TPHCM: Tránh tình trạng đem bán thuốc điều trị COVID-19
Trưa 3/12, tại buổi báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng dịch của quận Phú Nhuận, bà Tô Thị Bích Châu đánh giá công tác phòng chống dịch của quận Phú Nhuận đã có những nét nổi bật, đồng thời bà đề nghị đẩy mạnh vai trò của các cơ sở y tế được thành lập.Trước những phản ánh có tình trạng bệnh nhân F0 không sử dụng thuốc mà đem bán lại, bà Châu nhấn mạnh phải có cơ chế kiểm tra, tránh xảy ra hiện tượng đó. Phải xem xét kỹ từng biểu hiện bệnh để cung cấp thuốc, cần thiết thì nên sử dụng phương pháp thủ công là kiểm tra vỉ thuốc sau khi sử dụng. Điều đó phải nằm trong quy định vận hành của các trạm y tế và ngay cả bệnh viện
Dù là quận không có các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng đặc thù có nhiều khu nhà trọ chật hẹp, hẻm sâu,... bà Châu yêu cầu quận phải quản lý nhân - hộ khẩu chặt chẽ, hạn chế tối đa tình trạng không khai báo đúng số người ở trọ. Quản lý các khu chợ trên địa bàn, tuyệt đối loại bỏ các khu chợ tự phát. Cần đặc biệt lưu ý tình trạng F0, F1 tự ý rời khỏi nơi ở, nâng cao vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng trong việc quản lý chặt chẽ các gia đình có bệnh nhân cách ly, điều trị tại nhà. Thường xuyên kiểm tra ngẫu nhiên các đường dây kết nối để các trạm y tế lưu động đi vào hoạt động theo đúng quỹ đạo đề ra.
Quận Phú Nhuận: Thành lập Bệnh viện điều trị COVID-19, kết hợp đông - tây y
Sáng 3/12, quận Phú Nhuận khánh thành Bệnh viện điều trị COVID-19 số 3B. Bệnh viện được thành lập trên cơ sở triển khai mở rộng, cải tạo, sửa chữa cơ sở thu dung cách ly hiện có trước đó, với quy mô 350 giường (bao gồm 45 giường hồi sức cấp cứu).
Viện Y dược học dân tộc sẽ phụ trách công tác chuyên môn, đây là bệnh viện có kết hợp Đông - Tây y trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19 mức độ vừa và nặng trên địa bàn TP. Bệnh viện sẽ phối hợp phương pháp không dùng thuốc, như xông hơi, điều trị về tinh thần kết hợp tập vật lý trị liệu, cách điều trị này trước đó nhận được phản hồi tích cực của người bệnh. Thời gian tới sẽ có thêm nguồn lực tăng cường từ Sở Y tế, từ các đơn vị trong khối y học cổ truyền cùng phối hợp, để công tác điều trị bệnh nhân được tốt nhất.
TPHCM: Truy tố 3 bị can xô xát với nhân viên y tế
Viện KSND Q.8 vừa hoàn tất cáo trạng truy tố, chuyển sang TAND Q.8 để đưa ra xét xử đối với 3 bị can: Liêu Tuấn Trọng (53 tuổi), Huỳnh Thị Cẩm Hương (47 tuổi, vợ ông Trọng) và Liêu Thanh Thảo (23 tuổi, con gái ông Trọng, cùng ngụ P.4, Q.8 về tội “chống người thi hành công vụ”. 3 bị can này đã có hành vi xô xát với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Q.8, TP.HCM xảy ra hồi tháng 9.2021.
Vào ngày 24/9, tại P.4, Q.8 khi thành viên tổ xét nghiệm Covid-19 đang lấy mẫu xét nghiệm, thì ông Liêu Tuấn Trọng đi đến yêu cầu được mang kit test nhanh Covid-19 về nhà tự xét nghiệm, với lý do tổ xét nghiệm không đảm bảo an toàn. Do việc tự lấy không đảm bảo kết quả, A Phong - nhân viên y tế không đồng ý phát bộ kit test nhanh Covid-19 cho ông Trọng dẫn đến hai bên xảy ra tranh cãi.
Khi anh Phong lấy xe máy đi sang điểm xét nghiệm khác thì bị ông Trọng nắm áo kéo lại đòi xem bảng tên để phản ánh, khiến anh Phong bị té ngã xuống đường. Sau đó, cả hai xảy ra xô xát, anh Nam lại can ngăn. Cùng lúc đó, Liêu Thanh Thảo và Huỳnh Thị Cẩm Hương chạy đến dùng ghế nhựa đánh, hất bàn lấy mẫu xét nghiệm vào người anh Phong và anh Nam.Những người này còn làm rách áo bảo hộ, khẩu trang của nhân viên y tế và 20 bộ kit xét nghiệm rớt xuống đất không còn giá trị sử dụng.
Vụ việc sau đó được tổ trưởng dân phố trình báo lên cơ quan công an Q.8 để làm rõ. Tại cơ quan điều tra, ông Liêu Tuấn Trọng, Huỳnh Thị Cẩm Hương và Liêu Thanh Thảo khai nhận về hành vi xô xát với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
TPHCM: Học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp từ 12-30 tiết/tuần
Sở Giáo dục - đào tạo TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn chuyên môn về việc đi học trực tiếp của học sinh bậc THCS và THPT trên địa bàn. Theo đó, học sinh chỉ học trực tiếp từ 12-30 tiết/tuần tùy theo vùng dịch.
- Trường ở địa bàn cấp độ 1: thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần; thời lượng dạy học còn lại (ngoài 30 tiết trực tiếp) của kế hoạch giáo dục nhà trường, các trường sẽ thực hiện trên Internet.
- Trường ở địa bàn cấp độ 2: thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần; thời lượng học trực tiếp ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên Internet.
- Riêng đối với học sinh khối 6, 9 và khối 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.
- Trường ở địa bàn cấp độ 3: thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần. Riêng đối với học sinh khối 6, 9 và khối 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần. Các trường THCS, THPT ở vùng dịch cấp độ 3 sẽ không tổ chức các chương trình nhà trường, không thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.
- Trường ở địa bàn cấp độ 4: các trường thực hiện tất cả hoạt động dạy học theo chương trình chính khóa trên môi trường Internet.
Bệnh viện Phụ sản trung ương: Phong tỏa 1 tòa nhà vì COVID, phát thông báo tìm người khẩn
Chiều 3-12, một lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xác nhận, tại tòa nhà BC, Bệnh viện Phụ sản trung ương ở số 43 phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm vừa phát hiện 22 trường hợp test nhanh dương tính với COVID-19. Theo đó, qua xét nghiệm sàng lọc định kỳ đã phát hiện 22 người có kết quả test nhanh dương tính, trong số này có 1 nhân viên y tế bệnh viện, còn lại là người nhà và bệnh nhân đều ở tòa nhà BC, Bệnh viện Phụ sản trung ương.
Tính đến thời điểm đầu giờ chiều 3-12, đã có 15 người cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2, số còn lại đang tiếp tục chờ kết quả.
Hiện nay, tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, công tác đón tiếp bệnh nhân vẫn được diễn ra bình thường. Riêng tòa nhà BC đã tạm thời bị phong tỏa để điều tra dịch tễ, truy vết trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm.
Cùng ngày, liên quan tới các ca COVID-19 mới vừa ghi nhận, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Hoàn Kiếm phát đi thông báo khẩn tìm người đã đến tòa nhà BC, Bệnh viện Phụ sản trung ương (số 43 phố Tràng Thi) từ ngày 18-11 đến 2-12 chủ động tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc CDC Hà Nội.
Quảng Ninh: 26 đối tượng tổ chức sử dụng ma túy trong quán karaoke tại vùng dịch
Công an H.Hải Hà (Quảng Ninh) cho biết, địa phương này vừa phát hiện 26 đối tượng tụ tập, tổ chức sử dụng ma túy trong quán karaoke.Trước đó, ngày 28.11, Tổ công tác của Công an H.Hải Hà trong lúc tuần tra làm nhiệm vụ, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 đã phát hiện quán karaoke Quân Ngọc (khu Đại Điền Nam, TT.Quảng Hà), do Hoàng Quốc Quân (36 tuổi) quản lý vẫn mở cửa kinh doanh bất chấp lệnh cấm từ chính quyền địa phương.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 phòng hát hoạt động với tổng số 26 người, gồm 13 nam và 13 nữ đang tổ chức nghe nhạc công suất lớn. Kiểm tra nhanh, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều công cụ, đồ vật liên quan đến việc sử dụng thuốc lắc, ketamin; qua đó phát hiện 18/26 đối tượng dương tính với chất ma tuý.
Căn cứ kết quả điều tra, Công an H.Hải Hà đã ra quyết định tạm giữ hình sự, bắt tạm giam đối với 8 đối tượng: Quân, Lực, Đức, Trường, Chăn, Ửng, Thành và Sám để tiếp tục điều tra vụ việc. Đối với 10 trường hợp còn lại sử dụng trái phép chất ma túy, Công an H.Hải Hà đang lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và gửi thông báo về địa phương để phối hợp quản lý. Cơ quan chức năng cũng xử phạt hành chính 26 trường hợp về quy định phòng dịch. Riêng chủ quán karaoke Quân Ngọc bị xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh.
TIN THẾ GIỚI
Trung Quốc: Phát triển vắc xin chống Omicron
Ngày 2/12, ông Zheng Zhongwei, người đứng đầu Nhóm chuyên trách phát triển vắc xin COVID-19 ở Trung Quốc, cho biết đang tăng tốc nghiên cứu và phát triển vắc xin đặc hiệu ngừa Omicron, dựa trên các công nghệ khác nhau. Ông cho rằng việc chuẩn bị vắc xin đặc hiệu chống biến thể Omicron sớm sẽ cho phép Trung Quốc triển khai vắc xin kịp thời khi bất ngờ phát sinh tình hình mới.
Nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc Sinovac cho biết họ đang đánh giá liệu vắc xin của họ có hoạt động chống lại Omicron hay cần phát triển loại vắc xin mới. Công ty dược phẩm sinh học Thẩm Quyến BioKangtai cũng đang tìm cách hợp tác với các tổ chức khác về nghiên cứu vắc xin liên quan đến Omicron.
Trung Quốc chưa phát hiện trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nhiễm biến thể Omicron. Và đến nay, Trung Quốc vẫn chưa phê duyệt vắc xin COVID-19 được phát triển ở nước ngoài và chỉ sử dụng vắc xin nội địa cho chương trình tiêm chủng của mình.
Australia: Ca mắc biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng
Ngày 3/12, giới chức Australia đã báo cáo ca mắc biến thể Omicron trong cộng đồng đầu tiên ở nước này. Trường hợp nhiễm nói trên là một học sinh đến từ thành phố Sydney. Học sinh này không đi du lịch nước ngoài, một dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron đã có trong cộng đồng. Tuy nhiên, các nhà chức trách địa phương vẫn kiên định với kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế.
Australia hiện có 9 trường hợp được xác nhận mắc biến thể Omicron, trong đó có 8 ca ở bang New South Wales, nơi 1/3 trong tổng số 25 triệu dân của đất nước này sinh sống. Mặc dù một số bang đã thắt chặt kiểm soát biên giới trong nước nhưng Chính phủ liên bang hy vọng sẽ tránh được việc tái áp đặt lệnh đóng cửa toàn quốc.
Theo Giám đốc Y tế Paul Kelly, nước này sẽ không khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường như các nước khác đã làm, vì "không có bằng chứng" rằng điều này sẽ cải thiện khả năng bảo vệ chống lại Omicron.
Đức: Chia tay Thủ tướng Angela Merkel theo nghi thức cao nhất của quân đội
Chỉ còn ít ngày nữa nước Đức sẽ có tân Thủ tướng, chính thức khép lại 16 năm nhiệm kỳ của bà Angela Merkel, vị nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước này. Một buổi lễ chia tay đầy cảm xúc dành cho bà Angela Merkel đã vừa được tổ chức tại thủ đô Berlin.
Thủ tướng Angela Merkel đã trở thành nhân vật hiếm hoi được hưởng nghi thức cao nhất của quân đội Đức dành cho một quan chức dân sự, đó là ban nhạc quân đội sẽ chơi các bản nhạc theo lựa chọn của vị nữ Thủ tướng trong buổi lễ chia tay. Cũng trong sự kiện này, bà Merkel đã gửi những lời chia tay tới người dân Đức và lời chúc may mắn tới người kế nhiệm.
Với 16 năm trên cương vị Thủ tướng Đức, sức ảnh hưởng rất lớn của bà Merkel không chỉ trên chính trường mà cả trong cuộc sống hàng ngày của người dân Đức. Chia tay bà Merkel, nước Đức sẽ bước vào một thời kỳ mới với đầy thách thức, đặc biệt khi dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại. Và nhiều người dân Đức hy vọng, các nhà lãnh đạo của họ sẽ tiếp tục có những bước đi đúng đắn như bà Merkel đã làm trong suốt 16 năm qua.
Người Nhật lo ngại núi Phú Sĩ phun trào
Giới chức Nhật Bản bác bỏ khả năng núi Phú Sĩ phun trào, sau khi một trận động đất vào sáng 3/12 khiến làn sóng lo ngại lan nhanh trên mạng xã hội.
Trận động đất mạnh 4,8 độ Richter xảy ra vào 6 giờ 37 rung chuyển một số khu vực tại ngọn núi cao nhất của Nhật, nằm cách Tokyo khoảng 100km về phía tây. Chưa có thông tin về thương vong hay thiệt hại lớn do trận động đất.
Lần gần đây nhất núi Phú Sĩ phun trào xảy ra cách đây hơn 300 năm. Ngọn núi lửa này vẫn hoạt động và thỉnh thoảng trải qua giai đoạn gây nhiều chấn động trong một tháng.
Một hội đồng của chính phủ năm ngoái cho biết bất cứ sự phun trào lớn nào cũng sẽ phát tán tro bụi xuống Tokyo khiến hệ thống xe điện và đường cao tốc tê liệt trong khoảng 3 giờ. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật cho biết chưa có dữ liệu về việc gia tăng khả năng phun trào của núi Phú Sĩ
Thiết kế cầu vượt cho con lười để giảm thiệt hại
Các vụ va chạm xe hơi với động vật hoang dã khiến Mỹ mất khoảng 8 tỉ USD mỗi năm để sửa chữa đường xá, xe cộ và chấn thương của con người. Dự luật cơ sở hạ tầng được thông qua gần đây của Mỹ bao gồm 350 triệu USD làm đường giao nhau và hầm chui, cầu vượt cho động vật hoang dã qua đường, để giảm thiệt hại cho đôi bên.
Những cây cầu vượt cho con lười được thiết kế bằng cách xâu những sợi dây dài vài km tới một cây cầu bắc ngang đường. Điều này bảo vệ được tính mạng cho cả người chạy xe và con lười.
Các giao lộ động vật hoang dã như thế này đã mọc lên trên khắp thế giới. Có những cây cầu vượt cho cua đỏ trên Đảo Christmas của Úc, một đường hầm dành cho kỳ nhông ở bang Massachusetts - Mỹ và những đường hầm dành cho rùa trên một số đường ray xe lửa ở Nhật Bản.