TIN TRONG NƯỚC
Đêm 10/12, Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), chính thức vận hành mô hình buýt sông chạy ban đêm phục vụ người dân đi lại, thưởng thức nét đẹp sông Sài Gòn.
Từ 15 giờ, cả bến Bạch Đằng (quận 1) trở nên nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Hàng trăm người dân đến xếp hàng mua vé và chờ đến tối để lên tàu trải nghiệm. Trong đó, không ít người đành chuyển sang đặt trước để đi ngày khác vì toàn bộ vé tàu đêm 10-12 đã hết.
Người dân và du khách có thể dễ dàng trải nghiệm sông Sài Gòn vào buổi tối các ngày trong tuần, điểm xuất phát ở bến Bạch Đằng (quận 1) và có lộ trình đi qua bến Bình An (TP Thủ Đức). Giá vé chỉ 15.000 đồng/lượt, buýt đêm phục vụ đến 21h đêm. Người dân chọn đi buýt sông có thời gian ngắm cảnh, thư giãn, đồng thời góp phần giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông bộ. Trong suốt lộ trình di chuyển, khách được phục vụ âm nhạc, ngoài ra có thức ăn (nếu mua theo combo).
Thí điểm khôi phục chuyến bay quốc tế từ ngày 1/1/2022
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt. Thời gian thí điểm bắt đầu từ đầu năm sau 1/1/2022.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế. Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vắc xin", ưu tiên các địa bàn thực hiện trong giai đoạn thí điểm.
Hơn 4 triệu liều vắc xin Mỹ tặng đã về Việt Nam
Ngày 10/12, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết thêm 2,2 triệu liều vắc xin COVID-19 Hãng Pfizer-BioNTech mà Mỹ tặng Việt Nam đã tới Hà Nội trong sáng cùng ngày. Đến tối 10/12, Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cũng thông tin hơn 2 triệu liều vắc xin Pfizer-BioNTech mà Mỹ tặng vừa về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Như vậy trong ngày 10/12, hơn 4 triệu liều vắc xin COVID-19 Mỹ tặng đã được đưa tới Việt Nam. Theo Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, đến nay tổng số vắc xin COVID-19 mà Mỹ trao tặng Việt Nam thông qua cơ chế COVAX là 24,6 triệu liều.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Việt Nam và Mỹ đã hợp tác nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Việc hợp tác này dựa trên nền tảng là mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia.
Đà Nẵng yêu cầu các địa phương sớm thí điểm cách ly F0 tại nhà
Liên quan đến việc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, UBND TP Đà Nẵng tối 10-12 yêu cầu các địa phương sớm triển khai thực hiện thí điểm điều trị tại nhà.
Sau khi có hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế về cách thức thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà, mới chỉ có quận Sơn Trà áp dụng thí điểm. Hiện có 10 người dương tính với COVID-19 được quận này cách ly, điều trị tại nhà.
Trong hướng dẫn thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà, ngành y tế khuyến nghị các quận, huyện chọn 1 phường để tổ chức thí điểm để rút kinh nghiệm. TP cũng yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc xin mũi 3 cho các đối tượng nguy cơ, người cao tuổi, bệnh nền. Dự kiến vào ngày 12-12 thành phố sẽ triển khai tiêm mũi 3 cho các đối tượng này.
Đà Nẵng cho học sinh lớp 1 quay lại học trực tuyến
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến hết sức phức tạp. Số ca mắc ngày càng tăng nhanh, nhất là số ca cộng đồng. Cùng với việc khảo sát ý kiến của phụ huynh học sinh lớp 1 trên địa bàn thành phố, tối 10/12, Sở Giáo dục và đào tạo TP Đà Nẵng thông tin sẽ tạm dừng cho học sinh lớp 1 đến trường học trực tiếp từ ngày 13/12.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Đà Nẵng cho hay sau 1 tuần học sinh lớp 1 đến trường, đã có nhiều vấn đề phát sinh. Tính đến ngày 10/12, trên địa bàn thành phố có 29 trường tiểu học chưa thể tiến hành dạy học trực tiếp hoặc chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến vì trường ở vùng dịch COVID-19 có cấp độ 3.
Có 18 trường tiểu học phải kết hợp hai hình thức dạy học đối với những lớp có bệnh nhân COVID-19 liên quan giáo viên, học sinh, hoặc thầy trò đang ở vùng dịch COVID-19 có cấp độ 3.
Cần Thơ siết lại nhiều hoạt động
Ngày 10/12, TP Cần Thơ cập nhật cấp độ dịch và thực hiện một số biện pháp quyết liệt, tăng cường phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, cấp độ dịch của thành phố vẫn là cấp độ 3 (nguy cơ cao - vùng vàng). Còn cấp quận, huyện thì có 7/9 địa phương có cấp độ dịch là cấp 4 (nguy cơ rất cao - vùng đỏ) gồm quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt và các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai. Quận Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh có cấp độ dịch là cấp 3.
Theo đó, cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn uống chỉ được phép bán mang đi hoặc bán tại chỗ không quá 10 người tại cùng một thời điểm, bảo đảm khoảng cách mỗi bàn tối thiểu 2m, không phục vụ tại chỗ rượu, bia và các loại thức uống có cồn khác...Thành phố cũng yêu cầu không tập trung quá 10 người tại một địa điểm ở nơi công cộng, người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết; người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hạn chế tối đa việc di chuyển ra khỏi nơi ở...
Hải Phòng tạm dừng tuyển lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine
Ngày 10/12, thành phố Hải Phòng có công văn hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan chỉ đạo về việc rà soát người chưa tiêm phòng vaccine Covid-19. Đáng chú ý, công văn yêu cầu tạm dừng tuyển dụng người lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Để giảm số ca mắc chuyển nặng và tử vong, thành phố yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế, Sở Công Thương khẩn trương rà soát, lập danh sách công nhân, người lao động tại khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine gửi Sở Y tế.
TP cũng yêu cầu vận động phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đến cơ sở y tế để được tiêm chủng an toàn. Cùng ngày, UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo dừng hoạt động chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại bến tàu xe, nhà ga, bến bãi do quận, huyện quản lý.
TIN THẾ GIỚI
Y tá trên toàn cầu giảm mạnh khi đại dịch vào năm thứ ba
Hôm qua (10/12), Hội đồng Điều dưỡng quốc tế (ICN) cảnh báo số lượng y tá toàn cầu sẽ tiếp tục giảm mạnh trong vài năm tới, và sự mất cân bằng xảy ra khi các nước phương Tây tăng cường tuyển dụng nhân viên y tế từ châu Phi và các nước nghèo hơn.
Theo ICN, trước đại dịch, thế giới đã thiếu hụt 6 triệu y tá và trong vài năm tới sẽ có thêm 4,75 triệu y tá về hưu. ICN cho biết nhiều nhân viên y tế đã bỏ việc do áp lực từ đại dịch. ICN kêu gọi chính phủ các nước suy xét thực hiện các gói hỗ trợ đời sống cho nhân viên y tế trong năm tới.
Ngoài ra, trung bình, các nước giàu có số lượng y tá nhiều gấp gần 10 lần so với các nước nghèo, song nhiều trong số này vẫn đang tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế nước ngoài. ICN lưu ý những nước như Philippines và Ấn Độ có truyền thống xuất khẩu nhân viên y tế.
Singapore duyệt vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi
Hôm qua (10/12), Bộ Y tế Singapore cho biết sẽ bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi trước cuối năm nay. Tương tự Mỹ, liều vắc xin cho trẻ em ở Singapore sẽ bằng 1/3 so với người lớn.
Cho tới nay, Singapore đã tiêm chủng cho 87% trong 5,5 triệu dân nước này, và giới chức đang đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho trẻ em trong bối cảnh lo ngại sự gia tăng số ca COVID-19 ở trẻ em.
Các hãng dược nhắm vào thị trường Mỹ để tăng giá thuốc
Các hãng dược lớn đã nhắm mục tiêu vào thị trường Mỹ để 'thu lợi khủng' từ các loại thuốc cũ, trong đó có các hãng dược Eli Lilly and Co (Mỹ), Novo Nordisk (Đan Mạch) và Sanofi (Pháp) vốn thống thị trường insulin.
Ủy ban giám sát Hạ viện Mỹ công bố báo cáo nói trên sau cuộc điều tra kéo dài gần 3 năm, nhằm làm rõ tuyên bố của ngành công nghiệp dược phẩm rằng giá thuốc cao là cần thiết để cấp kinh phí cho các chương trình nghiên cứu, phát triển và đổi mới. Ngoài ra, báo cáo cũng lưu ý các chiến lược tiếp thị và định giá của Pfizer đã giúp hãng dược này thu về hàng tỉ USD từ thuốc giảm đau Lyrica.
Nam Phi chưa ghi nhận tín hiệu biến thể Omicron gây bệnh nặng hơn
Hôm qua (10/12), các nhà khoa học Nam Phi cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể Omicron đang gây ra bệnh nặng hơn.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức Nam Phi công bố kế hoạch đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, căn bệnh gây ra số ca lây nhiễm hàng ngày đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Dữ liệu từ các bệnh viện Nam Phi cho thấy, số ca nhập viện do COVID-19 hiện đang tăng mạnh ở hơn một nửa trong số 9 tỉnh của nước này, nhưng số trường hợp tử vong không tăng đột biến và các chỉ số như thời gian nằm viện duy trì ở mức trung bình.