Tin nóng sáng 13/5/2022: Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động ngăn ngừa viêm gan bí ẩn

(VOH) - Văn phòng Chính phủ ngày 12/5 đã có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phòng ngừa bệnh viêm gan bí ẩn đang xuất hiện ở trẻ em một số quốc gia.

 

TIN TRONG NƯỚC

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động ngăn ngừa viêm gan bí ẩn

Văn phòng Chính phủ ngày 12/5 đã có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phòng ngừa bệnh viêm gan bí ẩn đang xuất hiện ở trẻ em một số quốc gia.

Theo đó, để chủ động phòng ngừa căn bệnh này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trao đổi, cập nhật thông tin với Tổ chức Y tế thế giới về căn bệnh này, có kế hoạch ứng phó, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phòng ngừa, điều trị, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng, chống bệnh, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi bệnh có diễn biến phức tạp.

Tin nóng sáng 13/5/2022: Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động ngăn ngừa viêm gan bí ẩn 1
Ảnh minh họa: https://moh.gov.vn

TP.HCM: hướng đến mô hình kinh tế sáng tạo, hội nhập quốc tế sâu rộng

Hôm qua 12.5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri Q.5, Q.8, Q.11 trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Các cử tri đã kiến nghị đại biểu Quốc hội các vấn đề như: Xây dựng thêm trường học cho cộng đồng người dân tộc Hoa, dân tộc Chăm trên địa bàn để họ và con em yên tâm học tập, sinh sống; có chính sách hỗ trợ đối với những người mất trong công tác phòng, chống dịch hoặc những người dân từng mắc Covid-19 bị suy giảm sức khỏe, mất việc làm; thanh tra, rà soát các dự án treo tại các địa phương…

Chủ tịch nước cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Thành ủy, UBND TP, UBND các quận huyện và đặc biệt là nhân dân TP.HCM đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, vươn lên sau đại dịch. Chủ tịch nước mong muốn, với tư cách là TP năng động, phát triển đứng đầu cả nước, trong giai đoạn mới TP.HCM cần năng động hơn, phát triển toàn diện hơn, nâng cao đời sống của người dân hơn nữa. TP cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình tái cấu trúc kinh tế, hướng đến mô hình kinh tế sáng tạo, hội nhập quốc tế sâu rộng. TP cũng cần tập trung giải quyết rốt ráo những khiếu nại, tố cáo, các vấn đề bức xúc xã hội.

TP.HCM, Bình Dương họp bàn tăng kết nối hạ tầng giao thông

Chiều nay 13/5, Thành ủy TP.HCM sẽ làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương về công tác quy hoạch mang tính chiến lược, đột phá về "phát triển kinh tế vùng", các dự án kết nối hạ tầng giao thông giữa TP.HCM và Bình Dương. Đặc biệt sẽ xúc tiến sớm giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Chiều cùng ngày, Sở giao thông vận tải TP.HCM họp bàn việc di dời công trình điện, nước, cáp viễn thông… phục vụ thi công dự án Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7. Dự án, hiện đạt hơn 40% tổng khối lượng, sẽ giúp cải thiện tình trạng giao thông tại khu nam TP, đặc biệt kết nối khu công nghiệp cảng dọc hệ thống sông Soài Rạp với tuyến vành đai 2, vận chuyển hàng hóa ra vào cảng đi các địa bàn thành phố, các tỉnh miền Đông miền Tây khi hoàn thành.

Hôm nay (13/5): Giá vàng rơi vào “vùng nguy hiểm”

Ngược chiều với biến động trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay (13-5) tiếp tục đà tăng. Hiện tại, vàng trong nước vẫn đang giao dịch ở mức trên 70 triệu đồng/ lượng bán ra. 

Vàng miếng tại khu vực TP Hồ Chí Minh được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 69,5 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,2 triệu đồng/ lượng bán ra, tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều so với sáng ngày trước đó. Tại Hà Nội, DOJI đã điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở cả hai chiều, đưa giá vàng tại khu vực này lên lần lượt 69,6 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,3 triệu đồng/ lượng bán ra.

Giá vàng SJC trong rạng sáng ngày hôm nay tiếp tục được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán. Với mức tăng này, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 69,7 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,32 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. 

Phan Thiết: Tài xế lái ô tô truy sát, gây chết người ra đầu thú

Chiều hôm qua 12/5, tài xế Phạm Văn Nam (43 tuổi, quê Ninh Bình) trong vụ lái ô tô truy sát dẫn đến chết người xảy ra tại khu vực quán nhậu bờ kè đường Phạm Văn Đồng, TP Phan Thiết, Bình Thuận đã ra đầu thú. Hiện các lực lượng chức năng đang lấy lời khai từ Nam để củng cố hồ sơ, phục vụ điều tra.

Như đã thông tin, rạng sáng cùng ngày, một nhóm người đi trên ô tô di chuyển đến khu vực quán nhậu bờ kè đường Phạm Văn Đồng, thuộc phường Bình Hưng, TP Phan Thiết thì va chạm nhẹ với nhóm người đã nhậu trước đó trong quán D.P..

Nhóm người đi trên ô tô, trong đó có Nam tiếp tục di chuyển khoảng 50m thì bị nhóm khách kia rượt đuổi bằng xe máy. Vừa đậu trước quán nhậu T.P., nhóm người trên ô tô bị đánh tới tấp. Lúc này, Nam đã lên ô tô chạy loạn xạ tông vào nhóm kia. Những người đi xe máy tiếp tục dùng ghế ném vào ô tô. Sau một hồi xoay vòng, Nam đã tông thẳng vào anh Hà Xuân Hải (43 tuổi, ngụ phường Đức Thắng, TP Phan Thiết) gục tại chỗ. Nạn nhân tử vong ngay sau đó. Gây ra vụ việc, Nam đã lái xe rời khỏi hiện trường.

Tin nóng sáng 13/5/2022: Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động ngăn ngừa viêm gan bí ẩn 2
Ảnh cắt lại từ camera an ninh: TTO

Khởi tố, bắt tạm giam chủ khu đất Tịnh thất Bồng Lai

Chiều hôm qua 12/5, liên quan đến vụ việc ở Tịnh thất Bồng Lai, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Cao Thị Cúc (SN 1960, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) để tiếp tục điều tra về hành vi "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, vi phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân".

Bà Cúc là chủ khu đất xây dựng nên "Tịnh thất Bồng Lai".

Trước đó, ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa (Long An) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân".

Đến ngày 5/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 đối tượng đang cư trú tại Tịnh thất bồng lai gồm: Lê Tùng Vân (SN 1932); Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990); Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991); Lê Thanh Trùng Dương (SN 1995) cùng về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân". Đồng thời, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can gồm Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương. Riêng bị can Lê Tùng Vân bị áp dụng biện pháp ngăn cấm đi khỏi nơi cư trú (tất cả các quyết định đều được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa phê chuẩn).

Tin nóng sáng 13/5/2022: Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động ngăn ngừa viêm gan bí ẩn 3
Nơi tự xưng "Tịnh thất Bồng Lai", “Thiền am bên bờ vũ trụ. Ảnh: Báo Long An

TIN THẾ GIỚI:

Trung Quốc khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên ứng phó với dịch COVID-19

Ngày 12/5, Trung Quốc tuyên bố nước này sẵn sàng "hỗ trợ toàn diện" cho Triều Tiên ứng phó với đại dịch COVID-19 sau khi Bình Nhưỡng thông báo ghi nhận ca đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Mặc dù vậy, Triều Tiên cho đến nay vẫn từ chối thực hiện bất kỳ chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 nào, kể cả nhận được đề nghị hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung Quốc và Nga. Nước này vẫn đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch bằng cách phong tỏa các đường biên giới. Theo nhận định của giới chuyên gia, 25 triệu người dân Triều Tiên dễ bị tổn thương do không được tiêm vaccine phòng bệnh và cơ sở hạ tầng y tế hạn chế của Bình Nhưỡng có nguy cơ phải đương đầu với một đợt bùng phát dịch lớn.

Nga, Ukraine lên tiếng về việc Phần Lan tuyên bố gia nhập NATO

Ngày 12/5, Điện Kremlin cho biết việc Phần Lan gia nhập NATO chắc chắn là mối đe dọa đối với Nga, trong khi đó Tổng thống Ukraine Zelensky hoan nghênh quyết định này.

Cùng ngày, Tổng thư ký NATO cho biết việc Phần Lan trở thành thành viên NATO sẽ củng cố cho cả liên minh quân sự này và cho cả Phần Lan. Bởi nếu Phần Lan quyết định nộp đơn, họ sẽ được chào đón nồng nhiệt vào NATO, và quá trình gia nhập sẽ diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ.

Tin nóng sáng 13/5/2022: Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động ngăn ngừa viêm gan bí ẩn 4
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại một buổi họp báo ở thủ đô Matxcơva, Nga . Ảnh: Reuters

Châu Âu nguy cơ đối mặt với khủng hoảng khí đốt hóa lỏng

Việc vội vàng cắt giảm khí đốt của Nga đã khiến người tiêu dùng châu Âu rất dễ bị ảnh hưởng bởi cú sốc giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng do nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu vượt quá nguồn cung năm 2022. Trong khi đó, các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới khó có thể đáp ứng cho đến năm 2024.

EU có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng vào mùa Đông tới khi châu lục này tìm cách hạn chế các dòng khí đốt của Nga. Sự mất cân bằng nguồn cung và giá cao cũng sẽ đẩy chi phí xây dựng các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Nếu dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu ngừng vào thời điểm hiện tại, lượng khí đốt đang được dự trữ (đầy khoảng 35%) có thể sẽ cạn kiệt trước cuối năm nay, khiến châu Âu phải trải qua một mùa Đông khắc nghiệt.

Iraq đạt thỏa thuận với Iran về đảm bảo nhập khẩu khí đốt

Iraq đã đồng ý trả nợ 1,6 tỉ USD cho Iran vào đầu tháng 6 tới để đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định cho việc sản xuất điện trong mùa Hè.

Khoản nợ trên là tiền Iraq mua khí đốt của Iran năm 2020. Tình trạng thiếu đầu tư trong suốt nhiều thập kỷ chiến tranh và các lệnh trừng phạt khiến Iraq phụ thuộc vào nhập khẩu tử nước láng giềng phía Đông này để đáp ứng 1/3 nhu cầu khí đốt cùa mình. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào dầu và khí đốt của Iran gây khó khăn cho việc thanh toán tiền mua khí đốt của Iran, dẫn tới việc Iraq phải nợ tiền và Iran phản ứng bằng cách đình chỉ cung ứng.

Bitcoin lần đầu tiên rớt xuống dưới 27.000 USD

Lần đầu tiên, giá Bitcoin giảm xuống dưới 27.000 USD vào ngày 12-5 khi thị trường tiền điện tử tiếp tục đỏ lửa, do lo ngại về lạm phát gia tăng và sự sụp đổ của một dự án stablecoin gây tranh cãi là TerraUSD.

Các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi tiền điện tử trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, do lo ngại về lạm phát và triển vọng kinh tế xấu đi. Dữ liệu lạm phát của Mỹ công bố ngày 11-5 cho thấy giá cả hàng hóa và dịch vụ đã tăng 8,3% trong tháng 4, cao hơn dự kiến của các nhà phân tích và gần với mức tăng cao nhất trong 40 năm. Ngoài ra, tâm lý của nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của TerraUSD.

Tin nóng sáng 13/5/2022: Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động ngăn ngừa viêm gan bí ẩn 5
Bitcoin lần đầu rớt ngưỡng 27.000 USD trong 16 tháng qua - Ảnh: Getty

* Nội dung được phát sóng trong “Nhịp Sống Sài Gòn”  kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz

Tổng đài giao thông: 028.3822.1188

Fanpage: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/