Bài 1:Thu thuế thương mại điện tử- bài toán và những thách thức khổng lồ

(VOH)-Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, là hình thức kinh doanh tiềm năng được DN bán lẻ hướng tới bởi doanh thu ấn tượng. Song số thuế nộp ngân sách chưa tương xứng và đang gây thất thu.

Thương mại điện tử (TMĐT) lại có những điểm sáng và tiếp tục ghi nhận thu nhập và doanh thu khủng, góp phần mạnh mẽ vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước. Hơn thế nữa, điều này đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Số thuế thu từ thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng phát triển

Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã và đang có những bước phát triển đáng kể bởi những lợi ích to lớn mà hoạt động này mang lại. Ước tính tỉ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chiếm trên 90%, trong khi tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong những năm gần đây luôn ở mức cao, trên 20%/năm.

Bài 1:Thu thuế thương mại điện tử- bài toán và những thách thức khổng lồ 1

Sự bùng nổ của thương mại điện tử đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan thuế.

Ảnh minh họa

Hiện Việt Nam có khoảng 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT; trong đó có khoảng 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường TMĐT đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.

Sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều phương thức kinh doanh mới đã tạo ra dư địa lớn tăng thu từ TMĐT. Điều này cũng đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có cơ quan thuế.

Để quản lý tốt và chặt chẽ hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Cơ quan thuế các cấp đã sớm chủ động vào cuộc, phối hợp với các ngành liên quan chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh này.

So với thu nhập và doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh TMĐT chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Chính sách thuế đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nn tảng số ở Việt Nam

Những năm qua, các quy định pháp luật về thuế của Việt Nam đã được kiện toàn và có tính bao quát, điều chỉnh đối với TMĐT ngay từ khi hoạt động này mới ra đời, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thu thuế.

Các hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu hàng hóa chịu thuế là đối tượng nộp thuế GTGT.

Do đó, các hàng hóa, dịch vụ sử dụng tại Việt Nam được mua, bán thông qua loại hình TMĐT từ các trang mạng điện tử đặt tại Việt Nam hay tại các quốc gia khác, người bán đều phải kê khai và nộp thuế GTGT theo quy định.

Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã quy định rõ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập đều phải nộp thuế TNDN.

Doanh nghiệp Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam.

Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam có hoặc không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó.

Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

Về cách xác định số thuế phải nộp cũng như phương pháp thu thuế, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn đã có quy định phù hợp với từng loại đối tượng.

Đối với trường hợp doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh phát sinh thu nhập tại Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân, không thực hiện chế độ kế toán, chứng từ theo pháp luật của Việt Nam thực hiện việc xác định số thuế phải nộp theo tỷ lệ %/doanh thu và tổ chức Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế của doanh nghiệp nước ngoài từ số tiền chi trả cho doanh nghiệp nước ngoài và nộp số tiền thuế này vào NSNN.

Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định đối tượng chịu thuế bao gồm cá nhân cư trú có thu nhập thuộc diện chịu thuế quy định phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập thuộc diện chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

Cá nhân công dân Việt Nam hay cá nhân nước ngoài phát sinh thu nhập từ các giao dịch TMĐT tại Việt Nam và tại các trang mạng của Việt Nam cũng như các trang mạng quốc tế đều phải kê khai và nộp thuế TNCN tại Việt Nam.

Luật Quản lý thuế năm 2007 và các luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung sau đó đã có quy định các chủ thể kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải đăng ký, khai thuế khi tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Khó khăn và thách thức trong công tác quản lý thuế TMĐT

Với đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam, thực tiễn đã và đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác quản lý thuế.

Thách thức lớn nhất là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Trong điều kiện nền kinh số, các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào dựa theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống.

Các quốc gia đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, trong khi doanh nghiệp, cá nhân có thể vận dụng các quy định để phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định của từng nước.

Một thách thức khác là khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế. Trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại một nước hay một địa bàn cụ thể.

 “Sự hiện diện trong không gian số” không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật thuế hiện hành mà đang căn cứ chủ yếu vào “sự hiện diện vật chất” của tổ chức kinh doanh hay người nộp thuế.

Trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là tiền bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu hàng hóa thông thường.

Điển hình là doanh thu liên quan đến phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, các ứng dụng đăng tải trên mạng... rất khó để xác định số tiền chi trả là tiền bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu trả cho sản phẩm số để cơ quan thuế làm căn cứ áp dụng thuế suất và tính thuế phải nộp. Đồng thời, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng.

Một khó khăn và thách thức khác không nhỏ, đó là việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.

Do chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.

Trước thách thức đó, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh quản lý thuế TMĐT. Việt Nam là một trong bốn nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến, khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Sau hơn 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 36 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng.

Trong đó có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple) chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD.

Qua 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế dành cho nhà cung cấp nước ngoài cho thấy sự phối hợp, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của các nhà cung cấp nước ngoài.

Các nhà cung cấp nước ngoài lớn đã chủ động phối hợp với cơ quan thuế để tìm hiểu các chính sách thuế, có các đề xuất, góp ý cho cơ quan thuế để hoàn thiện chính sách thuế, công cụ quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế.

Chuyên gia Quí Phan hiện là Giám đốc Tư vấn Thuế và Luật của Công ty Luật Frasers, ông có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh tư vấn thuế, tư vấn luật, tài chính và pháp lý đầu tư. Ông từng là Giám đốc tư vấn thuế, luật và hỗ trợ doanh nghiệp của một trong bốn Công ty tư vấn và kiểm toán lớn nhất thế giới (Big4), giám đốc pháp lý đầu tư (M&A) và giữ nhiều vai trò quản lý cấp cao tại các tập đoàn lớn trước khi gia nhập Công ty luật Frasers. Ông từng có thời gian công tác tại các nước như New Zealand, Singapore nhằm tư vấn và xúc tiến các dự án hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia. Email của chuyên gia: qui.phan@frasersvn.com