Tăng kiểm nghiệm sản phẩm chống nắng sau vụ SPF “ảo”

VOH - Các trường hợp nghi ngờ cần được phản ánh kịp thời để ngăn chặn hàng giả lưu hành trên thị trường.

Sau vụ việc lô kem chống nắng ghi nhãn SPF 50 nhưng kiểm nghiệm thực tế chỉ đạt SPF 2,4, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu các sở y tế địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm chống nắng.

Cụ thể, Cục Quản lý dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát toàn bộ các phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có ghi tính năng, công dụng chống nắng đã được tiếp nhận. Đồng thời, cần bảo đảm các sản phẩm này tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý mỹ phẩm hiện hành, đặc biệt là về chỉ số SPF – yếu tố bảo vệ da khỏi tia UVB.

anh-man-hinh-2025-05-16-luc-204207-17474029405241118007810
Lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 tuýp 100g) bị thu hồi

Các trường hợp phát hiện không đáp ứng quy định phải thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố, kiểm tra nội dung ghi nhãn, quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Các trung tâm kiểm nghiệm tại địa phương được yêu cầu tăng cường lấy mẫu, xác định chỉ số SPF để kịp thời phát hiện sai phạm và báo cáo về Cục. Những sản phẩm vi phạm sẽ bị thu hồi, tiêu hủy và xử lý nghiêm theo quy định.

Đây là động thái mạnh mẽ nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực y tế, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Đồng thời, đây cũng là một phần của đợt cao điểm chống gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối mỹ phẩm, Cục yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm rà soát hồ sơ thông tin sản phẩm (Product Information File – PIF), phương pháp và kết quả thử nghiệm chỉ số SPF, bảo đảm trung thực, chính xác, và sẵn sàng cung cấp khi có yêu cầu kiểm tra.

Các cơ sở cũng phải rà soát lại nội dung phiếu công bố và nhãn sản phẩm, bảo đảm tính năng chống nắng, chỉ số SPF ghi trên bao bì phù hợp với kết quả kiểm nghiệm thực tế và đúng hướng dẫn của ASEAN về ghi nhãn mỹ phẩm chống nắng.

Trước đó, lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 tuýp 100g) đã bị đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc do chỉ số chống nắng thực tế chỉ đạt SPF 2,4 – thấp hơn 95% so với mức công bố là SPF 50. Lô hàng do công ty của chồng bà Đoàn Di Băng, một người nổi tiếng trên mạng xã hội, phân phối. Vụ việc làm dấy lên lo ngại về thực trạng quản lý chất lượng mỹ phẩm trên thị trường.

Cùng với thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, nay đến mỹ phẩm – vốn được nhiều người dân sử dụng hàng ngày – cũng xuất hiện sản phẩm giả, kém chất lượng. Nhiều người tiêu dùng bày tỏ lo ngại và mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cục Quản lý dược khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên sử dụng các sản phẩm rõ nguồn gốc, được công bố và kiểm nghiệm đầy đủ; không nên tin vào quảng cáo thổi phồng hay nhãn mác thiếu kiểm chứng.

 
Bình luận