Thời tiết Nam bộ và Tây Nguyên đang chuyển mùa: Đề phòng dông lốc

(VOH) - Mưa chuyển mùa sẽ mang lượng nước đáng kể cho khu vực bị khô hạn nhưng gió mạnh có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển trong những ngày từ 19 đến 23/5/2016.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, những cơn mưa dông 2 ngày qua là giai đoạn chuyển mùa tại khu vực Tây Nguyên và khu vực Nam bộ. Tuy nhiên, diện mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ phân bố không đều.

Ảnh minh họa. VOH online

Trong khi đó, hình thái xoáy thuận nhiệt đới hiện đang có vị trí ở phía Tây Nam vịnh Belgan, có xu hướng gia tăng về cường độ và dịch chuyển theo hướng Đông Bắc, nhiều khả năng sẽ gây mưa cho các tỉnh ở miền Nam từ ngày 19/5 đến 22/5. Từ ngày 23/5 đến 25/5 trở đi, gió mùa Tây Nam sẽ có xu hướng hoạt động mạnh và ổn định hơn, khởi đầu mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia về dự báo thời tiết và thủy văn cho biết:

Theo ghi nhận, tổng lượng mưa trong nửa đầu tháng 5/2016 ở Tây Nguyên dao động trong khoảng 30-80mm, còn ở Nam bộ trong khoảng 40-60mm, riêng các tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ khoảng 10-30mm.

Hiện nay, mực nước thượng lưu sông Mê Kông đang biến đổi chậm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1mét. Mực nước hạ lưu sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 0,3mét.

Dự báo từ nay đến cuối tuần, lưu lượng tại Tân Châu và Châu Đốc ít biến đổi. Lưu lượng trung bình ngày tại Tân Châu dao động trong khoảng 2.200 - 3.000 mét khối/giây, Châu Đốc khoảng 400 – 600 mét khối/giây. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu có khả năng đạt mức cao nhất vào cuối tuần. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu ở mức là 0.9mét, tại Châu Đốc 1,05mét nhưng còn ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2015 từ 0,15 - 0,25mét.

Tại vùng cửa sông Nam bộ từ nay đến ngày 20/5, mực nước triều cao nhất tại ba trạm Sài Gòn, Định An và Vũng Tàu mặc dù có xu thế giảm so với những ngày vừa qua nhưng độ mặn tại hạ lưu các sông Nam bộ nói chung sẽ đạt giá trị lớn nhất và ở mức lớn hơn so với cùng kỳ năm ngoái và trung bình nhiều năm; riêng khu vực bán đảo Cà Mau, sông Vàm Cỏ độ mặn vẫn duy trì ở mức cao.