Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 28, Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Mục tiêu của nghị quyết tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.
Trong các nhiệm vụ giải pháp đặt ra, Trung ương yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ.
Về tổ chức bộ máy, nghị quyết yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, vận hành thông suốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hoàn thiện cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhất là trong các cơ quan quản lý nhà nước, những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ lạm dụng quyền lực.
Đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, làm cơ sở để xác định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2026 - 2031.
Xem thêm: Quốc hội ra Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số ô tô
Về công tác cán bộ, Trung ương lưu ý, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện. Các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn để bầu vào cấp ủy, chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; Lãnh đạo việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm theo quy định.
Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; Kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; Kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ.
Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về việc lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.