Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và các nước, đông đảo nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả nước ngoài đã đến tham dự.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến những biến động sâu sắc với các thách thức và cơ hội đan xen.
Thế giới ngày nay đang đứng trước các xu thế: phân cực hóa về chính trị; già hóa về dân số; đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; xanh hóa về sản xuất kinh doanh và dịch vụ; số hóa mọi hoạt động của con người.
Theo Thủ tướng, bối cảnh đó đặt ra nhiều bài toán khó nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội hiếm có để ASEAN khẳng định vị thế và bứt phá vươn lên.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP vượt 10.000 tỉ USD, có thị trường tiêu dùng hơn 800 triệu dân, lớn hơn dân số Mỹ và EU cộng lại. Đồng thời đây sẽ là trung tâm công nghệ, kinh tế số và đổi mới sáng tạo, với nền kinh tế số dự kiến đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2030.
Để dự báo đó trở thành hiện thực ASEAN không chỉ cần sự đoàn kết nhất trí, đồng lòng mà còn cần có tư duy đột phá, chiến lược sắc bén, lộ trình khả thi, nguồn lực tập trung và hành động quyết liệt.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 ưu tiên chiến lược và 3 đột phá hành động, trong đó 3 ưu tiên chiến lược gồm:
Thứ nhất, ưu tiên củng cố ASEAN tự chủ về chiến lược thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.
Một ASEAN tự chủ chiến lược là một ASEAN đồng thuận, đoàn kết; đồng thời cân bằng, linh hoạt trong quan hệ đối ngoại; đóng vai trò tích cực trong định hình trật tự khu vực và đoàn kết hợp tác quốc tế trong bối cảnh hiện nay.
Thứ hai, xây dựng một ASEAN tự cường về kinh tế. Thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, nhất là về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
ASEAN cần đi đầu trong đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, kết nối sâu với chuỗi cung ứng toàn cầu để trở thành trung tâm sản xuất chiến lược của thế giới.
Thứ ba, giữ vững giá trị và bản sắc của ASEAN như: Tinh thần đồng thuận, hài hòa, thống nhất trong đa dạng và tôn trọng sự khác biệt. Điều này không chỉ được tiếp tục phát huy mà còn là giá trị cần được chia sẻ, lan tỏa rộng khắp để trở thành phương châm ứng xử chung của các nước trong quan hệ quốc tế.

Cùng với đó, 3 đột phá hành động gồm:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế, ra quyết định linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm hơn; đảm bảo vừa giữ nguyên tắc đồng thuận, vừa có cơ chế đặc thù cho các sáng kiến chiến lược.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển khu vực ASEAN, nhất là các dự án trọng điểm; khuyến khích sự tham gia ngày càng lớn hơn của khu vực tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội; loại bỏ hơn nữa các rào cản và hạn chế thương mại truyền thống; phát triển môi trường kinh tế số, thông minh, an toàn để phục vụ thương mại đầu tư ASEAN.
Thứ ba, tăng cường hơn nữa kết nối ASEAN, nhất là kết nối hạ tầng, giao lưu nhân dân và hài hòa hóa về thể chế; nỗ lực rút ngắn hơn nữa quá trình ra quyết định và đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính trong từng nước ASEAN để triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ba thập kỷ đồng hành cùng ASEAN đã khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Việt Nam. ASEAN đã trở thành không gian chiến lược và môi trường phát triển tự nhiên của Việt Nam, trong khi Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc củng cố đoàn kết, tăng cường vai trò trung tâm và thúc đẩy phát triển bền vững của ASEAN.
Mượn câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", Thủ tướng cho rằng điều này càng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay khi ASEAN và Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng.