Thí điểm thu phí đảm bảo hàng hải luồng Soài Rạp

(VOH) - Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, thí điểm thu phí đảm bảo hàng hải luồng Soài Rạp, tỗ trợ hệ thống dây chuyền lạnh cho tiêm chủng … là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/11.

Ảnh minh họa: Báo Tin Tức. 

Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long

Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích tự nhiên khoảng 40.604,7 km2, bao gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư đô thị loại III trở lên được sử dụng nước sạch đạt 90 - 100%, đô thị loại IV và loại V đạt 90 - 95%; tỷ lệ dân cư nông thôn tập trung được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh, cấp nước đô thị đạt 25%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân đạt 18%.

Đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 98 - 100%; tỷ lệ dân cư nông thôn tập trung được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh, cấp nước đô thị đạt 35%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân đạt dưới 12%.

Ba vùng cấp nước

Trên cơ sở điều kiện địa hình, nguồn nước, thực trạng và định hướng phát triển không gian vùng, nhu cầu sử dụng nước và phát triển cấp nước theo các giai đoạn quy hoạch, vùng đồng bằng sông Cửu Long được chia thành ba vùng cấp nước.

Cụ thể, Vùng I - Bắc Sông Tiền bao gồm toàn bộ các tỉnh: Long An, Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp. Vùng II - Giữa sông Tiền và sông Hậu bao gồm toàn bộ các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và một phần tỉnh Đồng Tháp. Vùng III - Vùng Tây Nam sông Hậu bao gồm toàn bộ các tỉnh/thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Trong các vùng cấp nước, theo điều kiện nguồn nước chia thành các khu vực: Thuận lợi, ít thuận lợi và khó khăn về nguồn nước làm cơ sở lựa chọn giải pháp cấp nước phù hợp.

Các khu vực thuận lợi về nguồn nước gồm các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang; một phần thành phố Cần Thơ. Các khu vực ít thuận lợi về nguồn nước gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang; một phần tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Các khu vực khó khăn về nguồn nước gồm các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh; một phần tỉnh Vĩnh long.

Đầu tư xây dựng 5 nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, giải pháp cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long kết hợp giữa nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh với các nhà máy nước quy mô vùng tỉnh phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng khu vực.

Đầu tư xây dựng 5 nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh và kết nối với mạng lưới đường ống truyền tải liên tỉnh cấp nước cho các khu vực nguồn nước bị xâm nhập mặn hoặc khó khăn về nguồn nước gồm: 1- Nhà máy nước sông Tiền 1, khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; 2- Nhà máy nước sông Tiền 2, khu vực thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; 3- Cụm nhà máy nước sông Hậu 1, khu vực quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ và nhà máy nước Sông Hậu khu vực Khu công nghiệp sông Hậu, tỉnh Hậu Giang; 4- Nhà máy nước sông Hậu 2, khu vực huyện Châu Thành, tỉnh An Giang; 5- Nhà máy nước sông Hậu 3, khu vực thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Quy mô công suất và phạm vi cấp nước của các nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh được đầu tư mở rộng dựa theo nhu cầu sử dụng nước, kịch bản biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn trong từng giai đoạn quy hoạch.

Sơn Trà phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Khu vực quy hoạch phát triển Khu DLQG Sơn Trà nằm trên bán đảo Sơn Trà thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về phía Đông Bắc với tổng diện tích khoảng 4.439 ha. Diện tích khu vực tập trung phát triển trở thành Khu DLQG là 1.056 ha.

Mục tiêu quy hoạch nhằm phấn đấu trước năm 2025, phát triển khu du lịch Sơn Trà đáp ứng các tiêu chí của Khu DLQG; đến năm 2030 Khu DLQG Sơn Trà trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước; là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia.

Sơn Trà phấn đấu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu khoảng 1.900 tỷ đồng; đến năm 2030 đón 4,6 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu khoảng 4.300 tỷ đồng.

Sản phẩm du lịch chính mà Sơn Trà hướng tới là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch thể thao và thể thao mạo hiểm. Sản phẩm du lịch bổ trợ gồm: du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử - cách mạng, du lịch tham quan thắng cảnh và các sản phẩm liên kết với khu vực lân cận như Ngũ Hành Sơn, Nam Hải Vân, Bà Nà...

Theo định hướng, hình thành 3 trung tâm dịch vụ và cửa ngõ vào Khu DLQG trên 3 trục tiếp cận bán đảo Sơn Trà, gồm: Trung tâm đón tiếp và lưu trú Hồ Xanh - Bãi Bụt; Trung tâm diễn giải môi trường và du lịch sinh thái tại khu vực giao cắt giữa đường lên đỉnh Bàn Cờ và đường Yết Kiêu và Trung tâm dịch vụ du lịch, nhà hàng tại khu vực Tiên Sa.

Hình thành các trung tâm, cụm dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp, gồm: Trung tâm lưu trú Hồ Xanh - Bãi Bụt; các cụm nghỉ dưỡng: Bãi Trẹm, Bãi Rạng, Ghềnh Đa - Mũi Nghê, Bãi Bắc và Bãi Bắc mở rộng, Tiên Sa; khu biệt thự Tây Nam suối Đá và khu nhà nghỉ sinh thái. Quy mô đến năm 2030 có khoảng 1.600 buồng khách sạn.

Phát triển các khu chức năng phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao và ngắm cảnh, gồm: khu vườn hoa và thuốc Nam, khu vườn sim, khu cứu hộ động vật và vườn thú bán hoang dã, khu cắm trại và sinh hoạt cộng đồng, hệ thống các điểm vọng cảnh, điểm câu cá, tham quan thắng cảnh, di tích và lặn biển.

Tái định cư thủy điện Sơn La: Hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh

Tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với vùng Dự án di dân, tái định cư về hạ tầng xã hội, nhất là đào tạo lao động, giải quyết việc làm, tư vấn, hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh; giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La.

Thông báo kết luận nêu rõ, thủy điện Sơn La là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, góp phần bảo đảm nguồn cung cấp điện lâu dài và ổn định, giữ vững an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dự án di dân, tái định cư là hợp phần quan trọng trong Dự án thủy điện Sơn La thực hiện di dân khỏi vùng ngập lòng hồ đến nơi ở mới, đã hoàn thành trước thời hạn 3 năm.

Sau 15 năm thực hiện, Dự án di dân, tái định cư cho trên 20 nghìn hộ đồng bào các dân tộc vùng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi ở mới đã tốt hơn, với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc được bảo tồn và phát huy, khối đại đoàn kết được củng cố...

Bên cạnh những thành tích chủ yếu trên, quá trình thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La còn một số tồn tại, hạn chế, đời sống vật chất của người dân tái định cư tại một số điểm vẫn chưa ổn định, khó phát triển bền vững, dễ xảy ra tái nghèo; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng di dân, tái định cư còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đạt thấp; đầu tư lớn nhưng số xã đạt các tiêu chí xã nông thôn mới còn rất ít; công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân tái định cư sản xuất nông nghiệp chưa được triển khai sâu rộng; công tác đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp còn chậm...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương và Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với vùng Dự án di dân, tái định cư về hạ tầng xã hội, nhất là đào tạo lao động, giải quyết việc làm, tư vấn, hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh; giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Điều tra, tổng hợp các số liệu về đời sống của người dân tái định cư, như việc làm, thu nhập, nhu cầu về giáo dục, y tế; cần tiếp tục lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những phản ánh, kiến nghị của đồng bào để tổng hợp gửi cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng các thôn, bản, xã nông thôn mới; chú ý xây dựng và phát triển hợp tác xã kiểu mới để thực hiện công tác khuyến nông, khuyến công và du lịch cộng đồng, liên kết các ngành nghề, giúp đỡ nhân dân tổ chức lại sản xuất để xây dựng nông thôn mới.

Cần đổi mới phương thức hỗ trợ nhằm huy động các nguồn lực ổn định đời sống của nhân dân một cách bền vững. Khuyến khích sự tham gia rộng rãi của cộng đồng ngay từ chủ trương đầu tư, giám sát, thực hiện, đánh giá hiệu quả đối với các công trình, phục vụ cộng đồng, với truyền thống và phong tục, tập quán của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tái định cư đã ban hành, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới cho phù hợp với thực tế tại các vùng tái định cư thủy điện Sơn La.

Đối với UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nghiên cứu các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất theo hướng tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp điều kiện thực tế từng điểm tái định cư. Hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho số hộ chưa được cấp.

Hoàn thành 6 công trình đang thi công (tỉnh Điện Biên 4 công trình, tỉnh Lai Châu 2 công trình); thực hiện 35 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp và Dự án kè suối Nậm La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La từ số vốn tiết kiệm còn dư sau quyết toán hoàn thành dự án.

Điều chỉnh Đề án xây dựng cầu nông thôn các tỉnh miền núi

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh Đề án xây dựng cầu nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, hoàn chỉnh Đề án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật đầu tư công.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, thống nhất với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan thực hiện việc điều chỉnh địa điểm xây dựng cầu, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của từng địa phương. Căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện phê duyệt điều chỉnh Đề án theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Thí điểm thu phí đảm bảo hàng hải luồng Soài Rạp

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm thu phí đảm bảo hàng hải luồng Soài Rạp và sử dụng toàn bộ số tiền phí thu được để duy tu, nạo vét luồng theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trường hợp số thu phí hàng năm không đủ để duy tu, nạo vét luồng hàng hải Soài Rạp, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện, đảm bảo hoạt động của luồng ổn định.

Trường hợp số thu phí hàng năm sau khi bù đắp chi phí duy tu, nạo vét luồng còn dư, UBND Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sử dụng số kinh phí còn dư này.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và UBND Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý, vận hành tuyến luồng hàng hải Soài Rạp (không kể việc duy tu, nạo vét luồng) theo quy định của pháp luật.

Hoàn thiện danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Quyết định và Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2016.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo theo hướng, về Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, phải quy định cụ thể danh mục các mặt hàng và mã số HS tương ứng; bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân theo tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 và số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ; đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Rà soát lại các hàng hóa có thuế suất nhập khẩu từ 20% trở lên, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa thuộc diện kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm; chỉ đưa vào Danh mục một số mặt hàng thực sự có rủi ro cao trong quản lý về thuế, kiểm dịch động vật, thực vật, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, quốc phòng, an ninh… nếu cho phép làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính bổ sung vào Danh mục những mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và rủi ro cao trong quản lý nếu cho phép làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập.

Về các trường hợp được làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập, Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung quy định các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp nghiên cứu, tham gia thêm ý kiến đối với dự thảo Quyết định, gửi về Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành theo quy định.

Hỗ trợ hệ thống dây chuyền lạnh cho tiêm chủng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xác định nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ hệ thống dây chuyền lạnh trong tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2017 - 2020; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ảnh minh họa: QĐND 

Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 1985 đến nay. Trong những năm qua, việc giám sát hỗ trợ các điểm tiêm chủng được thực hiện thường xuyên bao gồm cả giám sát tại các điểm tiêm chủng chiến dịch và tiêm chủng thường xuyên.   

Trong đó, hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin tiêm chủng mở rộng cũng được tăng cường. Được sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và các Tổ chức quốc tế, các điểm tiêm chủng tại xã/phường đã được cấp đủ phích vắc xin, đảm bảo bảo quản lạnh vắc xin từ kho vắc xin đến điểm tiêm chủng. Các kho vắc xin tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, huyện cũng được cung ứng đủ các thiết bị lạnh đạt tiêu chuẩn quốc tế bao gồm tủ lạnh, tủ đông băng, hòm lạnh bảo quản và vận chuyển vắc xin trong tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch. Mục đích nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ tiêm chủng./.