Thông tin họp báo về công tác phòng, chống COVID-19 tại TPHCM ngày 15/9

Chiều 15/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Lê Văn Minh; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Lê Hồng Sơn; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Trí Dũng; Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng; đại diện lãnh đạo Công an TP; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh TP; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cùng lãnh đạo, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Thông tin họp báo về công tác phòng, chống COVID-19 tại TPHCM ngày 15/9 1
Toàn cảnh họp báo

1. Công tác chỉ đạo

Ngày 15/9/2021, Bộ Y tế có công điện số 1409/CĐ-BYT về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Cùng ngày, UBND TP có Công văn số 3072/UBND-VX về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố từ ngày 16/9 đến ngày 30/9/2021. (Xem nội dung chi tiết tại đây https://ttbc-hcm.gov.vn/tphcm-tiep-tuc-gian-cach-xa-hoi-den-het-ngay-3092021-17712.html ).

Thông tin họp báo về công tác phòng, chống COVID-19 tại TPHCM ngày 15/9 2
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình thông tin nội dung Công văn số 3072/UBND-VX về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố từ ngày 16/9 đến ngày 30/9/2021

2. Công tác Y tế: Khi thực hiện giãn cách, phải xác định được phạm vi, quy mô nhỏ nhất, hẹp nhất có thể

Tính đến 18 giờ ngày 14/9/2021, TPHCM có 310.322 trường hợp mắc bệnh đã được Bộ Y tế công bố, bao gồm 309.846 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 476 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị cho 40.864 bệnh nhân, trong đó: có 2.864 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.529 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 14/9, có 2.529 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 158.500), 189 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 12.608).

Về xét nghiệm, tính từ 18 giờ ngày 13/9/2021 đến 18 giờ 14/9/2021: đã lấy 357.444 mẫu, trong đó có 5.891 mẫu đơn và 7.211 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 287.439 mẫu.

Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 14/9/2021: 8.316.763 (tăng 159.990 mũi vắc xin so với ngày 13/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.624.505, mũi 2 là 1.692.522; có 949.899 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền đã được tiêm vắc xin.

Thông tin họp báo về công tác phòng, chống COVID-19 tại TPHCM ngày 15/9 3
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về Công điện số 1409 của Bộ Y tế

Thông tin tại họp báo, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương, đặc biệt với biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao và lây lan nhanh chóng (nồng độ vi rút trong dịch hầu họng gấp khoảng 1000 lần so với các chủng SARS-CoV-2 trước), ngày 15/9, Bộ Y tế ban hành Công điện khẩn số 1409/CĐ-BYT về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội (sau đây gọi là giãn cách) phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...).

Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày) và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: (1) Thực hiện nghiêm việc giãn cách; (2) Đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; (3) Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; (4) Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; (5) Tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR).

Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn và đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Bên cạnh đó, tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân. Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Trường hợp vượt quá khả năng, kịp thời trao đổi với các tỉnh, thành phố lân cận để được hỗ trợ hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường., thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở... trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất.

Về nhân lực, trang thiết bị, thuốc và hoạt động thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế; Chuẩn bị sẵn sàng về địa điểm, trang thiết bị, nhân lực đối với các xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ.

Bộ Y tế cũng lưu ý, thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

3. Cung ứng hàng hóa: Nhu cầu “đi chợ hộ” trong ngày tăng 1,86%

Tổng nhu cầu “đi chợ hộ” được đăng ký trong ngày là 59.383 hộ, tăng 1,86% (tương đương tăng 1.087 hộ) so với ngày hôm trước (sau 05 ngày liên tiếp giảm).

Trong đó, 13/22 địa bàn có nhu cầu tăng trong ngày, 9 địa bàn có nhu cầu giảm.

Kết quả thực hiện, có 61.504 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 103,6% số hộ đăng ký.

4. Công tác an sinh: Gần 1,8 triệu túi an sinh được chuyển về các địa phương

Trong ngày 15/9, Trung tâm an sinh Thành phố đã tiếp nhận các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, cá khô, khoai lang… của các đơn vị, tổ chức trao tặng trị giá 1.629.500.000 đồng. Đồng thời Ban Vận động tiếp nhận và phân phối quỹ COVID-19 đã đặt mua 195 thùng đồ bảo hộ trị giá 341.250.000 đồng.

Các mặt hàng như gạo, cá khô được nhập kho để thực hiện các phần quà an sinh. Khoai lang được phân phối đến các đơn vị: Quận 10, Quận 12; huyện Cần Giờ; huyện Bình Chánh. Riêng đồ bảo hộ do Ban Vận động tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống COVID-19 mua được kết hợp với các mặt hàng đã nhập kho.

Lũy kế từ ngày 15/8/2021 đến 15/09/2021, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là 1.785.660 túi (tăng 2000 túi so với ngày 14/9/2021).

5. Thẻ xanh COVID và Ứng dụng khai báo y tế điện tử

Trao đổi về thẻ xanh COVID, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho hay, UBND TP quyết định thí điểm tại các đơn vị: Quận 7; Huyện Cần Giờ; Huyện Củ Chi; Các KCX, KCN trên địa bàn TP và Khu Công nghệ cao. Tuy nhiên, thẻ xanh COVID này không phải áp dụng trên toàn bộ địa phương đó mà là triển khai có lộ trình và trong nhóm điều kiện cụ thể sau khi thống nhất với lãnh đạo các địa phương, đơn vị.

Thông tin họp báo về công tác phòng, chống COVID-19 tại TPHCM ngày 15/9 4
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng trao đổi về Thẻ xanh COVID và Ứng dụng khai báo y tế điện tử

Ví dụ, triển khai thí điểm thẻ xanh COVID cho khoảng 150 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu trên địa bàn quận 7; thí điểm quản lý các cơ sở cung cấp thực phẩm, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch tại huyện Củ Chi, Cần Giờ…

Về ứng dụng khai báo điện tử do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện, theo ông Lâm Đình Thắng, đây là ứng dụng đã triển khai trên địa bàn TPHCM từ tháng 01/2021. Cùng với đó, để đảm bảo cho nhu cầu của công tác phòng, chống dịch sau ngày 15/9, sau khi tổng kết và xin ý kiến của các Bộ chuyên ngành, TP thống nhất sẽ phát triển ứng dụng khai báo y tế điện tử của TP, qua đó giúp người dân giảm bớt các loại giấy phép, quản lý thông tin cá nhân một cách thuận tiện nhất.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP cũng lý giải, việc chọn một ứng dụng do TP xây dựng và phát triển là để phù hợp nhất với diễn biến của công tác phòng, chống dịch của TP. Về định hướng lâu dài, ứng dụng này là phục vụ cho công dân của TPHCM sau khi trở về trạng thái bình thường mới và đặc biệt là trong quá trình xây dựng TP trở thành Đô thị thông minh.

6. Bất kỳ sự chủ quan nào cũng sẽ gây tổn hại cho Nhân dân, cho Thành phố

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình ghi nhận và cảm ơn các phóng viên, nhà báo đã và đang đồng hành cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP, Ban tổ chức họp báo suốt thời gian qua để kịp thời cung cấp thông tin đến người dân.

“Đến lúc này, TPHCM đã có những kết quả bước đầu khả quan, chúng ta vẫn đang đi đúng hướng và trước mắt là những triển vọng mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, phức tạp, không cho phép chúng ta chủ quan, lơ là. Nếu có bất kỳ sự chủ quan nào, điều đó sẽ gây tổn hại rất lớn cho Nhân dân, cho TP” - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Thông tin họp báo về công tác phòng, chống COVID-19 tại TPHCM ngày 15/9 5
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình ghi nhận và cảm ơn sự đồng hành của các phòng viên, nhà báo

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, những ngày qua cho đến hôm nay và cả những ngày sắp tới, Đảng bộ, chính quyền TP phải tính toán các vấn đề để làm sao vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân, kiểm soát được dịch bệnh, vừa làm sao để Người dân có điều kiện sống tốt hơn, đáp ứng được những nhu cầu cần thiết.

Nếu thời gian trước, chúng ta chỉ tập trung vào để phòng chống dịch bệnh (siết chặt giãn cách xã hội, giảm số ca nhiễm nặng và ca tử vong), hiện nay vừa phải kiểm soát dịch bệnh, vừa nới lỏng ở một số khu vực… Đây là thời điểm khó khăn hơn rất nhiều trong công tác quản lý, kiểm soát.

Vì vậy, những chỉ đạo mới của UBND TP tại Công văn số 3072/UBND-VX ngày 15/9/2021 là sự trăn trở, cân nhắc rất kỹ của lãnh đạo Thành phố. Để triển khai thực hiện chủ trương, chính sách mới, có thể sẽ có một số lúng túng, thiếu sót, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên tiếp tục đồng hành để hỗ trợ, sát cánh cùng TP.

15 ngày tới sẽ tiếp tục là chuỗi ngày nhiều thách thức của TPHCM; việc nới lỏng hay siết chặt giãn cách được TP đánh giá từng giờ, từng ngày để kịp thời điều chỉnh phù hợp với từng khu vực. Vì vậy, báo chí cần chuyển tải thông tin này để người dân  hiểu và sẵn sàng tâm thế mới…

Bình luận