TPHCM đơn giản hóa thủ tục hành chính về tài nguyên và môi trường

(VOH) - Sáng ngày 11/3, UB MTTQ VN TPHCM tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp về thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở TN-MT TP.

Đây là cơ hội để người dân và cộng đồng doanh nghiệp được đối thoại, thảo luận với các sở, ngành về các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững. 

Theo khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị được giao chủ trì tổ chức hội nghị, Sở đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Với phương án đơn giản hóa 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố thực thi đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính.

"Đầu tiên là ở chi nhánh nộp, chuyển lên cho văn phòng đăng ký đất đai thẩm tra, chuyển qua Sở tài nguyên môi trường ký. 3 công đoạn 15 ngày. Bước 1 chúng tôi ủy quyền cho văn phòng đăng ký đất đai cấp, đã giảm một bước nhưng cũng không đáp ứng yêu cầu của người dân. Vì vậy, việc luân chuyển hồ sơ thời gian có 10 ngày thôi, thay vì 15 ngày như trước đây và mình phải phân cấp triệt để thì mới xử lý đúng thời gian, đảm bảo nhu cầu của người dân khi cấp giấy chứng nhận gia đình hộ cá nhân", ông Thắng nói.  

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp Hội các Khu công nghiệp TPHCM, đại diện cho 17 Khu chế xuất – Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao TPHCM với 1.600 nhà máy và trên 3.000 công nhân cho biết: "Điều chúng tôi mong muốn là trên cơ sở pháp luật công chức, cán bộ phải biết vận dụng thấu đáo để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Chúng tôi cho rằng thủ tục về đất đai được giải phóng thì sức sản xuất cũng giải phóng, nhà đầu tư cũng nhanh chóng đưa nguồn vốn vào thì có công ăn việc làm, tình hình kinh tế sẽ phát triển".

Ông Trương Quang Diệu – Đại diện Công ty Bình Tân, quận Bình Tân nêu vướng mắc. Công ty ông đã đợi gần 10 năm để được cấp giấy sử dụng đất mở rộng nhà máy sản xuất nhưng đến nay chưa được giải quyết: "Trước đây chúng tôi cũng làm việc với Sở Kế hoạch - Kiến trúc, họ kiên quyết là vẫn không sửa kế hoạch này và bảo luu đây là quy hoạch Công viên cây xanh nằm trên Phường Bình Trị Đông A, Bình Tân. Chúng tôi chờ từ năm 2011, 2013 bây giờ 2020 vẫn là như vậy.

Theo chúng tôi biết thì định hướng trong 10, 15 năm nữa, chỗ đó toàn bộ sẽ thành đô thị hết. Quy hoạch treo cứ treo hoài. Doanh nghiệp bức xúc là cần thiết thì phải rà soát lại, nếu dự án này khả thi có thể được triển khai theo quy hoạch được duyệt thì quyết tâm làm cho tới cùng luôn để xong nhưng việc rà soát rất chậm. Hết cơ qan này đẩy cơ quan kia. Đô thị quận thì đẩy UBND quận, Quận đẩy cho Sở Kiến trúc, Kiến Trúc đẩy cho Sở Xây dựng".

Đề cấp đến những vướng mắc còn tồn tại như ở trên, Luật sư Trương Thị Hòa thừa nhận, một số người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và qua từng trường hợp, ngành tài nguyên môi trường phải nắm được cụ thể để gỡ bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính: "Mỗi lần chúng ta nói cải cách hành chính là làm đơn giản hóa. Nếu bớt ngày thì phải tăng cường chất lượng làm việc. Cán bộ phải có trình độ nâng cao. Đặc biệt là về công nghệ thông tin để làm sao giảm bớt được thời gian, thủ tục và không gây phiền hà cho người dân".

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội Luật gia Thành phố - Thành viên Ủy viên Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cho rằng: "Luật đất đai cần phải sửa đổi toàn diện đồng thời xem xét một số quy định của các luật khác như luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản. Cùng một mảnh đất nhưng chúng ta bị điều chỉnh rất nhiều. Đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giúp cho người dân và doanh nghiệp hoạt động tốt hơn khi tài sản của họ ở trên đất được đảm bảo, được bảo vệ hợp pháp".

Việc cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính; loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” là giải pháp đổi mới về phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức và công dân.

Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí minh phát biểu tại hội nghị.

Đánh giá về công tác này, bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM nhìn nhận: Thời gian qua ngành tài nguyên môi trường có nhiều cải cách thủ tục hành chính trong đó 92% diện tích đất đã được cấp chủ quyền và 97% hộ dân đã được cấp giấy chủ quyền. Tuy nhiên số còn lại đối với một thành phố lớn như TPHCM là không nhỏ: "Người dân bức xúc cụ thểnhư trình độ năng lực của cán bộ, sự vô cảm của cán bộ đối với người dân, độ vênh của pháp luật và nhận thức cũng không đồng bộ. Vì vậy đến sở này thí rất vui vẻ nhưng đến sở kia lại rất khó khăn. Đó cũng là những ý kiến hết sức thiết thực và nó diễn ra hàng ngày. MTTQ và Hội đồng nhân dân sẽ tiếp tục có những buổi giám sát cũng như lắng nghe ý kiến của người dân để kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm hơn để làm sao giảm được bức xúc của người dân và nâng cao năng lực của cán bộ, tính trách nhiệm của các sở ngành trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân".

Việc cải cách thủ tục hành chính thông qua thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" là đã giảm việc đi lại của người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, số hồ sơ hành chính giải quyết đúng hẹn đạt tỷ lệ cao, công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, tổ chức và doanh nghiệp trên các lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...