Những chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong một lần họp mặt giữa thời bình. |
Đại tá Trần Minh Sơn - nguyên Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định kể cho chúng tôi nghe không khí của những ngày tháng 4 sôi động tại sài Gòn năm 1975. Lúc đó, 5 giờ sáng ông cùng đồng đội có mặt tại Sài Gòn, khí thế ngày chiến thắng gần kề không có bút mực nào tả được. Niềm vui mong chờ ngày chiến thắng như bừng bừng trong từng gương mặt, trong lòng từng người dân ở đất Sài Gòn- Gia Định bao năm dài sống trong cảnh áp bức, bóc lột của kẻ thù. Ông Trần Minh Sơn cho biết: lúc đó nhiệm vụ của lực lượng biệt động Sài Gòn là nhanh chóng làm mọi việc để chuẩn bị phát triển lực lượng, xây dựng tổ chức, làm chủ tình hình, khi đại quân vào thì lực lượng biệt động chủ động hoàn thành nhiệm vụ, tìm cách trừ gian diệt ác để bảo đảm cho quần chúng phát triển mạnh mẽ lên. Ký ức về những năm tháng gắn bó trong lực lượng biệt động Sài Gòn là những ngày tháng hào hùng không thể nào phai mờ của người chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa. Đại tá Trần Minh Sơn kể lại:
Trò chuyện với nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Lê Thị Thu Nguyệt, người được đồng đội trìu mến đặt cho biệt danh là “Chim Sắt”, chúng tôi càng khâm phục tinh thần quả cảm của người nữ biệt động đầu tiên của Sài Gòn lúc bấy giờ. Khi chúng tôi bày tỏ thắc mắc về biệt danh “Chim Sắt”, bà Lê Thị Thu Nguyệt cười thật tươi rồi tự hào kể lại: lúc đó bà là người làm việc rất nhanh nhạy như con chim Cắt vậy, nhưng đồng đội không đặt tên cho bà là “Chim Cắt” mà lại đặt cho bà biệt danh là “Chim Sắt” bởi muốn bà có tinh thần cứng rắn như sắt đá.. .Suy nghĩ đơn giản của cô gái tuổi mười chín đôi mươi, thành viên nữ đầu tiên của đội biệt động Sài Gòn lúc đó thật giản đơn. Chỉ vì có trực tiếp tham gia chiến đấu chống lại kẻ thù thì mới mong sớm có ngày hòa bình thống nhất đất nước, được thực hiện ước mơ đi học, đi làm. Do vậy, bà Thu Nguyệt đã đăng ký tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn để có thể trực tiếp chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Bà không thể nhớ hết đã từng tham gia bao nhiêu trận đánh, nhưng những trận đánh lớn nhất mà bà không thể quên đó là trận chuyển bom đánh vào cuộc triển lãm vũ khí duyệt binh của ngụy quyền. Trận đánh đã phá hủy hoàn toàn chiếc máy bay, 3 tên địch chết và 2 tên bị thương. Vụ nổ chấn động Sài Gòn năm 1962 của biệt đội 159 sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi điện khen ngợi. Nữ biệt động Sài Gòn Lê Thị Thu Nguyệt chia sẻ:
Không nhanh như “Chim Sắt”, nhưng tinh thần gan dạ của nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Bích Nga cũng làm cho nhiều người phải cảm phục. Bà Nguyễn Thị Bích Nga xuất thân từ gia đình cách mạng và từ truyền thống đó bà đã bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, năm 1966 bà được phân công vào đội biệt động Sài Gòn. Chỉ sau gần 1 năm bà Bích Nga cùng đồng đội lập chiến công qua trận đánh vào khuôn viên Sở chỉ huy tướng Mỹ: Westmoreland lúc bấy giờ. Niềm tự hào của người nữ biệt động Sài Gòn năm xưa chính là được góp phần công sức nhỏ bé của mình vào ngày toàn thắng của đất nước. Niềm tự hào đó đang tiếp tục được bà truyền cho thế hệ trẻ ngày nay thông qua những câu chuyện kể, những lời khuyên nhủ thanh niên biết sống có lý tưởng, trở thành người có ích tiếp tục dựng xây phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. Nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Bích Nga bày tỏ:
Chính nhờ sự quyết tâm, lòng quả cảm, tình yêu quê hương đất nước, khát khao được giành lấy độc lập tự do mà những chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách góp phần viết nên trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Và hôm nay, những người chiến sĩ biệt động Sài Gòn vẫn đang tiếp tục dành thời gian để tham gia đóng góp tích cực vào công tác ở địa phương và công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Chúng tôi những thế hệ ngày nay và mai sau chắc chắn sẽ không bao giờ quên được những năm tháng lịch sử hào hùng mà cha ông đã dày công vun đắp để có được sự độc lập, tự do như hôm nay. Đó cũng là niềm tin và ý chí để thế hệ hôm nay biết sống và cống hiến sức mình vào sự phát triển xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.