, phát triển công cụ tìm kiếm internet thông minh trên các trang web có hoạt động TMĐT để xác định hoạt động TMĐT chưa được kê khai thuế.
Ghi chép các kết quả làm bằng chứng để sử dụng trong quá trình tính thuế và thanh tra, kiểm tra… phục vụ quản lý thuế theo công nghệ tìm kiếm và thông lệ quản lý thuế về TMĐT của các nước phát triển.
Tăng cường công tác rà soát, thanh tra các đối tượng mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh qua mạng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam để xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế.
Thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, tổng hợp các hành vi trốn thuế phổ biến của người nộp thuế, phân loại người nộp thuế theo các nhóm điển hình để có các biện pháp quản lý thuế phù hợp.
Đối với người nộp thuế là những doanh nghiệp có rủi ro lớn về thuế, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra. Đối với người nộp thuế là các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ tham gia vào các giao dịch nhỏ lẻ, số lượng lớn và giá trị giao dịch thấp, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để họ chấp hành pháp luật thuế đầy đủ.
Đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ và rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế, nộp thuế điện tử, hoá đơn điện tử để tạo điều kiện cho TMĐT phát triển.
Ngành thuế cần hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thông qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý thuế.
Ngành thuế tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, sàn TMĐT) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử, áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và xử lý dữ liệu lớn (bao gồm quản lý các dữ liệu về công tác quản lý thuế và dữ liệu về hóa đơn điện tử).
Xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế, các sàn giao dịch TMĐT để tạo điều kiện cho việc kê khai nộp thuế thường xuyên liện tục đáp ứng nhu cầu giao dịch nhanh của TMĐT.
Tăng cường trách nhiệm phối hợp các cơ quan quản lý trong việc trao đổi, thu thập thông tin của các đơn vị có hoạt động TMĐT, thông tin về việc đăng ký website sàn TMĐT, đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán qua ngân hàng.
Ngành thuế tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan Thuế các nước và vùng lãnh thổ đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam. Đây là khung pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện trao đổi thông tin với các nước phục vụ công tác quản lý thuế đối với các giao dịch TMĐT qua biên giới B2B và B2C.
Để đảm bảo công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực TMĐT đạt hiệu quả cao đối với các tổ chức nước ngoài (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) có thể nghiên cứu bổ sung thêm điều khoản Hỗ trợ thu thuế theo mẫu Hiệp định thuế mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào mẫu Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ.
Thu thuế GTGT tại nguồn đối với các giao dịch TMĐT. Đây là giải pháp mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã khuyến nghị và đã được áp dụng tại một số nước như phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên để thực hiện được giải pháp này cần phải củng cố các cơ sở pháp lý, sửa đổi về luật thuế giá trị gia tăng hay luật quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản pháp luật có liên quan.
Khi áp dụng giải pháp này, các giao dịch thương mại điện tử phát sinh sẽ có dòng tiền thuế giá trị gia tăng chạy vào thẳng ngân sách nhà nước, không mất nhiều thời gian công sức của người nộp thuế cũng như cơ quan thuế liên quan đến việc kê khai, nộp thuế cũng như thanh tra thuế.
Chuyên gia Quí Phan hiện là Giám đốc Tư vấn Thuế và Luật của Công ty Luật Frasers, ông có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh tư vấn thuế, tư vấn luật, tài chính và pháp lý đầu tư. Ông từng là Giám đốc tư vấn thuế, luật và hỗ trợ doanh nghiệp của một trong bốn Công ty tư vấn và kiểm toán lớn nhất thế giới (Big4), giám đốc pháp lý đầu tư (M&A) và giữ nhiều vai trò quản lý cấp cao tại các tập đoàn lớn trước khi gia nhập Công ty luật Frasers. Ông từng có thời gian công tác tại các nước New Zealand, Singapore nhằm tư vấn và xúc tiến các dự án hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia. Email của chuyên gia: qui.phan@frasersvn.com |