Chờ...

Thu hút nhân tài cần chính sách tinh tế!

(VOH) - Với nhu cầu phát triển của Thành phố, trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục mở rộng các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và nhân tài cho nhu cầu của các ngành.

Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của thành phố là chính sách mới, chưa có nhiều mô hình hay trên thế giới để tham khảo và áp dụng, nên cần sự uyển chuyển kịp thời trong việc triển khai thực hiện. 

VOH phỏng vấn ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng khoa học tư vấn thực hiện chính sách thu hút chuyên gia.

Thu hút nhân tài cần chính sách tinh tế! 1
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh – Ảnh: TTO

*VOH: Thưa ông, Thành phố có chủ trương thu hút nhân tài từ năm 2014, năm 2019, chính thức có chính sách với nhiều thay đổi, nhưng được đánh giá không thành công, theo ông vì sao?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Thứ nhất, chính sách hiện nay chưa phù hợp ở chỗ mức thù lao còn thấp so với giai đoạn thí điểm.

Thứ hai, mục tiêu của chính sách thu hút nhân tài nhưng theo cách như tuyển dụng công chức, chỉ khác là thu nhập cao hơn, nên không phù hợp để thu hút chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển. Cần tách biệt, giữa chính sách thu hút người vào làm công chức nhà nước.

Đơn cử như trước đây ở giai đoạn thí điểm - hiện vẫn đang thực hiện cơ chế này - các chuyên gia đang làm việc ở nước ngoài (việc chính họ vẫn làm) và thỉnh thoảng về Việt Nam để làm việc trực tiếp, phần lớn là hỗ trợ online hướng dẫn các vấn đề nghiên cứu, giải quyết các vấn đề trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Cách làm việc này phù hợp hơn trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển.

*VOH: Xây dựng một cơ chế chính sách thu hút nhân tài phù hợp trong giai đoạn mới để Thành phố thu hút hiệu quả hơn chuyên gia, nhà khoa học, theo ông cần phải làm như thế nào?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Nên có nghiên cứu, thiết kế lại môt cách tổng thể mô hình thu hút nhà khoa học, chuyên gia để giúp cho Thành phố phát triển. Việc thu hút ở đây, chúng ta cần hiểu theo nghĩa rộng, không phải là thu hút đối với một cá nhân, hay con người cụ thể vào làm việc cho cơ quan nhà nước, mà là thu hút cho cả xã hội, cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển. Vậy, chính sách phải khác.

Có thể đặt hàng các nhiệm vụ, chương trình, nhất là các chương trình dài hơi, và đối tượng thu hút – giống như người hợp tác để giải quyết các vấn đề của cơ quan, đơn vị mình. Đây là cách thu hút “mềm”, thu hút bằng chất xám mà họ mang đến cho mình.

Họ có thể đang ở nước ngoài - nhưng vẫn tham gia, giúp thành phố trong nghiên cứu, không nhất thiết phải nộp đơn xin vào làm việc, mà thông qua hợp đồng, thông qua các nhiệm vụ mà họ tham gia, và chúng ta trả thù lao xứng đáng.

Mô hình thu hút mới còn phải khác hơn, theo mô hình đổi mới sáng tạo mở. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đề ra 10 tiêu chí hướng dẫn để thực hiện việc thu hút nguồn lực chất xám của xã hội tham gia giải quyết các vấn đề của khu vực công.

Có nhiều giải pháp cần làm. Ví dụ như mô hình vận hành như thế nào trong lúc chúng ta thiết kế để đặt hàng một vấn đề cho xã hội tham gia giải quyết. Hay, cơ chế để kết nối những người trong khu vực công với khu vực tư, bên ngoài xã hội, các chuyên gia….

Phải làm rõ các vấn đề, nhiệm vụ để cùng nhau thiết kế giải pháp. Phải tạo nên hệ sinh thái mở, kết nối nguồn lực của khu vực công với khu vực bên ngoài để cùng nhau thiết kế giải pháp, chính sách giúp khu vực công phát triển.

*VOH: Thưa ông, từ câu chuyện làm sao để thu hút người tài cho đến việc cùng nhau hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong khu vực công, vai trò của nhà nước ra sao, để giữ chân người tài tiếp tục cống hiến?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Một trong những tiêu chí của Bộ hướng dẫn về đổi mới sáng tạo mở trong khu vực công, đầu tiên là sự cam kết của chính quyền.

Cam kết ở đây không chỉ ở lời nói, mà thể hiện ở quy định chặt chẽ và chịu trách nhiệm triển khai mọi cấp độ trong khu vực công. Có bộ phận, nhân sự để tham gia thực hiện một cách trách nhiệm. Hiện nay, thực tế chúng ta mới mang tính chất kêu gọi.

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ cũng tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công, chúng tôi cũng có đưa những nội dung này vào, từng bước nâng cao nhận thức của mọi cấp độ trong khu vực công, ví dụ từ cấp phường, quận đến cấp Sở, ngành. Phải có một bộ máy, một cơ chế hết sức chặt chẽ.

Trong đổi mới sáng tạo, để giải quyết vấn đề, trước hết phải hiểu và mô tả được vấn đề của mình, để người tham gia cùng giải quyết - đó là “cả hai bên cùng sáng tạo”.

“Đổi mới sáng tạo mở” là các bên phải cùng sáng tạo, phải có sự phối hợp giữa bên có vấn đề và bên giải quyết vấn đề để cùng cùng thiết kế và thử nghiệm. Cần sự cam kết của chính quyền hết sức chặt chẽ thể hiện qua các quy định, các mô hình để thực hiện vấn đề này.  

Hiện nay, một số quốc gia áp dụng mô hình trong khu vực công, đó là lựa chọn, thậm chí là thi tuyển để hình thành nên một nhóm nhân lực hết sức tâm huyết, sáng tạo để giải quyết một vấn đề nào đó.

Sau đó, chính nhóm này là chủ thể để phối hợp, mở rộng vấn đề này cho xã hội: trường, viện, doanh nghiệp, người dân…. để người ta nghe và hiểu thông suốt được vấn đề của mình, các hướng gợi ý giải quyết ra sao, từ đó người dân cùng với chính quyền tìm ra các hướng phù hợp để thiết lập ra giải pháp, chính sách.

Ví dụ, ở Melbourne (Úc), mỗi chiều thứ sáu, đại diện chính quyền sẽ có mặt để trình bày vấn đề của mình, để những người quan tâm có thể đến nghe, trao đổi, sau đó nghiên cứu và hiến kế, nếu phù hợp thì đôi bên sẽ bắt tay thực hiện, và việc này trở thành văn hoá.

Nếu chúng ta quan tâm và dành thời gian vào vấn đề này, tôi nghĩ cũng sẽ giải quyết được khá nhiều vấn đề cho khu vực công.

*VOH: Cám ơn ông.