Nhu cầu nhân lực ngành thương mại điện tử tăng nhanh

(VOH) – Hội thảo "Đào tạo Thương mại điện tử 2022" vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức hôm 9/9 tại Trường Đại học Hoa Sen.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam về đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học, năm qua, đã có nhiều trường đại học bắt đầu đào tạo chính quy ngành thương mại điện tử và dự kiến mở ngành thương mại điện tử trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Một số ngành đào tạo khác liên quan tới thương mại điện tử cũng cho thấy nhu cầu nhân lực tăng nhanh. 

Chẳng hạn, thông tin tuyển sinh vào ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng năm học 2022 – 2023 thể hiện nhu cầu theo học ngành này rất cao. Đồng thời, từ năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở hai ngành đào tạo mới là Kinh tế số và Công nghệ tài chính (Fintech). 

Số trường đào tạo ngành thương mại điện tử trình độ đại học liên tục tăng nhanh 1
Quang cảnh Hội thảo "Đào tạo Thương mại điện tử 2022" tại TPHCM. 

Năm 2022, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tiến hành khảo sát tình hình đào tạo thương mại điện tử tại 132 trường đại học và nhận thấy số trường đào tạo ngành thương mại điện tử trình độ đại học liên tục tăng nhanh và tới nay đã lên tới 36 trường.

Ước tính năm 2021, lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ đô la Mỹ. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong 4 năm từ 2022 - 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai của thương mại điện tử. 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam nhận định: “Thương mại điện tử, chắc chắn sẽ có bước đột phá tăng trưởng, bởi vì trong thời gian Covid-19 vừa qua, mọi người lên trên đó để mua hàng. Chính những người đó là sẽ có những người quyết định mua sắm trong gia đình. Hơn nữa các kênh bán hàng đã đưa về nhiều sản phẩm đa dạng hơn về thực phẩm bên cạnh thời trang, công nghệ, kết nối nhiều doanh nghiệp đưa sản phẩm lên và việc mua bán ngày càng sôi động hơn”.

Bình luận