Chờ...

Tin nóng chiều 13/12: Sử dụng thuốc kháng virus Favipiravir điều trị bệnh nhân Covid-19

(VOH) - Cụ thể, đối với thuốc kháng virus Favipiravir 200 mg được chỉ định dùng cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình (theo quy định trước đây, thuốc này chỉ dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ).

TIN TRONG NƯỚC

Sử dụng thuốc kháng virus Favipiravir điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ và trung bình

Bộ Y tế vừa có quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19. Trong đó, Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, lưu ý với 3 loại thuốc kháng virus trong điều trị Covid-19.

Cụ thể, đối với thuốc kháng virus Favipiravir 200 mg được chỉ định dùng cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình (theo quy định trước đây, thuốc này chỉ dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ).

Thời gian điều trị thuốc Favipiravir 200 mg giảm xuống còn 5-7 ngày, thay vì 7-14 ngày như quy định trước đó.

Đối với thuốc Remdesivir, thời gian điều trị cho người bệnh Covid-19 là từ 5-7 ngày.

Ngoài ra, đối với thuốc kháng virus Molnupiravir, việc chỉ định, chống chỉ định và liều dùng áp dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Hiện đã có 42 tỉnh, thành phố đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị thí điểm có kiểm soát chương trình quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng.

Tin nóng chiều 13/12: TPHCM: Các trường tổ chức học trực tiếp sẽ được cấp 50-100 que test COVID-19 1

Thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh NLĐ

TPHCM: Các trường tổ chức học trực tiếp sẽ được cấp 50-100 que test COVID-19

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng yêu cầu HCDC, từ ngày mai 14/12 cấp cho mỗi trường THCS, THPT có tổ chức dạy và học trực tiếp trong hai tuần thí điểm (từ 13/12- 25/12) khoảng 50-100 que test COVID-19 để các trường chủ động tầm soát cho học sinh, giáo viên khi có yếu tố nghi ngờ liên quan đến dịch.

Yêu cầu này được lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nêu ra trong buổi kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn trong buổi học đầu tiên (sáng 13/12) đón học sinh khối 9 và 12 đi học trở lại. 

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng đánh giá các trường đã chuẩn bị khá tốt kế hoạch an toàn đón học sinh với đầy đủ các bước như khai báo y tế, đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn, di chuyển 1 chiều.

Qua khảo sát, toàn thành phố có 176/205 trường THPT có chuẩn bị đón học sinh học trực tiếp (gần 88%). 224 trường THCS học trực tiếp/286 trường THCS toàn TP (tỷ lệ 74%). Những trường còn lại vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến theo kế hoạch của trường. 

Sau 2 tuần thí điểm, TP sẽ đánh giá, xem xét và quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần xuống các lớp thấp hơn hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022. 

Tin nóng chiều 13/12: TPHCM: Các trường tổ chức học trực tiếp sẽ được cấp 50-100 que test COVID-19 2
 

Ninh Thuận: Tiêm mũi 3 và tiêm bổ sung vaccine cho các trường hợp ưu tiên

Nhằm tăng cường miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và mũi 3 cho những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi; ưu tiên tiêm theo thứ tự thời gian từ xa nhất đến gần nhất.

Các trường hợp được tiêm là người từ 50 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng và các trường hợp đã tiêm đủ 2 liều cơ bản. Tỉnh tiêm mũi 3 cho các trường hợp từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi; trong đó, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người tham gia công tác phòng, chống dịch, nhân viên y tế và người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Quận Đống Đa, Hà Nội: dừng bán hàng ăn uống tại chỗ từ 12 giờ trưa nay

Do nguy cơ dịch COVID-19 trên địa bàn đang ở mức cao - màu cam, UBND quận Đống Đa (Hà Nội) đã yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán hàng mang và đóng cửa trước 21h hàng ngày. Quy định này áp dụng từ 12h trưa nay, ngày 13/12.

Hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Những người được tham gia các hoạt động phải là người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

Đồng thời, các hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ cóc, chợ tạm sẽ bị cấm…

Các trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới…

Thu hồi toàn bộ Thực phẩm bảo vệ sức khỏe CALCIUM 500 + VIT. D3

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được thông báo từ Văn phòng SPS Việt Nam cảnh báo về việc tồn tại dư lượng 2-chloroethanol trong bột calci carbonat được sử dụng là thành phần trong sản phẩm đã được tiêu thụ tại một số thị trường trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Lô sản phẩm đã được Công ty Cổ phần Công nghệ Y học Hồng Đức nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam. Mới đây, Công ty đã có công văn báo cáo Cục An toàn thực phẩm về việc tự thu hồi sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe này.

Trong quá trình công ty thực hiện tự thu hồi lô sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị, đối với các cơ sở kinh doanh lô sản phẩm nêu trên cần dừng ngay việc kinh doanh, lưu thông lô sản phẩm này. Đối với người tiêu dùng, lưu ý không mua sản phẩm có số lô bị cảnh báo trên. Nếu đã mua sản phẩm thuộc lô này, dừng ngay việc sử dụng và trả lại nơi bán.

Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này.

Tin nóng chiều 13/12: TPHCM: Các trường tổ chức học trực tiếp sẽ được cấp 50-100 que test COVID-19 3
 

TIN THẾ GIỚI:

Giáng sinh, năm mới và nỗi lo biến thể Omicron

Chỉ còn 2 tuần lễ là đến Giáng sinh và năm mới. Tại các nước phương Tây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi về việc hạn chế di chuyển, hủy các buổi tiệc mừng, hạn chế đi lại để làm chậm tốc độ lây lan của biến thể Omicron.

Tại Đan Mạch, Nữ hoàng Margrethe đã quyết định hủy nhiều buổi chiêu đãi mừng năm mới theo truyền thống do lo ngại sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19.

Thị trưởng thành phố Rio de Janeiro của Brazil cũng quyết định hủy sự kiện đón năm mới tại đây sau khi Brazil xác nhận có ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ cách làm này. Giáng sinh là một kỳ nghỉ lễ quan trọng và người dân đã quá mệt mỏi với các biện pháp hạn chế nên không muốn hy sinh, lo sợ mãi.

Bà Nicola Sturgeon - thủ hiến của Scotland - đang bị người dân phản ứng dữ dội vì đưa ra lời kêu gọi các cơ quan, công sở, người dân hãy hủy tiệc Giáng sinh.

Mặc dù nêu lý do là Scotland đang đối mặt với một đợt sóng thần ca nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron, người dân yêu cầu bà: "Hãy để yên cho lễ Giáng sinh của chúng tôi" và đòi bà từ chức.

Tại Anh, kể từ khi có tin tức về sự xuất hiện của biến thể Omicron, các chuỗi khách sạn lớn ghi nhận có đến 70% khách sạn trong hệ thống bị giảm tỉ lệ đặt phòng.

Tin nóng chiều 13/12: TPHCM: Các trường tổ chức học trực tiếp sẽ được cấp 50-100 que test COVID-19 4

Một đôi bạn đón giao thừa tại bãi biển Copacabana ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 31-12-2020 - Ảnh: REUTERS

Thế giới xuất hiện ngày càng nhiều ca nhiễm biến thể Omicron

Tại châu Á, Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở một du khách đến từ Eswatini. Người này không có biểu hiện triệu chứng mắc COVID-19 và đã được cách ly.

Singapore ghi nhận thêm 3 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có một ca nhiễm trong cộng đồng. Ca nhiễm mới trong cộng đồng là nhân viên hỗ trợ hành khách làm việc tại nhà ga số 3 ở sân bay Changi. Hai ca nhiễm còn lại là các ca nhập cảnh từ Anh theo làn dành cho người đã tiêm vaccine (VTL). Ngày 10/12, Singapore ghi nhận tổng cộng 454 ca mắc mới COVID-19 và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 272.433 ca và 783 ca tử vong.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã ghi nhận ca thứ hai nhiễm biến thể Omicron ở một du khách đến từ Zimbabwe, nâng tổng số ca nhiễm biến thể Omicron ở Ấn Độ lên 33 người.

Trong khi đó, Trung Quốc yêu cầu một số thành phố biên giới nước này tăng cường cảnh giác trước đại dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp, trong đó có xét nghiệm bắt buộc cho các du khách nhằm ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài. Theo đó, những người định rời thành phố biên giới có cửa khẩu để tới những nơi khác ở Trung Quốc, phải trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi rời thành phố.

Tin nóng chiều 13/12: TPHCM: Các trường tổ chức học trực tiếp sẽ được cấp 50-100 que test COVID-19 5

Tiêm vaccine COVID-19 cho thiếu niên tại thành phố Johannesburg, Nam Phi ngày 4/12 - Ảnh: Reuters

Nước Anh trở thành “phép thử” cho cuộc chiến với biến thể Omicron

Đây không phải lần đầu Vương quốc Anh được coi là "ví dụ điển hình" để quan sát các biến thể mới, khi nước này cũng từng chịu làn sóng từ biến thể Alpha hồi đầu năm nay. So với Nam Phi, Anh có dân số già hơn và tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao. Sau quyết định mở cửa gần như hoàn toàn hồi giữa năm nay, nước này cũng đang trải qua một đợt dịch kéo dài, nhưng được xem là "trong tầm kiểm soát" do chủng Delta gây ra. Nước này cũng có hệ thống giám sát kỹ lưỡng dịch COVID-19 và các biến thể mới, với nguồn số liệu dồi dào.

Giáo sư Philip Landrigan từ đại học Boston (Mỹ) đánh giá: "Sẽ không có cách nào để hiểu được những gì đang diễn ra tại Mỹ nếu không có thông tin về tình hình tại Anh, Nam Phi và những nước khác mà biến thể Omicron đã xuất hiện". Tính tới ngày 10/12, Anh đã ghi nhận tổng cộng 1.265 ca nhiễm Omicron, tăng 448 ca so với ngày trước đó. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cảnh báo số ca nhiễm thực tế có thể đã vượt quá 10.000 người.

COVID-19 đẩy hơn nửa tỷ người vào cảnh nghèo đói cùng cực

Đây là thông tin do Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới cho biết.

Đại dịch đã làm gián đoạn các dịch vụ y tế trên toàn cầu và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930, khiến người dân càng gặp khó khăn trong việc chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe, theo một tuyên bố chung của cả hai tổ chức.

Chăm sóc sức khỏe là một vấn đề chính trị lớn ở Mỹ, một trong số ít các quốc gia công nghiệp phát triển không có chế độ bảo hiểm phổ cập cho công dân của mình.

Trên toàn cầu, đại dịch đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và tỷ lệ tiêm chủng giảm lần đầu tiên sau 10 năm, với số ca tử vong do bệnh lao và sốt rét ngày càng tăng.

Ông Juan Pablo Uribe, Giám đốc toàn cầu về sức khỏe, dinh dưỡng và dân số tại Ngân hàng Thế giới, cho biết: "Trong khuôn khổ nguồn ngân sách bị hạn chế, các chính phủ sẽ phải đưa ra những quyết định quyết liệt để bảo vệ và tăng ngân sách cho y tế".

Singapore: Sư tử xổng chuồng ở sân bay Changi

Hai con sư tử xổng chuồng ở sân bay Changi, Singapore, khi đang trên đường được vận chuyển ra nước ngoài, khiến các nhân viên của Hãng Singapore Airlines một phen hoảng hồn.

Hai con sư tử bị xổng nằm trong nhóm 7 con mà Hãng Singapore Airlines phụ trách vận chuyển. Chưa rõ những con thú này đến từ quốc gia nào và chuẩn bị được đưa đến đâu.

Một con sư tử bị xổng thậm chí nhảy lên nóc chuồng trong khu vực vận chuyển. May mắn là cả 2 con vật vẫn ở trong khu vực được giăng lưới an toàn.

Các chuyên gia sau đó đã dùng súng bắn thuốc an thần để bắt lại 2 con sư tử này. Nhóm Mandai cho biết 2 con vật đã tỉnh và sẽ được chăm sóc một thời gian.

Đây không phải vụ động vật xổng chuồng đầu tiên ở Singapore. Năm 2005, một con báo trốn khỏi chuồng thông qua một lỗ đưa thức ăn đã khiến một sở thú phải sơ tán 500 khách tham quan.

Năm ngoái, người dân tại khu vực đại lộ Eng Neo cũng bất ngờ thấy một con ngựa trắng phi nước kiệu bên cạnh những chiếc xe hơi. Năm 2019, một con bò đực xổng khỏi một trang trại đã chạy rông suốt 14 tiếng trước khi bị bắt.

 

Tin nóng chiều 13/12: TPHCM: Các trường tổ chức học trực tiếp sẽ được cấp 50-100 que test COVID-19 6Ảnh minh hoạ