Mục lục
TIN TRONG NƯỚC
TP.HCM: Lớp có 50% học sinh F0, F1 trở lên sẽ chuyển qua học online
Tối 28/2, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết Sở đã có văn bản giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường trong việc quyết định hình thức dạy học phù hợp và linh hoạt trong thời kỳ bình thường mới. Vì vậy, khi trong một lớp học có số học sinh là F0, F1 chiếm từ 50% học sinh trở lên của cả lớp thì hiệu trưởng các trường phải linh hoạt chuyển qua hình thức dạy học online cho lớp đó.
Cụ thể, nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên thì ban chỉ đạo phòng chống dịch của nhà trường căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp.
Nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quận, huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường.
Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM cũng đang đề xuất với UBND TP cho phép những học sinh là F1 trở lại trường không cần phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế.
TP.HCM chính thức giải thể hàng loạt bệnh viện điều trị Covid-19
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký quyết định giải thể 4 trung tâm cách ly và bệnh viện điều trị Covid-19 kể từ ngày 25.2, gồm 2 trung tâm cách ly và 2 bệnh viện điều trị. Cụ thể, 2 trung tâm cách ly gồm: trung tâm cách ly F0 cho đối tượng đang chăm sóc, viên chức, người lao động tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc và Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá (cả 2 cùng trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM).
2 bệnh viện bị giải thể gồm bệnh viện điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Q.Phú Nhuận và Bệnh viện Nhi Đồng 1 (cùng trực thuộc Sở Y tế TP.HCM). UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị vệ sinh, khử khuẩn để tiếp nhận điều trị bệnh nhân không phải Covid-19. Riêng Bệnh viện Nhi đồng 1 duy trì khu cách ly với quy mô 150 giường, trong đó có 30 giường hồi sức tích cực dành cho người bệnh nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 được phát hiện tại bệnh viện. Đồng thời, duy trì buồng cấp cứu sàng lọc tại khoa cấp cứu của bệnh viện để đảm bảo vừa cấp cứu người bệnh, vừa sàng lọc đảm bảo an toàn người bệnh và nhân viên y tế.
Hà Nội chuẩn bị hơn 2000 giường bệnh
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - bà Trần Thị Nhị Hà nhận định, hiện mỗi ngày trung bình Thành phố ghi nhận khoảng 10.000 ca nhiễm mới và con số này có thể còn tiếp tục tăng. Số ca mắc ở mức rất cao như hiện nay là hệ quả tất yếu hi thành phố mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như cho học sinh trở lại trường sau Tết.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong giai đoạn hiện tại, đánh giá mức độ nguy cơ của dịch cần thông qua tỷ lệ bệnh nhân vào viện, chuyển nặng, tử vong; khả năng đáp ứng của hệ thống y tế các tuyến chứ không phải số ca nhiễm mỗi ngày nữa.
Bởi lẽ, biến chủng Omicron có khả năng lây lan rất nhanh so với biến chủng Delta. Hơn nữa, theo thống kê, hiện F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội chiếm đến 96%, chưa đến 4% người nhiễm điều trị ở tầng 2 và 3 của thành phố.
Mặc dù vậy, bà Hà cũng cho biết với số lượng bệnh nhân tăng rất cao như hiện tại, số giường bệnh phải chuẩn bị ở tầng 2-3 cũng rất lớn. Cụ thể, hiện tại Hà Nội đã chuẩn bị được khoảng 2.180 giường bệnh cho bệnh nhân tầng 2,3 (dù mới sử dụng khoảng 1.000 giường).
TP.HCM còn 36.000 liều thuốc Molnupiravir phát miễn phí
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 28.2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết Sở Y tế đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế hướng dẫn về việc sử dụng, kê toa cũng như việc kinh doanh thuốc Molnupiravir trên địa bàn TP.HCM. Người phát ngôn của Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm ngoài mặt hàng thuốc Molnupiravir mà các nhà thuốc đang chờ hướng dẫn để bán ra thị trường thì TP.HCM còn 36.000 liều thuốc Molnupiravir phát miễn phí, đang đặt tại các cơ sở y tế. người dân sử dụng thuốc Molnupiravir phải được thăm khám, được xác định là F0 và có toa của bác sĩ.
Thống kê Covid-19 tính đến chiều 28/2
Theo Bộ Y tế, 24h qua, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 94.385 ca mắc mới, trong đó có 66.227 ca tại cộng đồng. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (2521), Gia Lai (846), Bình Dương (406). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (3.108), Lai Châu (1.663), Hà Nội (1.333).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 3.443.485 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 34.859 ca nhiễm).
TIN THẾ GIỚI
Mỹ dừng hoạt động Đại sứ quán ở Belarus
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 28/2 đã đình chỉ hoạt động của Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Minsk của Belarus. Mỹ đồng thời cũng cho phép các nhân viên Đại sứ quán không thuộc diện cần thiết cùng thành viên gia đình rời khỏi Nga.
Tuyên bố báo chí của Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ, các bước này được thực hiện do các vấn đề về an ninh từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục điều chỉnh hoạt động của các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ trên toàn thế giới để phù hợp với nhiệm vụ, môi trường an ninh địa phương và tình hình y tế.
Đại sứ quán Mỹ ở Nga trước đó đã khuyến cáo công dân Mỹ rời khỏi Nga ngay lập tức trong bối cảnh các hãng hàng không tiếp tục hủy các chuyến bay tới và từ Nga. Khuyến cáo trên được Đại sứ Mỹ đưa ra sau khi Liên minh châu Âu thông báo sẽ cấm toàn bộ các máy bay của Nga trong không phận của khối này.
Nga hạn chế chuyến bay từ 36 quốc gia
Cuối tuần qua các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm chống lại Nga liên quan tới chiến dịch đặc biệt của Moskva tại Ukraine. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm tất cả máy bay Nga, kể cả máy bay tư nhân, cất hạ cánh và bay qua không phận các nước EU.
Ngày 28/2, trong động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mới đây của các nước phương Tây, Nga đã ban bố lệnh hạn chế các chuyến bay của các hãng hàng không tới từ 36 nước và vùng lãnh thổ. Các chuyến bay từ 36 nước nằm trong danh sách nói trên cần phải nhận được giấy phép đặc biệt do Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga hoặc Bộ Ngoại giao Nga cấp.
Đức đưa hơn 40 nước khỏi danh sách nguy cơ cao về dịch COVID-19
Chính phủ Đức ngày 27/2 thông báo đưa gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ra khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ dịch bệnh COVID-19 cao. Quyết định trên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu hút trở lại khách du lịch đến nước này.
Thông báo trên được đưa ra trước khi những thay đổi liên quan đến quy định về đi lại bắt đầu có hiệu lực vào ngày 4/3, thời điểm những quy định để phân loại các quốc gia và vùng lãnh thổ là khu vực có nguy cơ cao sẽ giới hạn trong các yếu tố như: chỉ những quốc gia có các biến thể mang “đặc tính gây bệnh mạnh hơn” so với biến thể Omicron hiện đang chiếm đa số các ca mắc COVID-19 hiện nay ở Đức, mới được coi là có nguy cơ cao.
Theo các quy định mới, quy định 3G (đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản, đã bình phục sau COVID-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính) sẽ tiếp tục áp dụng cho tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Đức từ bất kỳ quốc gia nào. Những người chưa tiêm chủng hoặc đã bình phục sau COVID-19 đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
Google tạm thời vô hiệu hóa dữ liệu trên Google Maps tại Ukraine
Gã khổng lồ công nghệ cho biết họ đã vô hiệu hóa lớp giao thông của Google Maps trên toàn cầu. Hành động này nhằm tránh để lộ ra thông tin trực tiếp về điều kiện giao thông và mức độ đông đúc của các địa điểm như cửa hàng và nhà hàng ở Ukraine vì sự an toàn của cộng đồng trong nước. Theo Google, thông tin giao thông trực tiếp vẫn có sẵn đối với các tài xế đang sử dụng tính năng chỉ đường chi tiết trong khu vực.
Trước đó, chỉ cần có Internet, người dùng từ khắp nơi trên thế giới có thể theo dõi tình hình chiến sự tại Ukraine. Thậm chí, còn biết được chính xác khi nào lực lượng Nga bắt đầu tiến quân vào Ukraine.
Các nền tảng mạng xã hội dường như đang trở thành một công cụ chỉ điểm đắc lực cho cả 2 phía. Thậm chí, nền tảng TikTok cũng đang là nơi mà cả 2 nước đăng tải nội dung liên quan đến vùng chiến sự. Không chỉ Google, các ông lớn công nghệ khác đang nỗ lực thực hiện các biện pháp mới để bảo vệ an ninh của người dùng trong khu vực.
Úc: Mưa lớn khiến hàng chục ngàn người phải sơ tán
Hàng chục ngàn người đã được lệnh sơ tán khi mưa lớn ập vào bờ biển phía đông của Úc ngày 28/2, nhấn chìm nhiều thị trấn. Chín người đã thiệt mạng kể từ khi trận "đại hồng thủy" bắt đầu ngày 24/2. Ngày 28/2, các đội cứu hộ đã tìm kiếm thêm được ít nhất bốn người trước đó được báo cáo mất tích.
Thủ tướng Úc Scott Morrison gọi những trận mưa chưa từng có này là "quả bom thời tiết". Ông cho biết, các nhân viên quốc phòng sẽ được triển khai tới các khu vực bị lũ lụt để chỉ huy hoạt động cứu hộ và khắc phục hậu quả.
Sông Brisbane ở thủ đô Queensland đạt đỉnh vào sáng 28/2, làm ngập một số đường phố ở thành phố lớn thứ ba của Úc. Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy những ngôi nhà ngập nước, các thùng rác, thuyền và ô tô trôi trên đường phố. Tại thành phố Lismore, miền bắc NSW, toàn bộ khu trung tâm bị ngập nước. Cục Khí tượng cảnh báo, mức nước sông Wilsons của thành phố này có thể đạt khoảng 14,2 m vào chiều 28/2, vượt qua đỉnh của năm 1954.