Thủ tướng: Phân cấp, phân quyền thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông tại ĐBSCL

CẦN THƠ - Sáng 16/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết cách đây 3 tháng, cũng tại Cần Thơ, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Thủ tướng có ít nhất 5 lần trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các công trình giao thông trọng điểm.

Điều này thể hiện sự quan tâm của Trung ương đối với phát triển hạ tầng giao thông nói riêng và phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Chỉ rõ vai trò của hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, dựa vào đổi mới sáng tạo phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng cho rằng phải phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin-cho, với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm,” Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước, xây dựng kế hoạch, chương trình, luật pháp, cơ chế chính sách, công cụ quản lý, giám sát, kiểm tra.

img1351-17290457289001158897272
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu đạo - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ cho biết hội nghị hôm nay nhằm kiểm điểm, rà soát tình hình triển khai các công trình, dự án, nêu rõ những công việc đã làm được và chưa làm được; bài học kinh nghiệm.

Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, cung ứng vật liệu san lấp, cấp phát vốn, giải ngân, tiến độ triển khai các dự án…, với tinh thần khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó; xác định trách nhiệm của ai; cơ quan, đơn vị nào phải tháo gỡ; với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm."

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẳng định rõ về việc: Còn khó khăn, vướng mắc hay không? Nếu còn thì phải chỉ rõ là gì và có cách giải quyết dứt điểm.

img1352-1729044798817620588100
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: TTXVN

Trong số đó yêu cầu: Bộ Giao thông vận tải báo cáo tình hình triển khai các dự án; Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo rõ về tình hình vật liệu xây dựng, đủ hay còn thiếu, nguyên nhân do đâu, cần giải pháp gì?;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình cân đối, bố trí vốn và về các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương thiếu vật liệu san lấp đến nay còn khó khăn không? Nếu còn thì ai chịu trách nhiệm?; Các địa phương có nguồn vật liệu san lấp đã cung ứng cho các dự án như thế nào?

Thủ tướng cũng yêu cầu các ban quản lý, nhà thầu, tư vấn báo cáo rõ còn có vướng mắc gì không? Cần giải pháp gì? Có đơn vị nào gây khó khăn về cung ứng vật liệu, về giải phóng mặt bằng, về thi công hay không?

Theo Bộ Giao thông vận tải, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải với tổng vốn đầu tư khoảng 106 ngàn tỷ.

Trong số đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000km là các dự án đường bộ cao tốc: Cần Thơ-Hậu Giang-Cà Mau; Cao Lãnh-Lộ Tẻ; Cao Lãnh-An Hữu; Lộ Tẻ-Rạch Sỏi. Hai dự án cầu, đường bộ khác là: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận và Dự án cầu Rạch Miễu 2.

Riêng dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án Cao Lãnh-An Hữu và dự án cầu Đại Ngãi hoàn thành năm 2027.

Bình luận