Con số này tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 2% so với quý IV/2024, cho thấy tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đang có xu hướng phục hồi mạnh mẽ.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và phát triển nhà ở chiếm hơn 422.000 tỷ đồng – đứng thứ hai sau nhóm “đầu tư kinh doanh bất động sản khác” với hơn 484.400 tỷ đồng. Cơ cấu này phản ánh sự dịch chuyển vốn tập trung vào các dự án nhà ở và đô thị, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.
Bên cạnh tín dụng, kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý I cũng ghi nhận những tín hiệu phục hồi nhưng vẫn còn dè dặt. Tổng giá trị phát hành mới đạt 25.130 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong 5 năm qua. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành khoảng 7.600 tỷ đồng, chiếm 30,3% tổng lượng phát hành.

Ngược lại, các doanh nghiệp bất động sản lại dẫn đầu về tỷ lệ mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 11.361 tỷ đồng – chiếm gần 59% toàn thị trường. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng huy động vốn dài hạn qua trái phiếu, đồng thời chủ động giảm áp lực nợ bằng cách mua lại trước hạn.
Trong quý I/2025, có 3 trường hợp chậm trả lãi mới, với tổng giá trị 4.854 tỷ đồng, chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp bất động sản và vật liệu xây dựng như xi măng. Đáng chú ý, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ đối mặt với tổng giá trị trái phiếu đến hạn gần 182.000 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản chiếm hơn 96.500 tỷ đồng – tương đương 53,1%. Đây sẽ là áp lực lớn về thanh khoản đối với các doanh nghiệp chưa có nền tảng tài chính vững chắc.
Về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút gần 10,98 tỷ USD vốn FDI, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,39 tỷ USD – chiếm 21,8% tổng vốn FDI, tăng 44,1%.
Một số dự án quy mô lớn đang thu hút dòng vốn ngoại đáng chú ý bao gồm: Tổ hợp sân golf và khách sạn tại Hưng Yên với tổng vốn 1,5 tỷ USD; Dự án Tháp Phương Trạch tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư khoảng 1,55 tỷ USD.
Theo Bộ Xây dựng, kết quả này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường bất động sản Việt Nam đang dần được khôi phục. Dòng vốn tín dụng trong nước, cùng nguồn FDI tích cực, được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản, đặc biệt trong các lĩnh vực đô thị, công nghiệp và du lịch.