Chờ...

Thủ tướng: Cần căn cứ thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành

VOH - Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.

Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 và cao hơn kịch bản đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,23% so với tháng 2; bình quân quý I tăng 3,77% (cùng kỳ năm 2023 là 4,18%; chỉ tiêu Quốc hội là khoảng 4-4,5%). Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ. Tính chung quý I đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5%; trong đó xuất khẩu tăng 17%...

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 - Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dù kết quả đạt được là cơ bản, nhưng nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức.

Cụ thể, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng. Trong đó tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng và chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới cần tiếp tục được theo dõi, điều hành linh hoạt, kịp thời, phù hợp.

Thủ tướng nhấn mạnh tới một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét, hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn.

Dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; tiếp cận vốn còn khó khăn. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng giao dịch phục hồi còn chậm.

Về đầu tư công, còn 32.000 tỷ đồng chưa phân bổ; có nguy cơ thiếu cát san lấp nền cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL và các tỉnh phía Nam. Công tác ban hành kế hoạch, triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt còn chậm…

Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan, ban ngành, địa phương tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021- 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa Trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa sức mạnh doanh nghiệp trong nước, ngoài nước với sức mạnh của nhân dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Tăng cường đoàn kết, thống nhất; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục kịp thời các hạn chế trong phản ứng chính sách; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.