Trong không khí chân thành, hữu nghị và cởi mở, hai bên đi sâu thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện với Trung Quốc. Đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Tần Cương khẳng định Trung Quốc coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, cũng như trong quan hệ Trung Quốc-Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, hai Bộ nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình thúc đẩy giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp.
Hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương làm sâu sắc hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước; mở rộng hợp tác tại các diễn đàn đa phương; xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng nhau duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại phát triển cân bằng, bền vững; đề nghị Trung Quốc mở cửa và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, nhất là nông sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tăng cường đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc tại Việt Nam, phối hợp xử lý vướng mắc tại một số dự án, đẩy nhanh tiến độ sử dụng một số khoản viện trợ Trung Quốc dành cho Việt Nam.
Bộ trưởng Tần Cương nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam phát huy ưu thế bổ sung lẫn nhau giữa hai nền kinh tế; khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông sản.
Phối hợp tạo điều kiện cho hoạt động thông quan hàng hóa tại khu vực biên giới trên đất liền giữa hai nước; duy trì thông suốt chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp có uy tín của Trung Quốc sang đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực phù hợp nhu cầu phát triển của Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên cũng đi sâu trao đổi về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.