Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín: Nghị định quản lý "hụi" rất cần thiết

 (VOH) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2019 thay thế Nghị định 144/2006 về quản lý họ, hụi, biêu, phường - mà chúng tôi xin gọi vắn tắt là “hụi”.

Nghe từ “hụi” nhiều người không hề xa lạ, bởi lâu nay “chơi hụi” được coi là một cách tương trợ giữa một nhóm người có nhu cầu giúp đỡ nhau giải quyết khó khăn về vốn trong cuộc sống. Tuy nhiên, ít ai để ý đến vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng đối với loại hình này. Thành ra, những biến tướng tiêu cực dẫn đến các vụ vỡ hụi, bể hụi để lại hậu quả khá nặng nề cho nạn nhân.

Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín. Ảnh: FBNV

Vậy sự cần thiết của việc cho ra đời Nghị định 19/2019 lần này và hiệu quả quản lý của nó ra sao đối với các chủ thể và hoạt động “hụi” thời gian tới? Trong kỳ một của loạt bài đề cập đến nội dung này, VOH có trao đổi với Chuyên gia kinh tế-luật, Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín.

Nghe bài viết tại đây.  

VOH: TS đánh giá một cách khái quát về Nghị định 19/2019 lần này như thế nào đối với quản lý họ, hụi, phường, biêu? 

TS-LS Bùi Quang Tín: Nghị định lần này có nhiều điểm mới, đặc biệt sẽ thắt chặt hơn nữa các hoạt động họ, hụi...tạo ra hành lang pháp lý, khắc phục được những điểm yếu mà mười mấy năm qua vẫn tồn tại tình trạng lãi suất ngày càng cao ở nhiều địa phương trên cả nước.

VOH: Điều này đồng nghĩa là trước thực trạng hụi tràn lan và biến tướng thì Nghị định 19/2019 được thay thế cho Nghị định cũ 144/2006 là thật sự cần thiết?

TS-LS Bùi Quang Tín: Chính xác! Nghị định 19/2019 đã cải tiến rất nhiều thứ. Có 3 điểm mới hỗ trợ trong hoạt động quản lý Nhà nước với họ, hụi...

Điểm đầu tiên là quy định lần này rất phù hợp với hành lang pháp lý mà chúng ta đã quy định trong Bộ Luật dân sự năm 2015. Trong các quan hệ dân sự về vay mượn với nhau thì lãi suất tối đa không vượt quá 20%/năm. Điều này sẽ hạn chế tình trạng lãi suất rất phức tạp hiện nay trong các dòng họ, hụi với nhau. Thậm chí nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng lãi suất vượt 100 đến 300%/năm, giống như cho vay nặng lãi, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Điểm mới thứ hai là Nghị định 19/2019 quy định rõ hơn hình thức quan hệ giữa các chủ thể trong dòng họ, hụi với nhau mà khi cần yêu cầu mang các văn bản ra công chứng hay chứng thực thì nhất định phải thực hiện nhằm làm rõ ràng hơn, làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước giải quyết khi có tranh chấp.

Điểm cuối cùng là những thành viên tham gia dòng họ, hụi - dây hụi cũng được hạ thấp độ tuổi xuống. Trước đây, người trên 18 tuổi mới được tham gia, bây giờ người trên 15 tuổi thỏa điều kiện vẫn sẽ được tham gia làm thành viên.

VOH: Nhưng có ý kiến cho rằng giữa quy định và thực thi còn chênh nhau. Vậy theo TS có chênh không và chênh như thế nào?

TS-LS Bùi Quang Tín: Rõ ràng Nghị định 19 lần này khắc phục được những quy định cũ của Nghị định 144/2006. Tuy nhiên thực tế họ, hụi...đang diễn biến rất phức tạp. Hầu hết những thành viên tham gia đều sử dụng tiền mặt để thanh toán lẫn nhau mà hạn chế thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng để tránh được sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.

Chính vì giao dịch thông qua tiền mặt nên lãi suất thỏa thuận rất cao, thậm chí như tôi đã nói hơn 200%, dễ gây ra bể hụi như ở các vùng nông thôn, nhất là những người “hốt” trước sẽ dễ tạo ra rủi ro cho người sau. Vì vậy Nghị định kỳ này ra đời rất kịp thời để quản lý. Tuy nhiên để phù hợp với thực tế và dễ quản lýthì lại liên quan đến cách thức triển khai pháp luật của các cơ quan quản lý. Các Bộ - Ngành có liên quan cần đưa ra  Thông tư hướng dẫn thì Nghị định này mới triển khai trên thực tế.

VOH: Khi luật hóa rõ ràng như vậy rồi thì hoạt động hụi buộc phải được áp dụng và điều chỉnh. Vậy nhằm phát huy tính pháp lý để Nghị định này đạt hiệu quả cao thì các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm gì?

TS-LS Bùi Quang Tín: Trong thời gian tới rất cần sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là chủ trương và đề án của Chính phủ từ năm 2015 đến năm 2020 hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt trong quá trính thanh toán và giao dịch. Bởi trong các dòng họ, hụi, người ta thường sử dụng tiền mặt, do đó rất khó khăn cho sự quản lý Nhà nước dù có những quy định và hành lang pháp lý như thế nào đi nữa! Ngoài ra khi có đơn tố cáo bể hụi thì phải có cơ quan điều tra, công an, cơ quan liên ngành cần xử lý khắt khe để tạo ra tính răn đe trong áp dụng pháp luật, hạn chế tối đa sự lợi dụng hụi.

Bản chất của hụi là sự hỗ trợ lẫn nhau nhưng sau này nó biến tướng như hình thức đa cấp trái phép vậy! Cho nên rất cần sự đồng lòng và quyết tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt chúng ta cần phải truyền thông, tạo sự lan tỏa hơn nữa, nhất là những người dân vùng nông thôn nắm được thông tin và quy định mới của Nhà nước mà vận dụng được trên thực tế.

VOH: Đó là góc độ pháp luật, còn ở góc độ kinh tế, có thể xem hoạt động hụi là một loại hình kinh doanh và nên thu thuế không?

TS-LS Bùi Quang Tín: Xuất phát bản chất của dòng họ, hụi này chính là sự hỗ trợ lẫn nhau giữa những người thân, bạn bè. Tuy nhiên phía sau sự hỗ trợ đó thì bất kỳ thành viên nào khi sử dụng dòng vốn của người khác cũng phải trả chi phí vốn. Thể hiện của chi phí vốn là những người hốt trước buộc phải trả lãi suất cho những người hốt sau của dòng họ, hụi đó. Nhưng với những biến tướng như vậy, hy vọng Nghị định mới lần này sẽ hạn chế tối đa vấn đề vượt trần lãi suất 20% như trong Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định.

Về vấn đề thu thuế thì bất kỳ thu nhập nào cũng phải chịu đóng thuế theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên đối với những hoạt động như thế này thì vô cùng khó cho cơ quan thuế vì giao dịch chỉ thông qua tiền mặt.

VOH: Vậy, hoạt động này có gọi là “ kinh doanh tài chính” không?

TS*LS Bùi Quang Tín: Hiện nay hoạt động hụi đi rất xa so với bản chất ban đầu cho nên chính xác nó là hoạt động kinh doanh dịch vụ về tài chính chứ không đơn thuần là sự hỗ trợ giống bản chất từ xưa nữa!

VOH: Vậy ở góc độ quản lý, TS tin rằng khi Nghị định này có hiệu lực sẽ ngăn chặn được vỡ hụi, bể hụi?

TS-LS Bùi Quang Tín: Chính xác! Tôi tin chắc sự điều chỉnh lần này là kịp thời, có tính răn đe, uốn nắn để chúng ta có cách thức xử lý nghiêm minh đối với những biến tướng của các dòng họ, hụi. Vì vậy tôi nghĩ Nghị định 19/2019 là sự cần thiết để điều chỉnh hoạt động hụi

Xin cám ơn ông

Ngừng sản xuất, lưu hành và sử dụng thuốc ‘Tiểu đường hoàn’ - Cục An toàn thực phẩm đã ban hành văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Difoco ngừng sản xuất, buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn.
Tập lái ô tô rồi húc vào đống rác đang cháy ở Bình Dương - Đang tập lái xe ô tô, tài xế không làm chủ được tay lái đã đâm vào một đống rác đang cháy bên đường, khiến chiếc xe bùng cháy dữ dội.
Bình luận