Thủ tướng: Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cần hướng tới mục tiêu phát triển sâu rộng, thực chất và hiệu quả

VOH - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có bài phát biểu chính sách đáng chú ý tại Đại học Georgetown, thủ đô Washington (Mỹ) vào sáng ngày 19/9 theo giờ địa phương (tối cùng ngày theo giờ Hà Nội).

Tiếp tục chương trình hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown, thủ đô Washington, D.C.

Trong hơn 1 tiếng có mặt tại Đại học Georgetown, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi về nhiều nội dung lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown - Ảnh: VGP

Thế giới khó định đoán

Về nội dung thứ nhất "thế giới hiện nay thế nào", Thủ tướng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo và xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo tiếp tục mở ra những cơ hội phát triển mới. Trí tuệ sáng tạo của con người là không giới hạn. Song, nhân loại cũng đang đứng trước thời điểm khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

"Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa phát triển và tụt hậu, giữa độc lập và phụ thuộc trở nên mong manh. Các thách thức già hoá dân số, an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, lương thực, nguồn nước, năng lượng và tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng diễn biến ngày càng gay gắt, đa chiều, gây ra hậu quả nặng nề" - Thủ tướng nói.

Với hơn 60% dân số thế giới và chiếm 60% GDP toàn cầu, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương được kỳ vọng là khu vực phát triển năng động hàng đầu, là tâm điểm hội tụ hợp tác và liên kết, với những khu vực thương mại tự do lớn hàng đầu thế giới như RCEP, CPTPP, nơi lợi ích được điều hòa, kết nối được khai thông, sức mạnh được nhân lên.

Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có cạnh tranh chiến lược, tiềm ẩn tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, các vấn đề thu hút quan tâm của dư luận quốc tế và nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, không loại trừ dẫn đến căng thẳng, mất kiểm soát.

Thủ tướng nhận định: "Thế giới đang biến động phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó định đoán, đặt ra bài toán chung cho sự an nguy và phát triển của nhân loại, cho vai trò của quản trị toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam lựa chọn con đường chủ động thích ứng, tranh thủ cơ hội, hoá giải thách thức, lấy hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển làm mục tiêu, lấy Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế làm nền tảng, lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ".

Định hướng 'lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định'

Về nội dung lớn thứ hai, Thủ tướng chia sẻ về một số định hướng lớn của Việt Nam. Trong đó, nổi bật là định hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Việt Nam cũng kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không": Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế…

Thủ tướng khẳng định, kết quả thực tiễn đạt được cho thấy, các chính sách đó là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đến nay đã thuộc top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút FDI

Việt Nam ngày nay là một thị trường đầy tiềm năng với 100 triệu dân, một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của bạn bè quốc tế. GDP năm 2022 đạt gần 410 tỷ USD; tổng kim ngạch thương mại đạt trên 723 tỷ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia đứng thứ 32 trên top 100 giá trị thương hiệu quốc gia cao nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2022.

Thúc đẩy quan hệ hai nước không làm tổn hại lợi ích của nước khác

Nội dung lớn thứ ba, đó là quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm; tăng gần 20 lần từ 6,8 tỷ USD năm 2005 lên gần 125 tỷ USD năm 2022. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ có hơn 1,2 nghìn dự án tại Việt Nam với tổng số vốn 11,4 tỷ USD.

Hai bên hợp tác ngày càng chặt chẽ trong xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khác biệt nhất định.

Theo Thủ tướng, những khác biệt này là thực tế khách quan trong một thế giới đa dạng mà trong đó các dân tộc có quyền tìm kiếm, lựa chọn con đường phát triển riêng. Nhưng lịch sử đã chứng minh, những khác biệt này không cản trở đà phát triển tự nhiên của quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, tương xứng với khuôn khổ mới, đáp ứng thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; thúc đẩy quan hệ hai nước không làm tổn hại lợi ích của nước khác.

Thủ tướng mong muốn hai bên đã quyết tâm rồi cần quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì cần nỗ lực hơn nữa, phấn đấu đạt kết quả năm sau cao hơn năm trước, 5 năm sau cao hơn 5 năm trước đó…

"Tôi xin được kết thúc bài phát biểu hôm nay với câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln: "Luôn nhớ rằng quyết tâm thành công của chính bạn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác". Tôi xin bổ sung thêm, thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi và ngược lại", Thủ tướng phát biểu.

Bình luận