Đã cấp 1.000 hộ chiếu vắc xin
Bộ Y tế cho biết đến hết 1/4 đã có 1.000 người tiêm vắc xin tại Bệnh viện Bạch Mai và có nhu cầu hộ chiếu vắc xin để đi công tác, du lịch... đã được cấp loại hộ chiếu đặc biệt này. Đây là những người đầu tiên ở Việt Nam được cấp hộ chiếu vắc xin. Trong ngày hôm nay 2/4 sẽ có thêm Bệnh viện E bắt đầu cấp hộ chiếu vắc xin.
Dự kiến đầu tuần tới Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị triển khai cấp hộ chiếu vắc xin cho 63/63 tỉnh thành và sẽ bắt đầu chính thức cấp hộ chiếu vắc xin rộng rãi từ 8/4.
TP.HCM: Gần 4.300 người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến ngày 30/3, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã lập danh sách hơn 440.000 người 65 tuổi có nguy cơ cao, kèm bệnh nền. Đến thời điểm này, TP.HCM còn khoảng 4.300 người thuộc nhóm này chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Trong đợt cao điểm của chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, có 3 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, có 2 ca tử vong tại bệnh viện và 1 ca tử vong tại nhà.
Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ của TP.HCM vẫn tiếp tục với mục tiêu chính là phòng ngừa người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Phát hiện sớm người nhiễm để điều trị bằng thuốc kháng vi rút, tiêm vắc xin cho người chưa tiêm.
Hà Nội yêu cầu không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký ban hành kế hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Về giáo dục, ông Chử Xuân Dũng chỉ đạo “Căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời”.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở giáo dục, cơ sở lưu trú... cần xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động, sản xuất, kinh doanh phù hợp với các cấp độ dịch tại các địa phương và cập nhật kết quả đánh giá an toàn lên bản đồ an toàn COVID-19.
Người lao động được trả lương ít nhất 300% khi làm việc ngày giỗ Tổ Hùng Vương
Dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch) là 1 trong các ngày nghỉ lễ được quy định tại Bộ luật Lao động. Trong trường hợp người lao động (NLĐ) có nhu cầu làm việc vào các ngày được phép nghỉ lễ, như lễ giỗ tổ Hùng Vương, thì sẽ được tính lương căn cứ theo luật Lao động năm 2019.
NLĐ làm thêm giờ vào ngày nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương, ngày nghỉ có hưởng lương, sẽ được trả lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Như vậy, NLĐ làm việc ngày nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương sẽ được hưởng nguyên lương một ngày làm việc và cộng thêm 300% lương ngày.
Do ngày 10/3 âm lịch năm 2022 rơi vào ngày chủ nhật (tức ngày 10/4) là ngày nghỉ hàng tuần, nên theo quy định, dịp nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ sẽ được nghỉ bù thứ hai tuần kế tiếp (tức ngày 11/4).
TP.HCM: Cảnh báo nguy cơ cháy tại các chung cư do vứt tàn thuốc lá
Thời gian qua, nhiều cư dân tại các chung cư cao tầng trên địa bàn TP.HCM phản ánh việc phát hiện nhiều tàn thuốc lá từ các tầng trên do cư dân vô ý thức vứt xuống ban công nhà mình.
Phòng Cảnh sát PCCC - cứu hộ, cứu nạn - Công an TP.HCM PC07 cho biết hành vi vứt tàn thuốc vô thức này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản tại các chung cư.
PC07 yêu cầu ban quản trị, ban quản lý tại các chung cư tuyên truyền, cảnh báo đến cư dân. Mỗi người dân sống tại các chung cư nâng cao ý thức trong việc PCCC, đừng để hành vi vô ý thức của cá nhân mà ảnh hưởng đến sự an toàn chính bản thân mình và hàng nghìn cư dân khác.
Phú Quốc: Tính phí dừng đỗ xe theo phút trong sân bay
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc vừa ký văn bản về việc thu phí dịch vụ dừng, đỗ xe ô tô để đón, trả hành khách tại các cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) quản lý, khai thác.
Theo bảng giá mới này: Xe ô tô đến 9 chỗ và xe tải dưới 1,5 tấn đậu 5 phút đầu tiên thu phí 5.000 đồng, đậu 50 phút tiếp theo thu thêm 5.000 đồng và mỗi 2 giờ tiếp theo 5.000 đồng; Xe ô tô từ 10 chỗ đến 16 chỗ, xe bán tải, xe tải từ 1,5 đến 3,5 tấn đậu 10 phút đầu thu phí 10.000 đồng, 50 phút tiếp theo 5.000 đồng, 2 giờ tiếp theo 10.000 đồng; Xe ô tô từ 17 chỗ đến 29 chỗ và xe tải từ 3,5 tấn đến 7 tấn đậu 10 phút đầu thu phí 15.000 đồng, 50 phút tiếp theo 10.000 đồng; Xe ô tô từ 30 chỗ trở lên và xe tải trên 7 tấn đậu 10 phút đầu phí 25.000 đồng, 50 phút tiếp theo 10.000 đồng…
TIN THẾ GIỚI
Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp giữa khủng hoảng kinh tế
Hãng AFP đưa tin Tổng thống Sri Lanka công bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc vào cuối ngày 1.4 (giờ địa phương), sau cuộc biểu tình phản đối khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Nhà lãnh đạo cho biết quyết định được đưa ra vì lợi ích an ninh công cộng, bảo vệ trật tự công cộng và đảm bảo duy trì cung ứng các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu.
Trước đó vào ngày 31/3, hàng trăm người biểu tình đụng độ với cảnh sát và quân đội bên ngoài dinh tổng thống ở ngoại ô thủ đô Colombo. Cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng giải tán sau khi người biểu tình đốt một số xe cảnh sát và quân đội.
Quốc gia với 22 triệu dân này đang khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên và phải cúp điện đến 13 giờ/ngày, trong khi chính phủ chật vật tìm nguồn ngoại tệ để mua nhiên liệu.
Nhật Bản: Tuổi thành niên chính thức giảm từ 20 tuổi xuống còn 18 tuổi kể từ 1/4
Từ ngày 1/4, tuổi thành niên ở Nhật Bản chính thức giảm từ 20 tuổi xuống còn 18 tuổi sau khi Luật Dân sự sửa đổi bắt đầu có hiệu lực. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1876, Nhật Bản hạ độ tuổi thành niên, khuyến khích sự tham gia tích cực của giới trẻ vào các hoạt động xã hội.
Luật vị thành niên sửa đổi ở Nhật Bản đã có hiệu lực, trong đó quy định về mặt pháp lý những người trong độ tuổi 18 và 19 không cần phải có sự giám hộ của cha mẹ và có thể tự mình đăng ký thẻ tín dụng, điện thoại di động, thuê nhà và ký kết các hợp đồng khác, đồng thời được cấp hộ chiếu thời hạn 10 năm. Ngoài ra, họ cũng đủ điều kiện để hành nghề bác sĩ, kế toán viên, công chứng viên và các ngành nghề chuyên môn khác.
Bên cạnh đó, luật cũng cho phép áp dụng các hình phạt nặng hơn đối với những người phạm tội ở những độ tuổi này. Cũng theo luật mới, độ tuổi tối thiểu có thể kết hôn đối với nữ giới ở Nhật Bản là 18 và đối với nam giới là 16.
Asimo - biểu tượng công nghệ robot tiên phong của Nhật Bản
Sau khi ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 2000, Asimo đã trở thành biểu tượng công nghệ robot tiên phong của Nhật Bản, sau 20 năm hoạt động liên tục, ngày 31/3, Asimo đã có buổi trình diễn cuối cùng tại bảo tàng khoa học và công nghệ Nhật Bản trước khi chính thức nghỉ hưu. Không chỉ trẻ em mà rất nhiều người lớn đã đến buổi trình diễn để gặp gỡ và chào tạm biệt robot từng một thời gắn bó trong ký ức của họ.
Sau khi ra mắt, Asimo nhanh chóng chiếm được tình cảm của mọi người bằng những động tác chạy, nhảy, nắm tay, giọng nói... một cách thuần thục. Ngoài gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia, Asimo còn được mang đến nhiều sự kiện giáo dục khắp thế giới, tạo cảm hứng nghiên cứu robot cho giới trẻ cũng như trở thành nền tảng để phát triển các công nghệ robot sau này.
Ban quản lý bảo tàng cho biết, mặc dù các buổi biểu diễn của Asimo không còn nữa, nhưng mọi người vẫn có thể gặp gỡ robot này tại phòng trưng bày, các món đồ lưu niệm gắn liền với Asimo cũng sẽ tiếp tục được bán để giữ cho nhân vật này tiếp tục sống trong lòng mọi người.
Trung Quốc kêu gọi người dân bền chí với Zero COVID
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc đang cố gắng lên dây cót tinh thần cho người dân, nhấn mạnh "bền chí là chiến thắng" trong bối cảnh chiến lược "Zero COVID" khiến ngày càng nhiều người mệt mỏi.
Trong một bài xã luận đăng ngày 1/4, Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc giải thích vì sao chính quyền phải chọn "Zero COVID" - chiến lược đặt mục tiêu truy vết quyết liệt và chặn đứng chuỗi lây nhiễm ở một khu vực, hướng tới việc địa phương đó không còn ca nhiễm nào.
Theo SCMP, mặc dù nhìn chung công chúng vẫn còn sự ủng hộ với "Zero COVID", ngày càng có nhiều sự bất bình trong đợt bùng dịch mới nhất ở Trung Quốc. Một số nhà dịch tễ học Trung Quốc đã kêu gọi nới lỏng biện pháp chống dịch, viện dẫn Omicron tuy lây nhanh nhưng ít gây chết người.
Hàng triệu người ở Thâm Quyến và hiện nay là trung tâm tài chính Thượng Hải phải ở trong nhà theo lệnh chống dịch của chính quyền. Nhiều người đã lên mạng xã hội than phiền hoặc cầu cứu vì không có thực phẩm, thuốc men. "Zero COVID" cũng gây căng thẳng cho nền kinh tế Trung Quốc với các biện pháp truy vết gắt gao, xét nghiệm trên diện rộng và phong tỏa cục bộ.
Báo động lạm phát cao, kinh tế tăng trưởng kém ở Đông Nam Á
Tờ The Nikkei mới đây cảnh báo Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát ngày càng tăng và vấn đề đang trở nên trầm trọng hơn khi giá năng lượng và thực phẩm không tìm được đà giảm. Nếu không thể kiểm soát kịp thời, các ngân hàng trung ương của một số quốc gia sẽ buộc phải cân nhắc kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tại Singapore, kết quả khảo sát của Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 2 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất trong chín năm qua do chi phí vận tải của khu vực tư nhân tăng mạnh. Giá điện và khí đốt trong thời gian này cũng tăng 16,7%.
Tình trạng lạm phát tương tự cũng đang diễn ra tại Lào. Tỉ lệ lạm phát ở đây đã tăng lên mức 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 1-2016. Giá nhiên liệu tại Lào từ đầu năm đến nay đã tăng gấp sáu lần, chưa kể mức tăng chóng mặt của các loại chi phí khác.
Tại Indonesia, lạm phát trong tháng 1/2022 là 2,18%, mức cao nhất trong 20 tháng qua. Trong khi đó, CPI của Thái Lan đã tăng lên mức 5,28% vào tháng 2 năm nay. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 13 năm qua ở Thái Lan, tiếp tục tăng hơn so với mức 3,23% của tháng 1.