Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định của Thủ tướng ban hành khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân.
So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh (tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh và mức tối đa là 1.906,42 đồng/kWh)
Việc điều chỉnh khung này chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
Khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.
Giá bán lẻ điện bình quân là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp. Hiện là 1.864,44 đồng một kWh, áp dụng từ năm 2019 đến nay.
Xem thêm: Nhiều người sẵn sàng chi tiền tỷ để mua thận "chui"
Trong năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay giá thành sản xuất kinh doanh điện đã tăng cao do biến động tăng từ các yếu tố đầu vào, đã làm cho EVN bị lỗ lớn trong năm 2022 và dự kiến tiếp tục lỗ cho năm 2023.
Mức lỗ của EVN năm 2022 lên tới 31.300 tỉ đồng. Các chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí nguyên nhiên liệu tăng mạnh trong năm 2022 đã đẩy chi phí giá thành của EVN tăng cao.
EVN cho biết nếu giá điện giữ nguyên như hiện nay thì đến hết tháng 5-2023, Công ty mẹ EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản và số lỗ lũy kế năm 2022 - 2023 sẽ lên tới hơn 93.000 tỷ đồng.