Chờ...

Tin nóng chiều 1/1: Cho phép khám bệnh từ xa người bệnh Covid-19

(VOH) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ban hành nghị quyết số 12 cho phép khám chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám, chữa bệnh do dịch.

 

TIN TRONG NƯỚC

TPHCM: 5 ca mắc Omicron nhập cảnh không có triệu chứng và nồng độ virus thấp

Năm người này nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 20/12 đến 25/12/2021, được cách ly tập trung ngay khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm đều dương tính với SARS-CoV-2. Mẫu xét nghiệm sau đó được chuyển Viện Pasteur TPHCM giải trình tự gene, và được xác định nhiễm biến thể Omicron ngày 31/12/2021.

nhập cảnh, covid-19
Hành khách nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất

Hiện tình trạng sức khỏe của 5 bệnh nhân này đều ổn định, và đã có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính chỉ sau 5-7 ngày. Hơn 300 hành khách đi chung trên các chuyến bay đều được cách ly theo quy định và đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Như vậy, đến nay Việt Nam ghi nhận 20 ca mắc Covid-19 thuộc biến chủng Omicron, trong đó Hà Nội (1 ca), Quảng Nam (14 ca), TPHCM (5 ca). Tất cả đều nhập cảnh, chưa ghi nhận ca mắc biến chủng này trong cộng đồng.

TPHCM: Ban hành khẩn quy trình cách ly người nhập cảnh sau khi có ca nhiễm Omicron

UBND TPHCM vừa ban hành quy trình 5 bước để giám sát, quản lý cách ly y tế cho người nhập cảnh qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau khi ghi nhận một số trường hợp dương tính với biến chủng Omicron.

Bước 1: Đăng ký mã QR cá nhân. Người nhập cảnh cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-COVID để tạo "mã QR cá nhân". Trong trường hợp người nhập cảnh không sử dụng được ứng dụng PC-COVID thì truy cập cổng thông tin an toàn Covid-19 TP tại địa chỉ https://antoan-covid.tphcm.gov.vn.

Bước 2: Xét nghiệm tầm soát cho người nhập cảnh ngay sau khi nhập cảnh. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí khu vực xét nghiệm và phối hợp các hãng hàng không hướng dẫn người nhập cảnh đến điểm thực hiện xét nghiệm tại sân bay.

Bước 3: Khi di chuyển về nơi lưu trú trong suốt quá trình người nhập cảnh phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Xe đón người nhập cảnh chỉ bao gồm lái xe và người nhập cảnh; các trường hợp khác đi đón người nhập cảnh không được ngồi cùng xe.

Xe chở người nhập cảnh hạn chế dừng, đỗ dọc đường. Trường hợp khẩn cấp phải dừng đỗ dọc đường thì phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Bước 4: Theo dõi sức khỏe và khai báo y tế mỗi ngày. Nơi tiếp nhận người nhập cảnh cách ly chịu trách nhiệm tạo mã QR địa điểm trên cổng thông tin an toàn Covid-19 TP tại https://antoan-covid.tphcm.gov.vn.

Nơi tiếp nhận phải xác nhận người nhập cảnh đã đến địa điểm lưu trú bằng cách quét mã QR cá nhân của người nhập cảnh. Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng PC-COVID, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng... thì báo ngay trạm y tế để xử lý.

Bước 5: Lấy mẫu xét nghiệm PCR cho người nhập cảnh trong thời gian cách ly y tế tại nơi lưu trú. UBND các quận huyện và TP Thủ Đức chịu trách nhiệm cấp tài khoản quản trị trên cổng thông tin an toàn Covid-19tại https://antoan-covid.tphcm.gov.vn cho trung tâm y tế quận huyện để quản lý người nhập cảnh cách ly tại nơi lưu trú.

Cho phép khám bệnh từ xa người bệnh Covid-19

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ban hành Nghị quyết số 12 cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có cho phép khám chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám, chữa bệnh do dịch.

Hình thức này được thực hiện thông qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác có ứng dụng công nghệ thông tin.

khám chữa bệnh từ xa

Mô hình khám chữa bệnh từ xa của Trung tâm Y tế quận Gò Vấp đáng được giới thiệu nhân rộng (Ảnh: Sở Y tế TPHCM)

Người hành nghề và cơ sở thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán, chỉ định, thực hiện phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải được thực hiện bởi người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng thông tin.

Xem thêm: Phó Thủ tướng chỉ đạo hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người

Bộ GTVT: Đề xuất ưu tiên cho xe chở oxy vào TPHCM và miền Tây

Ngày hôm nay, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đơn vị vừa có công văn gửi các Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải TPHCM và các tỉnh miền Tây về việc tạo thuận lợi vận chuyển oxy cho các cơ sở y tế, ưu tiên khi lưu thông trên các tuyến đường bộ; qua trạm kiểm tra tải trọng phương tiện...

Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp và cung cấp danh sách phương tiện chở oxy cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông Vận tải TPHCM và các tỉnh miền Tây để chủ động trong công tác tổ chức giao thông, ưu tiên, tạo thuận lợi cho xe chở oxy.

Đồng thời, các tỉnh phía Nam ưu tiên cho xe chở oxy được đi vào các tuyến đường quan trọng, giờ cấm xe tải, giờ cao điểm, tạo thuận lợi tối đa khi lưu thông.

Mở thêm nhiều đường bay quốc tế ngày đầu năm

Hàng không mở bán thêm nhiều đường bay quốc tế thường lệ tới 5 nước và vùng lãnh thổ, gồm Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào và Đài Loan (Trung Quốc), trên cơ sở đàm phán tích cực với các nước và phê duyệt của nhà chức trách.

Vietnam Airlines sẽ khai thác thường lệ trở lại các đường bay:

-         Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 6/1 với tần suất 2 chuyến/tuần;

-         TPHCM - Bangkok (Thái Lan) từ ngày 8/1 với tần suất 2 chuyến/tuần;

-         Hà Nội - Lào từ ngày 9/1 với tần suất 2 chuyến/tuần;

-         Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ ngày 11/1 với tần suất 1 chuyến/tuần.

-         Hà Nội, TPHCM - Singapore từ ngày 12/1 với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay;

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, bắt đầu từ ngày 1/1/2022 sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh đối với tất cả hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu hành khách âm tính sẽ được hướng dẫn theo quy định nhập cảnh trong công văn số 10688 của Bộ Y tế. Hành khách dương tính sẽ cách ly theo quy định hiện hành.

Đồng Tháp: Khánh thành tuyến đường 477 tỉ đồng trong ngày đầu năm mới 2022

Sáng 1/1/2022, Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường Sở Tư pháp kết nối đường Tân Việt Hoà (thuộc TP.Cao Lãnh) với tổng mức đầu tư 477 tỉ đồng.

Đường Sở Tư pháp kết nối đường Tân Việt Hòa có tổng chiều dài tuyến 2,2 km, nối từ quốc lộ 30 (P.Mỹ Phú) đến đường Tân Việt Hòa (xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh), mặt đường rộng 26 m. Ngoài vai trò kết nối giao thông giữa TP.Cao Lãnh với các huyện phía nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp, tuyến đường còn mở rộng không gian đô thị cho TP.Cao Lãnh.

TIN THẾ GIỚI

Các nước thúc đẩy tiêm mũi vắc xin Covid-19 bổ sung

Nhiều nước đang chạy đua tiêm mũi vắc xin Covid-19 bổ sung trong thời gian sớm nhất, trước khi biến thể Omicron đảo ngược tiến triển về khống chế tỷ lệ lây nhiễm.

Tại Philippines, cơ quan y tế bắt đầu tiêm bổ sung cho người 18 tuổi trở lên từ ngày 3/12/2021 và giảm thời gian tối thiểu giữa mũi 2 và mũi 3 xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng như trước.

Thái Lan cũng tiêm bổ sung cho người 18 tuổi trở lên, kể cả người nước ngoài, với các vắc xin của Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Những người đã tiêm mũi 2 vắc xin của AstraZeneca sẽ được tiêm mũi 3 sau 3 tháng, còn những người đã tiêm vắc xin của Trung Quốc sẽ được tiêm mũi 3 sau 4 tuần.

Nổi bật tại Đông Nam Á, Singapore đã tiêm mũi 2 cho 83% dân số, tỷ lệ cao nhất trong khu vực, và đã tiêm mũi 3 cho 39% dân số. Nước này đang cân nhắc giảm thời hiệu của thẻ xanh Covid-19 do mức kháng thể giảm dần theo thời gian.

Malaysia đã tiêm mũi 3 cho 18% dân số và từ tháng 2 sẽ chỉ xem những người đã tiêm mũi 3 là “tiêm đủ” đối với nhóm trên 60 tuổi và những người đã tiêm vắc xin của Sinovac Biotech.

Omicron ít tấn công phổi hơn các biến thể khác

Báo The New York Times hôm 31.12 dẫn các cuộc nghiên cứu được thực hiện trên chuột và hamster cho thấy Omicron không gây tổn thương phổi như mức độ ở các biến thể khác của bệnh Covid-19.

Omicron đa số bám ở mũi, họng và khí quản, vì thế ít gây các vấn đề như khó thở. Những biến thể trước đó chủ yếu tấn công phổi, khiến người bệnh phải thở vô cùng chật vật.

Để rút ra kết luận trên, các nhà khoa học tiến hành lây nhiễm tế bào trên đĩa thí nghiệm, đồng thời phun trực tiếp virus chứa biến thể Omicron vào mũi của các động vật tại hàng chục phòng nghiên cứu.

Kết quả thu được cho hấy Omicron không mạnh bằng biến thể Delta, dù nó tránh thoát được sự tấn công của hệ miễn dịch được vắc xin củng cố và tạo nên làn sóng lây nhiễm mạnh khắp thế giới.

Tuy nhiên, giới khoa học cũng cho rằng những triệu chứng mắc Omicron nhẹ hơn, nhiều khả năng do vắc xin hoặc kháng thể còn hiệu quả ở những người khỏi bệnh.

Xem thêm: Cảnh báo của WHO về biến thể Omicron: Tốc độ lây lan nhanh gây quá tải hệ thống y tế!

Iran buộc Mỹ chịu trách nhiệm về vụ ám sát tướng đặc nhiệm

Hôm 1/1, Bộ Ngoại giao Iran cho biết Tehran có kế hoạch trừng phạt những kẻ đồng lõa trong vụ ám sát vị tướng. Ông Soleimani đã chết trong vụ không kích tại sân bay Baghdad, Iraq, hôm 3/1/2020.

Chính quyền Tehran đã viện dẫn những tiêu chuẩn pháp luật quốc tế, theo đó ủng hộ cách diễn giải cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi ám sát ông Soleimani. Thời điểm trúng đòn không kích, vị tướng đang rời sân bay quốc tế Baghdad bằng ô tô. Tướng Soleimani đến Iraq để chuyển công hàm cho Ả Rập Xê Út, thông qua trung gian hòa giải của chính quyền Baghdad.

Bộ Ngoại giao Iran cho biết đã thực hiện một loạt các biện pháp để trừng phạt “những kẻ phạm tội”, truy cứu trách nhiệm các đương sự tại tòa án quốc tế.

Pháp: Ông Macron chạy đà cho chiến dịch tái đắc cử

Pháp đảm nhận ghế chủ tịch luân phiên của EU từ ngày 1/1/2022 trong bối cảnh chỉ còn 4 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống tại nước này. Đương kim Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không bỏ qua cơ hội ghi điểm với cử tri bằng sân khấu EU.

Trong thông điệp năm mới đêm giao thừa, ông Macron kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) biến năm 2022 thành "bước ngoặt" và nêu ra loạt cam kết của nước Pháp trong vai trò chủ tịch của khối. Ông Macron nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Covid-19"đã chứng minh rằng châu Âu của chúng ta không chỉ hữu ích mà còn là một nguồn hy vọng".

Ông ca ngợi EU vì đã đảm bảo vắc xin Covid-19 cho châu lục và cung cấp ngân quỹ cho các kế hoạch kích thích kinh tế quốc gia sắp được triển khai trong năm 2022.

Pháp sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của EU vào ngày 1/1, điều mà các nhà quan sát tin rằng sẽ là cơ hội ông Macron chắc chắn không bỏ qua trong nỗ lực ghi điểm trước bầu cử. Cho đến thời điểm hiện tại, đương kim tổng thống Pháp chưa gặp đối thủ nào đáng thách thức.

Đức sẽ thúc đẩy kinh tế xanh trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7

Ngày 1/1, Đức bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm 2022.

Trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định sẽ phát huy vai trò chủ tịch để đưa G7 trở thành những “người tiên phong” trong các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường và cho một thế giới công bằng.

Mục tiêu của G7 sẽ không chỉ thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu hướng tới một nền kinh tế thân thiện với môi trường, mà còn để tránh xung đột thương mại liên quan đến các chế độ thuế quan xanh khác nhau, như thuế biên giới carbon của Liên minh châu Âu (EU).