Thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp

(VOH) - Vấn đề môi trường của nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao… Tại phiên họp sáng nay 26/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành, các đại biểu quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) nhằm đáp ứng đòi hỏi phát sinh từ thực tế ấy.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Dự án Luật Bảo vệ môi trường đã được rất nhiều đại biểu quốc hội quan tâm. Tháng 5/2020, quốc hội đã thảo luận cho ý kiến. Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội, ý kiến của các đoàn đại biểu quốc hội để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật trình quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 này.

toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Theo ông Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ quốc hội đã có báo cáo số 531 ngày 19/5/2020 về dự án Luật này. Để có cơ sở tiếp thu chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật tại phiên thảo luận ông đề nghị các đại biểu quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề được nêu trong báo cáo tiếp thu giải trình chỉnh lý dự thảo Luật và các nội dung khác mà các đại biểu quốc hội quan tâm.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà nêu rõ, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo vệ môi trường. Cùng với đó, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã đặt ra cơ hội về đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường, định hình các mô hình tăng trưởng mới cũng như những thách thức về sự dịch chuyển công nghệ cũ, ô nhiễm vào nước ta.

Về giấy phép môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời hạn của giấy phép môi trường tối đa là 5 năm đối với các dự án thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 10 năm đối với các dự án khác hoặc có thể ngắn hơn theo đề nghị của chủ dự án đối với một số loại hình đặc thù như thuê nhà xưởng để sản xuất.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dự thảo Luật bảo vệ môi trường đã quy định về nguyên tắc sử dụng thuế, phí bảo vệ môi trường, xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên & Môi trường trong việc đánh giá tác động mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm hàng hóa khi sử dụng. Đề xuất danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, thì đã làm việc rất rõ với Bộ Tài chính, không có sự xung đột đến sự thống nhất trong Luật. Nhằm mục tiêu điều chỉnh hành vi theo hướng giảm phát thải, thân thiện môi trường, bổ sung nhiều công cụ kinh tế mới như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cơ chế đặt cọc hoàn trả, trách nhiệm của nhà xuất nhập khẩu trong thu gom, tái chế, xử lý bao bì.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Phan Xuân Dũng cho rằng, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là cần thiết. Theo ông, cần xem xét kỹ việc thanh tra, kiểm tra đột xuất để phù hợp với Luật Thanh tra, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng, có sự khác nhau của dự thảo Luật với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhất là việc mở rộng chủ thể có quyền xử phạt; quy định sử dụng 50% tiền thu được từ xử phạt để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý… cần cân nhắc thêm. “Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường đề nghị nghiên cứu cụ thể hơn về sự cố môi trường theo 4 mức: mức độ thấp, trung bình, cao và mức độ thảm họa tại khoản 1 điều 131, điều 133 trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường, giữa Bộ Tài nguyên môi trường với các bộ khác”, ông Dũng phát biểu.

toàn cảnh kỳ họp

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo thẩm tra

Ông Dũng cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về hình sự, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về đầu tư; về bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển năng lượng tái tạo; về vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường… thiết lập cơ sở pháp lý bảo đảm quyền của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại được khởi kiện đòi bồi thường phù hợp với quy định pháp luật về dân sự và đặc thù của thiệt hại về môi trường. Ngoài những vấn đề nêu trên, tại hội nghị thẩm tra còn có một số ý kiến về bảo vệ các thành phần môi trường như: không khí, đa dạng sinh học, sức khỏe môi trường; quan trắc môi trường…

18 học sinh thương vong trong vụ cây đổ tại trường Bạch Đằng Quận 3, TPHCM - (VOH) - Chiều ngày 26/5 tại buổi họp báo chung quanh vụ cây xanh ngã tại trường Trung học cơ sở Bạch Đằng, UBND Quận 3 cho biết có 18 trường hợp học sinh thương, vong trong vụ tai nạn.