Thời gian qua, công tác PCCC đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn thiệt hại. Theo thống kê, trong 5 năm gần đây cả nước xảy ra khoảng 15.000 vụ cháy; trong đó, trên 50% số vụ xảy ra tại khu dân cư, hộ gia đình; đặc biệt nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống an sinh của người dân.
Để phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại khu dân cư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho người dân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ theo đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Gắn phong trào toàn dân tham gia PCCC với phong trào xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa; nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ trong khu dân cư. Bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm để bảo đảm cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Ảnh minh họa
Tổng rà soát khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý. Khi xảy ra cháy, nổ tại khu dân cư phải tập trung các lực lượng tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả do cháy, nổ gây ra. Chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá, phân loại địa bàn trọng điểm, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần tăng cường quản lý nhà nước về PCCC.
Xây dựng quy định, biện pháp cụ thể xử lý đối với các nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng, thu mua phế liệu..., nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC.
Củng cố, xây dựng mới, duy trì hoạt động lực lượng dân phòng bảo đảm chế độ phụ cấp, phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định của pháp luật. Xác định đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ. Giao nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ... trong việc phối hợp với lực lượng dân phòng bảo đảm an toàn PCCC tại địa phương. Hàng năm, 100% khu dân cư phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có sử dụng lực lượng chữa cháy tại chỗ. Đối với những khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ cao phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng, phương tiện ít nhất mỗi năm 1 lần.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát quy hoạch khu dân cư, quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch giải tỏa để có biện pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc cơi nới chiếm dụng lối đi chung; câu, mắc đường dây dẫn điện, viễn thông không bảo đảm theo quy định. Tích cực vận động nhân dân tự nguyện di dời các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ có nguy hiểm cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư và đầu tư, mua sắm thiết bị, phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.
Trong quá trình cấp phép xây dựng, cải tạo đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở liên kế, nhà ở liên kế mặt phố... cần chú ý đến các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC theo quy định. Rà soát quy hoạch đối với các làng nghề truyền thống hướng tới mục tiêu mỗi làng nghề, mỗi gia đình, hộ kinh doanh sản xuất đạt chuẩn về PCCC, bảo vệ môi trường.
Tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ động điều tra cơ bản nắm tình hình, đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm của từng khu dân cư để hướng dẫn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ phù hợp, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân, quản lý các cơ sở kinh doanh phế liệu liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ.
Bộ Công an thường xuyên tổ chức, đổi mới phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC bằng các hình thức phù hợp với thực tế từng địa bàn, khu dân cư; tăng cường hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho người dân khi có cháy nổ, tai nạn, sự cố xảy ra, nhất là tại khu dân cư, chung cư lâu năm tồn tại nhiều nguy cơ cháy, nổ, sập, đổ công trình. Tổ chức tốt lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thiệt hại về người.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về PCCC cho nhà và công trình chưa phù hợp và có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC để lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường phù hợp với từng cấp học, bậc học. Định kỳ, tổ chức các hoạt động thực hành, diễn tập để hình thành kỹ năng ứng phó với các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố cho học sinh, sinh viên.
Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị điện lực tiến hành tổng kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện tại khu dân cư để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn PCCC từ hệ thống, thiết bị điện. Hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng điện an toàn.