Chờ...

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân miền Trung trong lũ lụt

VOH - Chiều 15/11, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký công điện của Thủ tướng về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.

Mưa lớn kéo dài từ 12/11 đến nay khiến khu vực Trung Bộ ngập lụt, sạt lở đất. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tại thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa đặc biệt lớn, tổng lượng mưa trong 24 giờ (từ ngày 14 đến 15/11) khoảng 800 - 900mm.

Đến 16h chiều 15/11, tại Thừa Thiên Huế, lũ trên các sông Bồ và sông Hương đang ở trên mức báo động 3 và vẫn đang lên. Toàn tỉnh ngập lụt diện rộng, thống kê sơ bộ có 8 huyện, thị, thành phố bị ngập từ 0,3m đến 1,5m.

Tại Quảng Trị có huyện Đắk Rông, Triệu Phong, Hải Lăng bị ngập từ 0,2-1m.

Mưa lũ đã làm thiệt mạng 2 người, mất tích 3 người ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân miền Trung trong lũ lụt 1
Mưa lớn làm nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố Huế ngập sâu, phương tiện giao thông di chuyển rất khó khăn - Ảnh: TTXVN

Dự báo từ nay đến đêm 17/11, ở Trung Bộ, nhất là Thừa Thiên Huế còn tiếp tục có mưa to đến rất to.

Trước nguy cơ mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở, Thủ tướng có chỉ đạo yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời ngay người và phương tiện ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn.

Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm đối với các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là những hộ dân buộc phải sơ tán do ngập lụt, sạt lở, các hộ dân ở khu vực bị ngập sâu chia cắt, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở.

Các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương để ra quyết định cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.

Các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du và không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo vận hành hiệu quả, bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hệ thống điện tại khu vực bị ngập lũ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, trang thiết bị, dụng cụ và đồ dùng học tập.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo phối hợp với địa phương bảo đảm an toàn giao thông, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

Chiều 15/11, Đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai do Phó Chánh Văn phòng Vũ Xuân Thành làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên  Huế để nắm bắt diễn biến tình hình mưa lũ lớn trên diện rộng đang diễn ra tại địa bàn tỉnh cũng như công tác ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành đánh giá cao công tác chủ động điều tiết nước các hồ chứa trước đợt mưa lớn này của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết đợt mưa lớn lần này diễn biến khá nhanh, mực nước trên sông Hương và sông Bồ nhanh chóng đạt trên dưới báo động III. Tỉnh chủ động vận hành các hồ thủy điện, thủy lợi nhịp nhàng, góp phần cắt được đỉnh lũ. Hiện nay, đỉnh lũ trên sông Hương đang có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên lũ trên sông Bồ đang lên và diễn biến phức tạp.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nguy cơ sạt lở ở các khu vực sườn đồi núi đang ở mức cảnh báo cao. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, di dời người dân ở vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.