Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế là do tâm lý e ngại, sợ sai trong mua sắm

(VOH) - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, một trong các nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, trang thiết bị y tế là do tâm lý e ngại, sợ sai trong mua sắm, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ chức.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa trả lời cử tri An Giang, Tây Ninh về một số vấn đề liên quan tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Trả lời Cử tri tỉnh An Giang và một số tỉnh về cung ứng thuốc, đặc biệt là thuốc diện bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ việc thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập thời gian qua có nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Theo bà Lan, nguyên nhân chủ quan là do hạn chế nguồn cung vì việc cấp phép, gia hạn giấy phép lưu hành chậm. Ngoài ra, một số nơi có tâm lý e ngại, sợ sai trong tổ chức thực hiện mua sắm, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ chức đấu thầu.  

Tiến độ thực hiện mua sắm thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp địa phương còn chậm. Nhiều gói thầu số lượng ít không thu hút nhà cung cấp.

Đọc thêm: Thủ tướng: Khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế... trong tháng 3

Bộ trưởng Đào Hồng Lan
Bộ trưởng Đào Hồng Lan (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, một số nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan tới giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp.

Một số nhà thầu không tiếp tục tham dự thầu, không tiếp tục sẵn sàng giao hàng hoặc giao hàng với một số lượng rất hạn chế, chỉ đủ sử dụng trong một thời gian ngắn, gây nên tình trạng thiếu hụt thuốc sử dụng cho người bệnh.  

Ngoài ra nhiều gói thầu phải thực hiện đấu thầu lần 2, lần 3 vẫn không có kết quả do giá hàng hóa trên thị trường đã biến động, tăng so với giá kế hoạch...

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, vừa qua, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đã rất nỗ lực, cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó đã trình Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi với các giải pháp như quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tự chủ hay các quy định về vay vốn, thuê, mượn thiết bị y tế... 

Trong tháng 2/2023, Bộ đã gia hạn giấy phép lưu hành của gần 10.000 thuốc, đảm bảo nguồn cung, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung ứng thuốc trên thị trường. 

Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ ban hành một số nghị định, văn bản và thông tư, văn bản, chỉ đạo, điều hành về cung ứng thuốc như Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị y tế; ban hành Nghị quyết 30 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế...

Trả lời câu hỏi của cử tri về vấn đề thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh và thân nhân, bà Đào Hồng Lan cho hay, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đều thành lập Ban Chỉ đạo và triển khai kế hoạch đổi mới phong cách và thái độ phục vụ của cán bộ y tế các cơ sở khám chữa bệnh của địa phương.

Đến nay, kế hoạch đã được đa số cán bộ y tế cam kết, nghiêm túc thực hiện, bước đầu đạt được kết quả tốt, được người bệnh, gia đình người bệnh, người dân đánh giá cao.

Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao y đức của cán bộ y tế. Trong đó, Bộ tập trung tăng cường hướng dẫn, tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp ứng xử cho toàn bộ cán bộ y tế, gồm cả cán bộ bảo vệ, hành chính, thu ngân...