Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh đang ở vào thời khắc mang tích bước ngoặc mới của lịch sử do đại dịch mang tên Covid-19 gây ra. Hiếm có một biến cố y tế nào có tác động đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ như đại dịch Covid-19. Nó vượt xa tác động của đại dịch SARS 2002, đại dịch cúm H1N1 (2009) và có thể so sánh với các đại dịch trong lịch sử nhân loại như đại dịch hạch, cái chết đen, bệnh đậu mùa, đại dịch tả, cúm Tây Ban Nha, đại dịch sởi, v.v…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nguồn: SGGPO
Trên phương diện kinh tế, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế, từ phía cung đến phía cầu, từ thị trường tài chính đến nền kinh tế thực, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ, từ hàng không đến du lịch, từ nội thương đến ngoại thương, từ các ngành thâm dụng lao động cho đến thâm dụng công nghệ, từ dầu mỏ đến ô tô, từ các nước đang phát triển đến quốc gia phát triển, bất kể quy mô kinh tế nhỏ hay lớn đều không tránh khỏi tác động.
Theo Thủ tướng, trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược “mục tiêu kép”, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm với các cải cách thể chế và cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng vẫn phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Còn trên phương diện y tế, Thủ tướng cho biết mô hình chống dịch của Việt Nam được nhiều nước và tổ chức quốc tế như WHO đánh giá cao. Tuy nhiên dù tình hình đã được kiểm soát thì cũng không được chủ quan.
Để góp phần giảm nhẹ các tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế và đời sống người dân, thời gian qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.
Thời điểm tổ chức hội nghị này là khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh qua đi, xã hội dần trở lại bình thường, thì nền kinh tế sẽ như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đã chỉ đạo cả hệ thống phải tập trung hơn nữa việc khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%. Đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp hãy tận dụng hội nghị này để hiến kế, đề xuất với chính phủ. Doanh nghiệp phải chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia xây dựng luật pháp, thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh, và hiệu quả.
Mặt khác, đối với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu các phát biểu phải rõ ràng, chất lượng, trọng tâm, đặc biệt là phải nêu rõ được những hỗ trợ, chính sách nào, giải pháp nào khác và mới mẻ đối với doanh nghiệp. Và đặc biệt là phải quản lý cán bộ công chức, chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cùng với việc chấn chỉnh, quản lý cán bộ, thì phải đẩy manh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Các bộ ngành phải xắn tay áo vào làm, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ bài phát biểu, Thủ tướng có 6 lời đề nghị dành cho cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam đó là: Yêu Tổ quốc, Đoàn kết, Không nản chí, Năng động/quyết đoán, Sáng tạo, Có niềm tin.