Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội nước ta cũng có một số vấn đề nổi lên, trong đó có vấn đề bất động sản, Chính phủ đã và đang tìm cách xử lý.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả.
Các giải pháp phải phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết, không hi sinh công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Đối với thị trường bất động sản, Thủ tướng yêu cầu tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?
Khó khăn trong xác định giá đất
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2022, nguồn cung bất động sản, nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung - cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu.
Lượng giao dịch thành công trong các quý trong năm 2022 không ổn định, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền thành công tăng cao nhất vào quý II sau đó giảm và thấp nhất vào quý IV.
Giá bất động sản nhà ở, đất nền năm 2022 liên tục tăng trong quý I và quý II; quý III chững lại; quý IV có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã đưa ra một số giải pháp về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Về hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định, thủ tục về Đầu tư, Quy hoạch đô thị, Xây dựng, Thuế,...
Về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.
Về nguồn vốn tín dụng: Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài chính, tiền tệ. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Về nguồn vốn trái phiếu: Nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu.