Theo báo cáo, trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư công giải ngân đạt hơn 128.500 tỉ đồng, tăng khoảng 18.000 tỉ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân đạt 15,56%, thấp hơn mức 16,64% của năm 2024, và vẫn còn gần 8.000 tỉ đồng chưa được phân bổ chi tiết.
Đáng chú ý, có đến 37 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước. Trước tình trạng này, Thủ tướng đặt câu hỏi thẳng: "Tại sao cùng một chính sách, một thể chế, một điều kiện mà có nơi làm tốt, có nơi lại không làm được? Liệu nguyên nhân có phải do con người, do người đứng đầu không?"

Ông yêu cầu Bộ Tài chính thống kê cụ thể danh sách các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân để tiến hành đánh giá cán bộ, đồng thời nhấn mạnh cần khen thưởng nơi làm tốt và xử lý nghiêm nơi làm không tốt. Tinh thần là "không để tình trạng có tiền mà không tiêu được."
Thủ tướng cũng chỉ rõ: Trong bối cảnh tiêu dùng và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thì đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, cần được xác định là động lực tăng trưởng then chốt, giúp dẫn dắt đầu tư tư nhân và kích hoạt các nguồn lực phát triển. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức.
Để khắc phục những "điểm nghẽn", Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền và lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương cần quyết liệt rà soát thể chế, chính sách, sửa đổi các luật liên quan đến ngân sách, đấu thầu, bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tư nhân có thể giải ngân và thi công rất nhanh, trong khi khu vực công lại ì ạch, vướng mắc.
Ông yêu cầu thực hiện phân công công việc rõ ràng với 6 yếu tố "rõ": người, việc, trách nhiệm, tiến độ, kết quả, thẩm quyền. Đồng thời, các tổ công tác của Chính phủ phải “bắt đúng mạch, đúng bệnh” và đề xuất giải pháp kịp thời, thực tế.
Một điểm nhấn khác được Thủ tướng đề cập là tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn liền với phân bổ nguồn lực và trách nhiệm giải trình. Ông khẳng định: "Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm." Trong khi đó, các bộ, ngành trung ương nên tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước, tránh ôm đồm việc cụ thể.
Thủ tướng cũng kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải chủ động hơn trong đầu tư, thể hiện vai trò dẫn dắt trong bối cảnh hiện nay.
Hội nghị là bước đi cụ thể trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế năm 2025, đồng thời phản ánh quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công – một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng kinh tế bền vững.