Thủ tướng yêu cầu quán triệt tinh thần của Chính phủ về cách ly triệt để nguồn bệnh

(VOH) - Chiều 5/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, Đại diện Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo về tình hình chống dịch hiện nay cho biết, đến 12 giờ ngày 5/3, trên thế giới ghi nhận 95.383 trường hợp mắc, 3.285 tử vong do Covid-19 tại 84 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19

Tình hình dịch tại Trung Quốc đang có xu hướng chững lại và giảm dần, trong hơn 3 ngày, từ 12 giờ ngày 2-3 đến 12 giờ ngày 5-3, số mắc mới 383 trường hợp, 99 trường hợp tử vong.

Cùng thời gian, một số nước có số mắc và tử vong tăng cao gồm: Iran (1.944 trường hợp mắc, 38 tử vong), Hàn Quốc (1.554 trường hợp mắc, 13 tử vong), Ý (1.395 trường hợp mắc, 73 tử vong),...

Tại Việt Nam, từ ngày 13/2 đến nay không ghi nhận các trường hợp mắc mới. Đã tiến hành xét nghiệm 1.848 mẫu phát hiện 16 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 gây Covid-19 và đã được điều trị khỏi 16/16 ca. Đã loại trừ 1.752 trường hợp nghi ngờ; tiến hành theo dõi, cách ly 92 trường hợp nghi ngờ; theo dõi sức khỏe (cách ly) 16.191 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có 416 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.538 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 9.237 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú (bằng 57%).

Kể từ 0 giờ ngày 4/3, kết thúc việc khoanh vùng, cách ly tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Hiện nay, đối với vấn đề cách ly, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thông báo công dân các nước có dịch bổ sung thông tin khai báo về địa điểm cư trú hoặc lưu trú, cơ quan, doanh nghiệp nơi làm việc tại Việt Nam để có cơ sở tổ chức cách ly, để các địa phương nắm bắt thông tin và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cách ly.

Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh chuẩn bị và vận động các cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng tham gia tổ chức cách ly có trả phí; hướng dẫn tiêu độc, khử trùng đảm bảo an toàn vệ sinh trước và sau khi thực hiện cách ly.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được giao chỉ đạo Tổng cục Du lịch làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú, khách sạn tại các tỉnh có Cảng Hàng không Quốc tế và các tỉnh lân cận bố trí cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng phục vụ cho việc tổ chức cách ly người Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh từ các nước có dịch vào Việt Nam. Xây dựng kịch bản cho khách đến Việt Nam du lịch; lưu trú tại khu nghỉ dưỡng, khu du lịch 14 ngày sau đó mới cho phép đi du lịch những khu vực khác.

Về vấn đề hậu cần, xét nghiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo thẩm định ngay các bộ xét nghiệm do một số cơ sở y tế của Việt Nam nghiên cứu để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm, sản xuất với số lượng hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký ban hành Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 4-3 ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus Corona được cấp số đăng ký để sử dụng tạm thời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế thẩm định chất lượng khẩu trang kháng khuẩn do các doanh nghiệp của Bộ Công thương sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký ban hành Quyết định số 775/QĐ-BYT về việc hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải phòng dịch tại cộng đồng. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 giao Bộ Công thương thông báo doanh nghiệp dừng ngay sản xuất khẩu trang không chống thấm và tập trung triển khai may khẩu trang chống thấm khử khuẩn; chỉ đạo các doanh nghiệp ưu tiên bán khẩu trang y tế cho Bộ Y tế để phục vụ phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh cho nhân dân.

Ban Chỉ đạo quốc gia cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải khi dừng các chuyến bay và đề nghị của Bộ Ngoại giao về tạm dừng miễn thị thực phải thông báo trước 3 ngày, tuy nhiên phải bám sát tình hình dịch bệnh để có quyết định phù hợp.

Do tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay đã lan rộng ra cộng đồng (82 nước), nước ta mới đạt kết quả bước đầu, nguy cơ lây lan dịch vào Việt Nam là rất lớn, Ban Chỉ đạo đã họp và thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc tạm dừng miễn thị thực đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đề xuất dừng hiệu lực của giấy miễn thị thực cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ song song với dừng miễn thị thực đơn phương đối với quốc gia đó.

Về cách ly, dự báo trong thời gian tới, lượng công dân Việt Nam từ các nước (trong đó có Hàn Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam số lượng lớn, Ban chỉ đạo quốc gia đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh, thành có phương án huy động một số cơ sở khách sạn, cơ sở lưu trú để thực hiện việc tổ chức cách ly (khi mà đã hết cơ sở cách ly do quân đội bố trí).

UBND các tỉnh, thành chủ động bố trí một số cơ sở cách ly để sẵn sàng thu dung (ngoài các cơ sở cách ly do quân đội đã bố trí). Công dân thuộc tỉnh, thành phố nào thì được theo dõi, cách ly tại đó theo nguyên tắc: khi nhập cảnh vào Việt Nam được đưa vào khu cách ly tập trung ban đầu; tại đây được khám sàng lọc, những trường hợp không có biểu hiện sốt, ho, khó thở và không đến hoặc đi qua vùng dịch thì được chuyển về địa phương để theo dõi, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Về việc mua khẩu trang y tế và trang thiết bị phòng hộ, Ban chỉ đạo cho rằng, với diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay thì trong thời gian tới, vấn đề khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế là rất quan trọng. Nguồn cung trên toàn thế giới khó khăn, nhu cầu cao.

Vì vậy, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế mua thêm 20 triệu chiếc khẩu trang dự trữ (cộng với 10 triệu ban đầu là 30 triệu chiếc) và một số khẩu trang N95, bộ trang phục chống dịch, bộ chống dịch Tyvek.

Về việc mua dự phòng máy thở, trang thiết bị y tế, trong dự toán, Thủ tướng Chính phủ bổ sung 180 tỷ để mua trang thiết bị dự phòng (trường hợp dịch bệnh không bùng phát thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ tăng cường năng lực cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh).

Hiện Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch mua 95 máy thở các loại, 10 máy Xquang di động kỹ thuật, 300 máy theo dõi bệnh bệnh nhân, 500 bơm tiệm điện, 500 máy truyền dịch, 20 máy phun khử khuẩn. Bộ giao Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi đơn vị mua 50% để dự phòng tại 2 miền. Do số lượng mua lớn, nhiều nhà cung cấp lớn không chào thầu, tham dự thầu, vì vậy, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép trưng mua theo quy định của Luật trưng mua, trưng thu với số lượng 75% sản lượng của các nhà sản xuất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cuộc họp nhằm tiếp tục khẳng định tinh thần "chống dịch như chống giặc", không được lơ là, chủ quan. Thủ tướng yêu cầu quán triệt tinh thần của Chính phủ về vấn đề cách ly triệt để nguồn bệnh; tháo gỡ những khó khăn của công tác cách ly hiện nay...

Dịch Covid-19 ngày 5/3: Hơn 95.000 người mắc bệnh trên toàn thế giới -  (VOH) – Cho đến 6 giờ sáng nay 5/3/2020 dịch COVID-19 đã có hơn 95.000 người mắc phải, làm cho 3.250 người tử vong.

Thông cáo báo chí Kỳ họp 43 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương - (VOH) - Uỷ ban Kiểm tra trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân.