Thu tài sản tham nhũng: Không thể hoàn toàn triệt để

(VOH) – Tại phiên họp 21 của UBTVQH, ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Chánh án TAND tối cao về thực hiện chính sách pháp luật, thi hành ánh và thu hồi tài sản tham nhũng.

Về thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng theo mong muốn của Quốc hội và của người dân. Thời gian tới, Chánh án TAND tối cao sẽ làm như thế nào để thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều?

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình về tăng cường thu tài sản tham nhũng, trên thế giới cũng như Việt Nam việc thu không hoàn toàn triệt để.

Theo tổng kết 10 năm, Việt Nam đã thu hồi được 40% số tài sản tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Để nâng cao việc thu hồi tài sản tham nhũng quá trình tố tụng các cơ quan chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Muốn thu hồi được thì công tác chứng minh phải rất chất lượng.

Thu tài sản tham nhũng: Không thể hoàn toàn triệt để 1
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc. Nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỉ lệ thu hồi – Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Chánh án TAND tối cao cho rằng, nếu có cơ chế thu tài sản như nhiều nước đã áp dụng là cơ chế phi hình sự (tăng giải trình), hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng sẽ tăng cao, nhưng cần chỉnh sửa pháp luật về lĩnh vực này.

Trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng còn một số tồn tại, hạn chế.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, cần tăng cường bám sát, thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm, thường xuyên báo cáo Chính phủ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này.

Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, Đoàn ĐBQH tăng cường quá trình giám sát để tập trung vào việc này; hạn chế tẩu tán, dấu các tài sản tại các vụ tham nhũng, vụ án kinh tế.

Liên quan đến vấn đề án lệ, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, một trong những nội dung cải cách tư pháp từ nhiệm kì 14 là Quốc hội cho phép Tòa án phát triển án lệ.

Lịch sử phát triển án lệ trên thế giới đã có 100 năm, cả thế giới đều cần án lệ. Trong khi đó Việt Nam mới có lịch sử phát triển án lệ vài năm gần đây. Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất không thể bao hàm hết diễn biến cuộc sống.

Án lệ được xem là nguồn bổ sung cho giải thích pháp luật và thực tiễn nếu pháp luật chưa đề cập đến, tạo chuẩn mực pháp lý cho các cơ quan áp dụng. Án lệ chỉ là 1 chi tiết của vụ án mà không phải toàn bộ vụ án.

Quy trình làm án lệ của Việt Nam chặt chẽ nên số lượng án lệ khá khiêm tốn. Trong thời gian tới TAND tối cao từng bước sửa quy trình này và khuyến khích thẩm phán giới thiệu bản án đẩy nhanh phát triển án lệ.

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.