TIN TRONG NƯỚC
Bộ y tế: F1 tiêm chủng đầy đủ được cách ly y tế tại nhà 7 ngày
Với 80,3% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản vắc xin Covid-19 Bộ Y tế đề nghị các tỉnh cách ly y tế 7 ngày tại nhà với các F1 đủ điều kiện, tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo.
Cách ly này được áp dụng với các F1 là người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên sổ sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp); liều vắc xin cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).
Quá trình cách ly tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... cần thông báo ngay cho cơ quan y tế đế theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7).
TP.HCM: hơn 173.000 người nhóm nguy cơ nhiễm COVID-19 cao
TP đang thực hiện chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền). Trong đó, các đơn vị rà soát, lập danh sách những đối tượng này để tiêm vắc xin (nếu chưa tiêm đủ) và can thiệp kịp thời nếu phát hiện F0. Theo thống kê đợt 1 có tổng cộng 173.500 người thuộc nhóm nguy cơ.
Sau khi lập danh sách, các đơn vị y tế bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm đối với nhóm nguy cơ này. Tính đến sáng hôm qua đã lấy hơn 17.500 mẫu, trong đó có 187 mẫu dương tính (1,1%). Trong đó có 52 trường hợp đủ điều kiện cách ly tại nhà đã được thăm khám và phát thuốc Molnupiravir. Những trường hợp còn lại đã được các bệnh viện tầng 2 và tầng 3 tiếp nhận.
TP HCM: 5 trường cao đẳng, trung cấp học trực tiếp từ ngày 20-12
UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho phép tổ chức thí điểm dạy và học trực tiếp tại 5 trường cao đẳng và trung cấp trên địa bàn TP.
Cụ thể là Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM, Trường cao đẳng Nghề TP.HCM, Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn và Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương.
Thời gian tổ chức thí điểm từ ngày 20-12-2021 đến hết ngày 7-1-2022. Học sinh, sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp được học trực tiếp lý thuyết và thực hành.
UBND TP yêu cầu các trường triển khai thí điểm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.
TP.HCM: đang thiếu 30.000 lao động, sau Tết cần khoảng 75.000 lao động
Sau thời gian giãn cách tất cả các doanh nghiệp đều tăng tốc trở lại để hoàn thành các hợp đồng đã ký với khách hàng, đẩy mạnh tốc độ sản xuất để phục vụ cho dịp Tết âm lịch của TP và cả nước.
Theo khảo sát của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, nhu cầu lao động trên địa bàn hiện nay là 30.000 người, tập trung ở các ngành như may mặc, giày, điện tử, lương thực thực phẩm… Trong đó, nhu cầu về lao động có tay nghề chiếm khoảng 40% trên tổng số lao động cần.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động của TP bao gồm người lao động địa phương và lao động ở các tỉnh khác trên cả nước. Dịp Tết âm lịch đa số lực lượng này sẽ về quê, dẫn đến biến động trong các doanh nghiệp. Do đó, sau Tết số lao động cần tuyển mới tăng lên khoảng 70.000 - 75.000 để bù vào số người chưa trở lại doanh nghiệp, trong đó lao động có tay nghề chiếm khoảng 36%.
Tây Ninh: số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay
Hôm qua 16/12, Tây Ninh ghi nhận 867 ca mắc COVID-19, có 7/9 địa phương trong tỉnh có số ca mắc cao hơn ngày trước đó và đây đã là ngày thứ 11 liên tiếp tỉnh này ghi nhận số ca mắc COVID-19 trên 800 ca/ngày
Cũng trong ngày 16/12, Tây Ninh ghi nhận số người tử vong do COVID-19 cao kỷ lục với 19 trường hợp, nâng tổng số người tử vong từ đầu đợt dịch lên 460 người.
Đến nay, Tây Ninh đã ghi nhận hơn 73.200 bệnh nhân mắc COVID-19, hiện đang điều trị cho 17.000 bệnh nhân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tây Ninh vừa ban hành văn bản 4517 về kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện nghiêm các quy định cách ly, chỉ đạo các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng tăng cường kiểm tra, kịp thời hướng dẫn, điều trị F0 tại nhà.
Hà Nội: F0 thể nhẹ được dùng thuốc Molnupiravir
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành quy trình triển khai sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát trên cộng đồng cho người mắc Covid-19 thể nhẹ tại Hà Nội.
Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp nhận thuốc, bàn giao cho Bệnh viện đa khoa Đống Đa quản lý, cấp phát cho các đơn vị tham gia.
Bệnh nhân điều trị sẽ phải ký cam kết tham gia chương trình, uống thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế, phản hồi các biểu hiện bất lợi nếu có trong vòng 14 ngày kể từ ngày dùng thuốc. Sau đó bệnh nhân phải trả lại thuốc trong trường hợp uống không hết hoặc ngừng thuốc kèm theo “Phiếu xác nhận trả thuốc”. Người bệnh cũng không tự tiện đưa thuốc của mình cho người khác sử dụng, bàn giao vỏ thuốc sau khi hoàn thành liệu trình điều trị cho cán bộ y tế.
Sân bay Nội Bài dừng test nhanh COVID-19 cho hành khách tại sân bay
Hiện nay, do lượng khách sử dụng dịch vụ test nhanh khi đến sân bay Nội Bài giảm mạnh khi tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 của hành khách đi máy bay chiếm tỷ lệ lớn, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tạm dừng dịch vụ test nhanh SARS-CoV-2 tại Cảng từ ngày 16/12.
Theo quy định bổ sung của nhà chức trách, từ ngày 1/12/2021, hành khách đi máy bay cần thực hiện khai báo y tế điện tử tại ứng dụng PC-COVID. Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác...
Ngoài ra, hành khách vẫn cần đáp ứng một trong các điều kiện sau để được vận chuyển: Có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, trong đó liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng trước ngày khởi hành; hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng trước ngày khởi hành; hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành.
Ngày 16/12: Cả nước có 15.270 ca nhiễm mới. Cà Mau có số ca nhiễm cao nhất
Hôm qua (16/12) cả nước có 15.270 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 15.267 ca ghi nhận trong nước (giảm 255 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 9.888 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca bệnh cao như: Cà Mau (1.339), TP. Hồ Chí Minh (1.175), Tây Ninh (932), Bình Phước (880), Đồng Tháp (795), Bến Tre (760), Cần Thơ (728), Khánh Hòa (598), Vĩnh Long (597), Bạc Liêu (516).
-Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-601), Bến Tre (-275), Sóc Trăng (-245).
-Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (+564), Cà Mau (+267), Hải Phòng (+214).
-Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.269 ca/ngày.
TIN THẾ GIỚI
Hơn 100.000 giấy thông hành y tế giả đang lưu hành tại Pháp
Hôm qua, Bộ Nội vụ Pháp cho biết khoảng 110.000 giấy thông hành y tế giả đang được lưu hành tại nước này trong bối cảnh cảnh sát Pháp tiến hành hàng trăm cuộc điều tra nhằm vào người sản xuất và người sử dụng giấy thông hành giả này.
Theo Bộ trưởng Nội vụ nước này, trong quá trình điều tra về người sử sụng và đối tượng làm giấy thông hành y tế giả, cảnh sát đã phát hiện có sự dính líu của nhân viên y tế.
EU kêu gọi các quốc gia phối hợp trong sử dụng chứng chỉ xanh kỹ thuật số
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu EU diễn ra ở Brussels hôm qua, các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh sự cấp bách của việc tăng tốc tiêm chủng cũng như liều tăng cường trước nguy cơ lây lan của biến thể Omicron.
Các ý kiến đánh giá cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm suy yếu giấy chứng nhận sức khỏe của châu Âu do EU đưa ra. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về tính hợp lệ của các chứng chỉ COVID-19 và tầm quan trọng của các phương pháp tiếp cận thống nhất và phối hợp khi đề cập đến việc áp dụng các biện pháp quốc gia.
Hàng loạt siêu thị châu Âu tẩy chay thịt bò Brazil
Hàng loạt chuỗi siêu thị lớn của châu Âu đã quyết định ngừng bán một số hoặc tất cả các sản phẩm thịt bò từ Brazil do nguồn gốc của chúng có liên quan đến việc phá hoạt rừng nhiệt đới Amazon.
Động thái tẩy chay thịt bò từ Brazil diễn ra sau khi cuộc điều tra được thực hiện đã chỉ ra mối liên hệ giữa các nhà máy chế biến thịt ở Sao Paulo thuộc các hãng như JBS, Marfrig và Minerva với vấn nạn phá rừng. Đặc biệt, JBS bị cáo buộc gián tiếp lấy nguồn thịt bò từ các khu vực bị chặt phá rừng trái phép như một phần của hoạt động tẩy rửa nguồn gốc gia súc.
Chịu áp lực nhiều, người Nhật Bản thay tên đổi họ, sống ẩn dật
Lý do phổ biến nhất khiến một số người muốn biến mất khỏi cuộc sống hiện tại là vì họ muốn thoát khỏi cuộc sống đầy áp lực. Tuy nhiên, có một số yếu tố văn hoá nhất định đã khiến hiện tượng này trở nên phổ biến ở Nhật Bản hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Đó chính là nỗi xấu hổ khi phải đối mặt với những khoản nợ của gia đình, những cuộc hôn nhân tan vỡ hay áp lực trước văn hoá làm việc nổi tiếng khắc nghiệt của nước này. Nhiều người Nhật coi đó là những điều không thể chấp nhận được.
Ít nhất 25 người tử vong vì uống rượu lậu tại Thổ Nhĩ Kỳ
Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong đợt truy quét tại 342 địa điểm trên cả nước, cảnh sát đã bắt giữ 6 đối tượng sản xuất rượu lậu, tịch thu hơn 30.000 lít rượu giả và rượu lậu.
Rượu lậu, thường được pha chế bằng methanol, có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe, bao gồm cả nguy cơ mù vĩnh viễn. Thời gian qua, hoạt động sản xuất và mua bán rượu lậu gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ vì các loại đồ uống có cồn ở quốc gia này thường chịu thuế rất cao.
Lý do khiến 25 phút lại có một phụ nữ nội trợ Ấn Độ tự tử
Theo thống kê mới được Văn phòng Tội phạm Quốc gia Ấn Độ công bố, trong năm 2020 đã có 22.372 nữ nội trợ nước này tự tử.
Báo cáo luôn đổ lỗi những vụ tử vẫn này là do nguyên nhân gia đình, hôn nhân. Nhưng sự thực đằng sau đó là gì? Các chuyên gia sức khỏe tâm thần nhận định một nguyên nhân chủ đạo chính là tình trạng bạo hành gia đình tràn lan. Khảo sát gần đây do chính phủ Ấn Độ thực hiện cho thấy có đến 30% phụ nữ nói rằng họ phải đối diện với bạo lực từ người chồng cũng như tình cảnh nội trợ cực nhọc hàng ngày vốn là nguyên nhân khiến cuộc sống hôn nhân gia đình bức bối hơn.