Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý an toàn thực phẩm

(VOH) - Mô hình thí điểm đã thống nhất 3 ngành, phối hợp tốt hơn, tập trung nhiệm vụ xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn.

Sáng 11/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm. Trong giai đoạn 2017 – 2019, hệ thống thể chế, chính sách về quản lý an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước tiếp tục hoàn thiện hơn giai đoạn trước.

Các Nghị định về thanh tra xử phạt áp dụng đã phát huy hiệu quả cụ thể như Nghị định 115 /2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, áp dụng quy định thực hành sản xuất tốt GMP.

Tính đến hết tháng 6 năm 2019, các bộ ngành đã ban hành 266 quy chuẫn kỹ thuật quốc gia, 877 tiêu chuẩn Việt Nam, khắc phục căn bản tình trạng thiếu hụt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm so với giai đoạn 2011 – 2016.

Về thanh kiểm tra, giai đoạn 2017 – 2019 số cơ sở thanh kiểm tra tăng hơn 27%, số cơ sở bị xử lý tăng hơn 51% trên cả nước. Riêng số tiền xử phạt giai đoạn này hơn 179 tỷ đồng, gấp 2,9 lần giai đoạn trước.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố phát biểu tại hội nghị trực tuyến.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố phát biểu tại hội nghị trực tuyến.

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cho biết đây là mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập nên trọng trách rất quan trọng nhằm quản lý tốt vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn. Mô hình thí điểm đã thống nhất 3 ngành, phối hợp tốt hơn, tập trung nhiệm vụ xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn. Tính đến nay, Ban Quản lý Đề án chuỗi đã cấp 483 Giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cùng với các đội chuyên ngành tỏa xuống quận, huyện  giúp cho việc quản lý an toàn thực phẩm được hiệu quả hơn nhiều.

“Về chống thực phẩm bẩn, chúng tôi với mô hình mới đã đủ sức bố trí các đội về tận quận, huyện phối hợp với lực lượng tại địa phương, không chỉ thanh kiểm tra mà còn là cánh tay nối dài của ban làm rất nhiều việc như xử lý sự cố về an toàn thực phẩm, tập huấn, tuyên truyền, lấy mẫu kiểm nghiệm… Thời gian qua các vụ xử phạt làm rát nghiêm khắc, đặc biệt việc ra đời Nghị định 115 hiện nay số tiền xử phạt trung bình của thành phố là 13 triệu đồng 1 vụ”, bà Phong Lan chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: http://baochinhphu.vn

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của Ban chỉ đạo liên ngành các địa phương, thúc đẩy mạnh mẽ đồng bộ công tác quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian qua. Việc đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn thực phẩm đã thu hút cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ. Nhiều địa phương quy hoạch vùng chuyên canh, phát triển nông nghiệp hữu cơ, hình thành nhiều cơ sở giết mổ tập trung theo chuẩn hiện đại…

Thủ tướng Chính phủ lưu ý nhiều giải pháp để công tác này tốt hơn trong thời gian tới trong đó đẩy mạnh xã hội hóa công tác này bằng hình thức phù hợp, năm 2020 cần có bước chuyển biến thực chất hơn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, tiếp tục hoàn thiện thể chế quy định an toàn thực phẩm trong đó có cả việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong thực phẩm. Về mô hình của Ban, Thủ tướng cũng đã thống nhất, cho phép tiếp tục duy trì mô hình Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố 3 năm tiếp theo.

Bình luận