Tăng lương cơ sở thì cũng cần nâng mức giảm trừ gia cảnh

VOH - Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng lương tăng 30% thì ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí 50% mới hợp lý.

Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng cùng với tăng lương cần tiếp tục đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Theo ông Hạ, thực tế trước khi tăng lương giá cả đã tăng nên cần giải pháp bình ổn giá, lưu ý cần quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ gia cảnh phải nghiên cứu.

"Hiện nay mức sống tăng lên, chi phí đắt đỏ và lương tăng 30% thì ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí 50% mới hợp lý", ông Hạ đề nghị.

ta-van-ha-1719398070105392542718
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Nguồn: TTO

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương nên tiếp tục thang, bảng lương, chế độ phụ cấp hiện hành, một số bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó có ngành giáo dục có nhiều tâm tư, băn khoăn.

Đại biểu tha thiết đề nghị khi nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương cần thể chế hóa các chủ trương về chính sách tiền lương, phụ cấp nghề với nhà giáo.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho hay trong 20 năm qua, Việt Nam có 14 lần điều chỉnh mức lương cơ sở.

Trong đó, 2 lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát, đó là năm 2008 khi tăng lương cơ sở 20%, lạm phát tăng từ 6,3 lên 23%; năm 2011 tăng 13,7%, lạm phát tăng từ 9,2% lên 16,8%.

Thực tế lạm phát tăng không chỉ do lương cơ sở mà còn do lạm phát thế giới, giá dầu thế giới tăng, tỉ giá tăng…Đại biểu đề nghị thời gian tới Chính phủ cần quan tâm đến 4 vấn đề.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ cần linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và phải giữ cho được ổn định tỉ giá.

Thứ hai, phải điều chỉnh các hàng hóa dịch vụ nhà nước quản lý như học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh… phải giãn ra, không cùng một lúc và phải cách xa ngày 1/7.

Thứ ba, chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất.

Thứ tư, phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, té nước theo mưa và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng nếu tiền lương cứ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc chỉ đặt mục tiêu để bảo đảm đời sống sẽ không khuyến khích được cán bộ, công chức, viên chức, những người làm việc ở khu vực công. Để cải cách toàn diện, ông đề xuất phải đưa ra công thức tính và căn cứ theo GDP hằng năm.

Có mức dự trữ hơn 913.000 tỷ đồng để phục vụ lần tăng lương này là một nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên theo đại biểu con số trên vẫn chưa đủ lớn. Do đó có những phần trợ cấp tăng từ 2.055 triệu đồng lên 2.789 triệu đồng, tức con số rất lẻ. "Như vậy rất khó cho đơn vị thực hiện, tại sao không quy về 2.700 hay 2.800 triệu đồng, hay vì một lý do nào đó? Tôi nghĩ nên xem xét để thuận lợi cho quá trình thực hiện", ông Huân nêu.

Bình luận