Đối với Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho rằng, phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tỷ lệ thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ, nguồn cán bộ nữ hẫng hụt, ở một số lĩnh vực, tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm.
Tại Hội nghị, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, người lãnh đạo và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và các mục tiêu, chương trình bình đẳng giới.
“Phải quan tâm phát hiện tạo nguồn, đào tạo. Cán bộ nữ phải cố gắng nỗ lực, vì phụ nữ không cố gắng phấn đấu, không tạo giá trị thực thì nếu có vào vị trí sức thuyết phục cũng không cao. Khi nói với phụ nữ tôi đều nói: đừng vào vì cơ cấu mà hãy vào bằng giá trị thực của mình - bà Mai chia sẻ.
Chế tài người đứng đầu nếu cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn chưa được vào quy hoạch
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhất trí với các ý kiến cho rằng cần quan tâm hơn đến công tác cán bộ nữ, cần tính đến tỷ lệ cán bộ nữ trong vấn đề quy hoạch cán bộ của TP.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Nếu ai có thông tin cán bộ nữ đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn mà chưa được đưa vào quy hoạch thì Ban Thường vụ Thành ủy sẽ xử lý luôn người đứng đầu, thậm chí là có chế tài. Người đứng đầu các cấp phải có trách nhiệm đối với công tác cán bộ nữ theo quy định. Phải có đào tạo nguồn, chuẩn bị sẵn một đội ngũ cán bộ nữ chứ không chỉ ép chỉ tiêu về con số”.
Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu việc tuyên truyền bình đẳng giới cũng phải có lằn ranh, có chừng mực, có giới hạn của nó. Và việc xây dựng chính sách dành cho cán bộ nữ cũng phải công bằng, hợp lý và bình đẳng.