Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kinh tế tháng 1 phục hồi tích cực

VOH - Sáng 1/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng. Tăng trưởng được thúc đẩy, các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra cho tháng 2 và thời gian tới là rất nặng nề. Cần phân tích kỹ lưỡng, đánh giá đúng tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ quán triệt nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn đầm ấm, vui tươi, nghĩa tình, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024 - Ảnh: VGP

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình tháng 1 có triển vọng tích cực khi kinh tế vĩ mổ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 1 tăng lần lượt 37,7%, 42% và 33,3% so với cùng kỳ và tăng 5,5%, 6,7%, 4,2% so với tháng trước. Kết quả này cho thấy xu hướng phục hồi tích cực qua từng tháng; ước xuất siêu 2,92 tỷ USD.

Tổng vốn FDI đăng ký tháng 1 tăng mạnh 40,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 2,36 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy nước ta đang tranh thủ được cơ hội từ những thành tựu ngoại giao. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%.

Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đạt hơn 1,5 triệu lượt...

Ngoài ra, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt; tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược...

Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp còn chậm phục hồi do các thị trường lớn gặp nhiều khó khăn. Có gần 53.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phản ánh khó khăn, thách thức còn lớn.

Tiếp cận vốn còn vướng mắc; dư nợ tín dụng đến ngày 18/1 giảm 1,52% so với cuối năm 2023. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chậm được sửa đổi, gây khó khăn, chồng chéo…

Bình luận