- TIN TRONG NƯỚC
- Chiều hôm nay 6/1: Việt Nam đã tiếp nhận hơn 206 triệu liều vaccine phòng COVID-19
- TP.HCM: Gần 30.000 sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật sắp trở lại trường học
- Chủ tịch TPHCM chia sẻ về quyết định cho hoạt động lại bar, karaoke, massage dịp giáp Tết
- An Giang: Bắt trung tá công an về tội rửa tiền, liên quan trùm buôn lậu Mười Tường
- Vụ máy bay Vietnam Airlines bị dọa bắn: Công an Việt Nam phối hợp cùng Nhật Bản điều tra
- Hà Nội: Trung bình mỗi ngày phát hiện gần 1.000 F0 qua test nhanh
- Bộ Công an kích hoạt tổng đài giải đáp về căn cước công dân
- TIN THẾ GIỚI:
- Pfizer sẽ sớm cập nhật về vaccine dành cho trẻ dưới 5 tuổi
- Australia cảnh báo tình trạng học sinh chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi trở lại trường
- Mỹ mở rộng đối tượng tiêm mũi vaccine tăng cường của Pfizer đối với trẻ từ 12-17 tuổi
- Ấn Độ, Israel tăng nhanh số ca mắc mới
- Brazil tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
- Israel triển khai theo dõi COVID-19 từ hệ thống nước thải
TIN TRONG NƯỚC
Chiều hôm nay 6/1: Việt Nam đã tiếp nhận hơn 206 triệu liều vaccine phòng COVID-19
Đến nay, Việt Nam đã đã tiếp nhận hơn 206 triệu liều vaccine phòng COVID-19; hiện đã tiêm gần 157 triệu liều; 57 tỉnh, thành phố tiêm vaccine mũi 3 cho người đủ điều kiện tiêm theo hướng dẫn, với hơn 6,1 triệu liều... Trong đó ngày 5/1, cả nước tiêm được hơn 1,7 triệu liều, cao hơn nhiều so với các ngày trước đó. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 99,7% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 91,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm 13.186.888 liều, trong đó có 7.811.007 mũi 1 và 5.375.881 mũi 2. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Lãnh đạo các tỉnh thành cũng yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi vaccine bổ sung (mũi 3) đối với toàn bộ những người đã tiêm vaccine mũi 2.
TP.HCM: Gần 30.000 sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật sắp trở lại trường học
Ngày hôm nay 6.1, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thông báo cho toàn bộ sinh viên đến trường học trực tiếp từ giữa tháng 2. Cụ thể, sinh viên sẽ vào học từ ngày 14.2. Trường sẽ bố trí sinh viên đến trường theo quy mô nhỏ để đảm bảo quy định phòng chống. Đối với các học phần lý thuyết, tích hợp, giảng viên có thể chủ động sử dụng tối đa 20% thời lượng học phần để giảng dạy trực tuyến cho sinh viên khóa 2020 trở về trước, còn khóa 2021 thì tối đa 30%.
Thời lượng học trực tiếp trên lớp tối thiểu từ 70 - 80% thời lượng giảng dạy mỗi học phần. Riêng với các học phần thực tập, thí nghiệm thì hình thức giảng dạy là 100% trực tiếp tại trường. Giảng viên và sinh viên phải đảm bảo được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Người thuộc diện tiêm vắc xin nhưng không thể tiêm do có chống chỉ định phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế về chống chỉ định.
Chủ tịch TPHCM chia sẻ về quyết định cho hoạt động lại bar, karaoke, massage dịp giáp Tết
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc mở lại bar, karaoke, massage, vũ trường nằm trong tiến trình từng bước tiến tới bình thường hóa của địa bàn. TPHCM sẽ giám sát diễn biến dịch Covid-19 hàng ngày. Trước đó, có ý kiến cho rằng, việc mở lại các hoạt động, dịch vụ "nhạy cảm" vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, cộng với sự đe dọa của biến chủng Omicron, sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.
Mặt khác, dư luận cũng đặt ra câu hỏi, với việc tạm dừng hoạt động Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19, TPHCM sẽ phản ứng ra sao trước tình huống cấp bách về dịch bệnh. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, việc ngừng hoạt động Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 chỉ là kiện toàn, sắp xếp lại công việc của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố. Các Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch cấp cơ sở vẫn hoạt động bình thường và thành phố vẫn có bộ phận thường trực phụ trách các phần việc như trước đây.
An Giang: Bắt trung tá công an về tội rửa tiền, liên quan trùm buôn lậu Mười Tường
Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án rửa tiền liên quan trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường), Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Sang về tội "rửa tiền. Trung tá Nguyễn Văn Sang (nguyên là đội trưởng đội 1, Phòng cảnh sát hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh An Giang) đã tham gia trực tiếp vào các giao dịch ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền hơn 1,3 tỉ đồng có được từ hoạt động buôn lậu của Mười Tường do phạm tội mà có.
Trung tá Sang có thời gian dài công tác trong Đội an ninh thuộc Công an thị xã Tân Châu, sau đó lần lượt giữ các chức vụ: quyền trưởng Công an phường Long Thạnh, phó đội trưởng Đội an ninh, đội trưởng Đội cảnh sát giao thông Công an thị xã Tân Châu. Cuối năm 2020, trung tá Sang bị chuyển về Phòng cảnh sát hỗ trợ tư pháp thuộc Công an tỉnh An Giang, sau đó xin nghỉ hưởng chế độ. Hiện vụ việc được Công an tỉnh An Giang đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Vụ máy bay Vietnam Airlines bị dọa bắn: Công an Việt Nam phối hợp cùng Nhật Bản điều tra
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đang phối hợp các cơ quan liên quan của Nhật Bản điều tra vụ máy bay của Vietnam Airlines bị dọa bắn khi qua vịnh Tokyo. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết việc ứng phó với tình huống đe dọa an ninh hàng không như vụ việc trên đều được lường trước và xây dựng các kịch bản ứng phó.
Do vậy quy trình xử lý vụ việc rất nhanh. Khi được sự đồng ý của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Cục Hàng không chỉ đạo Vietnam Airlines xin phép nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng máy bay hạ cánh xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản. Được biết, khi xử lý tình huống trên, thông tin chuyến bay VN5311 bị đe dọa bắn chỉ được thông báo cho phi công.
Còn với các hành khách trên chuyến bay, tổ bay chỉ thông báo là chuyến bay cần quay lại, hạ cánh xuống sân bay Fukuoka để kiểm tra kỹ thuật nhằm tránh tâm lý bất an, lo sợ với hành khách.
Hà Nội: Trung bình mỗi ngày phát hiện gần 1.000 F0 qua test nhanh
Việc test nhanh kháng nguyên để phát hiện các ca mắc COVID-19 đang được Hà Nội triển khai trên diện rộng. Như vậy là, trung bình mỗi ngày, thành phố phát hiện thêm gần 1.000 F0 bằng test nhanh. Việc xác định ca bệnh bằng test nhanh giúp rút ngắn thời gian khoanh vùng dập dịch, phân loại, bố trí bệnh nhân vào các tầng điều trị phù hợp.
Trước số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục tăng trong những ngày gần đây, lên tới trên 2.000 ca mỗi ngày, tuyến y tế cơ sở đang có dấu hiệu quá tải do nhân lực thiếu hụt mà công việc phải đảm đương rất nhiều.
Để ứng phó tốt hơn với diễn biến mới của dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản về hướng dẫn quy trình phối hợp trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà. Trong đó, yêu cầu thành lập ngay Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà, với lực lượng thanh niên là nòng cốt.
Tổ hỗ trợ có nhiệm vụ cập nhật tình trạng sức khỏe của người nhiễm COVID-19, hỗ trợ trực tiếp nhóm F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ,cũng như phối hợp với nhân viên y tế phân phối thuốc cho bệnh nhân.
Bộ Công an kích hoạt tổng đài giải đáp về căn cước công dân
Sáng 6.1, tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã tổ chức lễ khai trương Phòng tổng đài hỗ trợ về CCCD và quản lý dân cư để tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người dân trong việc cấp, đổi thẻ CCCD gắn chíp.
Theo C06, tổng đài hỗ trợ gồm 20 tổng đài viên hỗ trợ qua điện thoại, 20 cán bộ nghiệp vụ thực hiện việc tra cứu; 40 máy tính, 20 điện thoại bàn; hoạt động từ 7 giờ 30 đến 17 giờ 30 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Ngoài tiếp nhận và giải đáp phản ánh của người dân qua hotline 1900.0368, tổng đài hỗ trợ của C06 còn tiếp nhận qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook, Email,… để giải đáp, hướng dẫn người dân trong thời gian sớm nhất. Theo thống kê của C06, tính tới 9 giờ sáng 6.1, tổng đài hỗ trợ CCCD và quản lý dân cư đã giải đáp 1.486 cuộc gọi trong cả nước.
TIN THẾ GIỚI:
Pfizer sẽ sớm cập nhật về vaccine dành cho trẻ dưới 5 tuổi
Vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) sẽ công bố kết quả mới nhất của cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 do hãng phối hợp với công ty BioNTech phát triển, dành cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Đây là thông tin được nhiều người quan tâm trong bối cảnh nhiều nước đang mở rộng chương trình tiêm chủng cơ bản và mũi tăng cường cho trẻ em ở mọi lứa tuổi để tăng cường khả năng bảo vệ trẻ trước sự lây lan của dịch COVID-19.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech là loại tiêm 2 mũi. Hiện Mỹ đã cấp phép sử dụng vaccine này cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Ngày 5/1, Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng đã ủng hộ cơ quan chức năng Mỹ cấp phép tiêm mũi tăng cường cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi tại nước này.
Australia cảnh báo tình trạng học sinh chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi trở lại trường
Dự kiến từ tuần tới Australia sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Tuy nhiên, với kế hoạch trở lại trường vào ngày 1/2, hầu hết học sinh nước này sẽ đi học khi chưa tiêm đủ hai mũi vaccine. Theo các chuyên gia dịch tễ học, thời gian giãn cách giữa các mũi tiêm vaccine đối với trẻ là 8 tuần, như vậy chỉ có một số học sinh tiêm vaccine trước khi trở lại trường.
Việc triển khai chương trình tiêm chủng chưa đầy 1 tháng trước khi học sinh trở lại trường sẽ khiến nhiều em không có đủ thời gian để cơ thể tạo ra kháng thể chống virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm. Hầu hết những người tiêm mũi thứ 2 cần từ 1 hoặc 2 tuần để cơ thể tạo ra kháng thể, do đó, Australia chưa sẵn sàng để học sinh đi học trở lại.
Mỹ mở rộng đối tượng tiêm mũi vaccine tăng cường của Pfizer đối với trẻ từ 12-17 tuổi
Sáng 6/1, Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ chính thức công bố quyết định sử dụng vaccine của Pfize/BioNTech làm mũi tiêm tăng cường cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi.
Quyết định được công bố vài giờ sau khi Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng trực thuộc CDC Mỹ bỏ phiếu thông qua kiến nghị về việc mở rộng đối tượng tiêm chủng mũi tăng cường là trẻ em trong độ tuổi trên.
Khuyến nghị mới nhất của CDC Mỹ nêu rõ trẻ từ 12 đến 17 tuổi cần tiêm mũi tăng cường 5 tháng sau khi hoàn thành chương trình tiêm chủng cơ bản. Bệnh nhân COVID-19 đang chiếm số đông tại hệ thống bệnh viện của Mỹ, bao gồm cả các bệnh viện nhi, do đó, tiêm mũi tăng cường là vũ khí để giúp trẻ em vượt qua đại dịch này.
Ấn Độ, Israel tăng nhanh số ca mắc mới
Ngày 6/1, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo ghi nhận 90.928 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, tăng 57% so với 58.097 ca ghi nhận một ngày trước đó.
Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 325 ca tử vong do COVID-19. Theo đó, tổng số ca mắc tại Ấn Độ đến nay là 35.109.286 ca, trong đó có 482.876 ca tử vong.
Tại Israel, số bệnh nhân COVID-19 do biến thể Omicron tăng gấp đôi cứ sau 2,5-2,7 ngày. Cùng ngày, báo cáo của Bộ Y tế Israel cho biết nước này ghi nhận 11.978 ca mắc mới - mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính là 6,65%, trong khi hệ số đo tốc độ lây nhiễm cũng tăng liên tục lên 1,94.
Hiện vẫn còn 14% số người trên 20 tuổi tại Israel chưa tiêm vaccine và nhóm này chiếm tới 68% các ca COVID-19 nặng.
Brazil tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
Bộ Y tế Brazil ngày 5/1 thông báo nước này sẽ triển khai việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11 trên cơ sở tự nguyện, đồng thời hủy kế hoạch tiêm chủng phải có chỉ định của bác sĩ.
Dù tỷ lệ trẻ tử vong do mắc COVID-19 tại đây không nhiều, song đảm bảo cuộc sống an toàn cho trẻ là rất quan trọng. Brazil đã đặt 20 triệu liều vaccine của Pfizer để tiêm cho trẻ và việc tiêm chủng sẽ được triển khai vào cuối tháng này.
Mặc dù tiêm phòng không phải bắt buộc, song chính quyền các bang có quyền ra quyết định về y tế công cộng, cũng như có thể yêu cầu trẻ phải tiêm vaccine để có thể đi học. Chính quyền các bang muốn bắt đầu tiêm chủng cho trẻ trước khi các trường học mở lại vào cuối tháng 1.
Israel triển khai theo dõi COVID-19 từ hệ thống nước thải
Sau một vài dự án thí điểm thực hiện thành công trong vòng 2 năm qua, Bộ Y tế Israel đã bắt đầu ứng dụng công nghệ do công ty địa phương Kando phát triển vào theo dõi dịch COVID-19 từ nước thải.
Giải pháp từ công nghệ của Kando là dựa trên cảm biến và bộ phận điều khiển đặt trong hệ thống ống thoát nước thải kết hợp cùng phân tích máy tính, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để đưa ra cảnh báo và các thông tin liên quan. Những cảnh báo đưa ra sẽ liên quan đến tỷ lệ bệnh tiềm tàng và khởi đầu của làn sóng dịch trong tương lai cũng như biến thể mới.
Trong khuôn khổ dự án, các thị trấn với trên 20.000 dân sẽ bị theo dõi 2 lần/tuần. Việc thu thập các mẫu phẩm đại diện được cho giúp tối đa khả năng phát hiện dấu hiệu virus trong nước thải từ đó giám sát tỷ lệ bệnh tại khu vực nhất định.