Chờ...

Tin nóng sáng 22/3: TPHCM không còn phường xã có dịch COVID-19 cấp độ 3, 4

Ngày 21/3, Sở Y tế TPHCM có báo cáo gửi UBND TP về đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn TPHCM từ ngày 14/3 đến 20/3.

TIN TRONG NƯỚC

Tháng 3, số ca nhiễm COVID-19 tăng 6 lần, tử vong giảm 30%

Số ca nhiễm mới đang liên tục giảm trong vòng 1 tuần qua. Hiện cả nước vẫn đang có 4.169 ca bệnh nặng đang điều trị. Con số này có tăng nhẹ bởi những ngày trước duy trì ở mức khoảng 3.600 - 3.800 ca, nhưng so với giai đoạn cao điểm số ca chuyển nặng đã giảm rất nhiều. Trong tháng qua số mắc mới tăng 6 lần nhưng số tử vong giảm 30%.

Về ca tử vong, trong ngày hôm qua cả nước có 69 ca. Các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Nai, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang dẫn đầu số ca tử vong với 5 ca/tỉnh. Hiện tỉ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm cả nước tiếp tục giảm xuống mức 0,5%, trong khi giai đoạn cao điểm tỉ lệ này là 2,2%.

Tin nóng sáng 22/3: Số ca nhiễm COVID-19 tăng 6 lần, tử vong giảm 30% 1
F0 khai báo y tế, test COVID-19 ở Hà Nội

TPHCM:  không còn phường xã có dịch COVID-19 cấp độ 3, 4

Ngày 21/3, Sở Y tế TPHCM có báo cáo gửi UBND TP về đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn TPHCM từ ngày 14/3 đến 20/3. TP có 300 phường xã đạt cấp độ 1 (vùng xanh), tăng 11 phường so với tuần trước. Đồng thời TP có 12 phường đạt cấp độ 2 (vùng vàng), đây là các phường ở quận 1, 6, 11, Phú Nhuận, Tân Phú, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức.

TP không ghi nhận phường xã cấp độ 3 (vùng cam) và cấp độ 4 (vùng đỏ). Đây là lần đầu tiên kể từ khi thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch, TP.HCM không ghi nhận địa phương vùng cam. Tuần trước đó, từ ngày 7/3 đến 13/3, TP.HCM chỉ còn 2 phường ở cấp độ 3 (vùng cam).

1 tuần qua, khách du lịch quốc tế đến TPHCM không nhiều

Thông tin tại họp báo chiều 21/3 về tình hình mở cửa đón khách du lịch quốc tế,  Sở Du lịch TPHCM - cho biết từ ngày 15/3 đến nay, lượng khách du lịch đến TPHCM chủ yếu là khách lẻ. Trong tháng 3 và tháng 4, TP dự kiến đón 3.000 du khách quốc tế.

Việc phát triển du lịch cũng gặp không ít khó khăn, giữa các địa phương chưa có sự thống nhất trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Quy định đến với TPHCM khá thông thoáng nhưng khi đến các địa phương khác phải yêu cầu test nhanh thì sẽ gây khó khăn cho khách du lịch. Hiện nay, TP đang phát triển các sản phẩm du lịch liên kết vùng nên phải có sự thống nhất giữa các địa phương.

Tin nóng sáng 22/3: Số ca nhiễm COVID-19 tăng 6 lần, tử vong giảm 30% 2
Ông Nguyễn Việt Anh - trưởng Phòng quản lý lữ hành, Sở Du lịch TPHCM

Hiện Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đang làm việc với Bảo hiểm Việt Nam để tháo gỡ vướng mắc khách du lịch mua bảo hiểm COVID-19 thế nào khi nguy cơ nhiễm khá cao. Việt Nam hiện đã miễn thị thực đơn phương cho 13 nước, tuy nhiên cần có thêm chính sách miễn thị thực song phương với một số nước thì mới có thể thu hút khách quốc tế.

Sẽ xử lý nghiêm nhà xe tự ý tăng giá vé

Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu Kiên quyết xử lý các nhà xe tự ý tăng giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố, trước thông tin một số nhà xe đã tự ý tăng giá cước vận chuyển từ 20% đến 50%.

Lực lượng thanh tra Sở Giao thông vận tải, phối hợp với các đơn vị liên quan của Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã.. tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý nhà nước về giá. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm niêm yết công khai giá vé. Những trường cố tình tăng giá vé sai qui định sẽ bị các bến xe từ chối phục vụ.

Bộ Y tế: Yêu cầu làm rõ nguyên nhân 2 vụ tử vong sau nâng ngực và nâng mũi gần đây

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cục đã có 2 văn bản trong ngày hôm nay 21/3 gửi Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TPHCM, yêu cầu báo cáo đầy đủ vụ việc, làm rõ nguyên nhân, kết luận chuyên môn 2 ca tử vong sau nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội và nâng ngực tại Bệnh viện 1A, TPHCM vừa qua. Báo cáo gửi về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước ngày 25/3 và công khai kết quả xác minh lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, liên tiếp trong vài ngày vừa qua đã xảy ra 2 ca tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó ca tử vong sau phẫu thuật nâng mũi tại Hà Nội (nâng mũi từ tháng 1-2022, bệnh nhân gặp biến chứng và tử vong sau hơn 2 tháng hôn mê), ca tử vong sau nâng ngực tại Bệnh viện 1A TP.HCM hôm 18/3.

Nguyên do vụ người vợ  cắt 'của quý' của chồng?

Tối 21/3, thông tin từ Công an H.Yên Châu (Sơn La) cho biết, cơ quan này đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với chị Hà Thị N. (36 tuổi, trú xã Chiềng Hặc, H.Yên Châu) để làm rõ việc người này dùng dao cắt “của quý” của chồng là anh Nguyễn Văn H. (29 tuổi).

Công an H.Yên Châu cũng đang làm rõ thông tin chị N. cho rằng anh H. đã có những hành vi xâm hại con gái riêng 15 tuổi của chị. Đơn vị này đã thu giữ chiếc camera do chị N. đặt tại phòng ngủ, được cho rằng chứa bằng chứng quan trọng khi ghi được hình ảnh anh H. xâm hại con riêng của chị N., để phục vụ điều tra.

Tin nóng sáng 22/3: Số ca nhiễm COVID-19 tăng 6 lần, tử vong giảm 30% 3
Các bác sĩ tạo hình "của quý" cho anh H.

Theo luật sư, qua làm việc, thân chủ của ông khai anh H. đã xâm hại tình dục bé gái từ năm 2020. Chị H. đã đặt camera và ngày 18/3, camera giấu kín đã ghi lại được hành vi đồi bại của chồng. Trong trạng thái tâm lý bị dồn nén lâu ngày, chị N. đã cắt dương vật của chồng.

Luật sư Thơm cho hay, nếu xác định anh H. đã dâm ô hoặc thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với con riêng của chị H. thì người này cũng sẽ bị xử lý hình sự thêm về tội danh khác. Đồng thời, chị N. sẽ được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự do phạm tội khi tinh thần bị kích động mạnh.

Trước đó, anh H. bất ngờ bị chị N. dùng dao cắt “của quý” rồi mang đi vứt. Gây án xong, chị N. đến công an đầu thú. Ngay sau khi xảy ra sự việc, anh H. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa H.Yên Châu, sau đó được chuyển lên tuyến trên trong tình trạng sốc huyết áp, niêm mạc da nhợt nhạt. Vết thương rất phức tạp, cắt sát gốc hoàn toàn không còn dương vật và niệu đạo, 2 tinh hoàn bị cắt đứt, da bừu mất hoàn toàn, để lại vùng da khuyết hổng lớn.

Ngay sau đó, anh H. được cho vào phẫu thuật. Sau khi gây mê nội khí quản, các bác sĩ đã khâu cầm máu vật hang, tạo hình chuyển vạt da có cuống, khâu tạo hình niệu đạo còn lại. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, vết mổ khô, sức khỏe ổn định và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc hậu phẫu.

TIN THẾ GIỚI

Ấn Độ cân nhắc mở rộng tiêm mũi tăng cường

Chính phủ Ấn Độ hiện đang thảo luận việc mở rộng diện đối tượng đủ điều kiện tiêm miễn phí mũi tăng cường. Hiện Ấn Độ mới triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho các nhân viên tuyến đầu và người trên 60 tuổi, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng nhà nước và mất phí tại các bệnh viện tư nhân.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua, với 1.549 ca trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, Bộ Y tế Ấn Độ kêu gọi các bang tăng cường các biện pháp truy vết phòng dịch do lo ngại số ca mắc mới tăng trở lại ở một số khu vực châu Á và châu Âu, trong đó có Trung Quốc và Italy. 

Cho đến nay, Ấn Độ đã tiêm 1,81 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có hơn 20 triệu liều là mũi tăng cường. 

Tin nóng sáng 22/3: 1
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. 

Thuốc trị COVID-19 của AstraZeneca có tác dụng với các biến thể phụ của Omicron

Ngày 21/3, hãng dược phẩm AstraZeneca thông báo loại thuốc kháng thể Evusheld với công dụng ngăn ngừa và điều trị COVID-19 vẫn có thể vô hiệu hoá được các biến thể phụ của Omicron, kể cả phiên bản BA. 2 rất dễ lây lan.

Dữ liệu từ nghiên cứu mới nhất của Đại học Washington ở Mỹ cho thấy liệu pháp này làm giảm tải lượng virus của tất cả các biến thể Omicron (BA. 1, BA. 1.1 và BA. 2) được thí nghiệm trên phổi chuột.

Trong quá trình nghiên cứu, Evusheld được chứng minh là có thể cứu sống và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh nếu người mắc COVID-19 tiêm thuốc này trong vòng một tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Nó cũng cho thấy khả năng hạn chế tình trạng viêm nhiễm ở phổi - triệu chứng quan trọng trong các trường hợp mắc COVID-19 thể nặng. 

Nga cảnh báo người dân không nên tích trữ hàng hóa

Phó Thủ tướng Nga khẳng định rằng nước này có đủ đường và kiều mạch để đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời cảnh báo người dân không nên lo lắng mua tích trữ các mặt hàng thiết yếu này sau khi các nước phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.

Theo Phó Thủ tướng Nga, người dân không nên hoang mang, lo lắng tích trữ hàng hóa thiết yếu giống như thời kỳ đầu dịch bệnh COVID-19 năm 2020. Bà trấn an người dân rằng Nga có đủ nguồn hàng hóa để tự cung tự cấp bởi nước này đã triển khai các biện pháp để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Theo bà, việc người dân đổ xô thu mua và tích trữ sẽ chỉ gây bất ổn cho mạng lưới sản xuất. 

Nga tạm thời áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu. Lệnh cấm xuất khẩu các loại ngũ cốc gồm lúa mạch đen, lúa mì, lúa mạch, ngô, sẽ có hiệu lực đến ngày 30/6 tới. Chính phủ Nga cũng quyết định tạm dừng xuất khẩu đường thô và đường trắng đến các nước thứ ba. Lệnh hạn chế này sẽ có hiệu lực đến ngày 31/8.

Tin nóng sáng 22/3: 2
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Moskva, Nga. 

Nga cấm Facebook, Instagram

Toà án tại thủ đô Mátxcơva ngày 21/3 tuyên bố cấm hai mạng xã hội Facebook và Instagram của tập đoàn Meta (Mỹ) hoạt động trong lãnh thổ Nga.

Toà án đã ra phát quyết trên nhằm đáp trả việc tập đoàn Meta tạm thời cho phép người dùng ở Ukraine kêu gọi các hành vi bạo lực nhằm vào quân đội Nga. Ngoài hai nền tảng trên, ứng dụng nhắn tin WhatsApp của Meta vẫn được phép hoạt động tại Nga. 

Ngày 21/3, toà án đã hoàn tất việc xem xét các cáo buộc nhằm vào hai mạng xã hội Facebook và Instagram. Trước đó, Chính phủ Nga đã mở cuộc điều tra hình sự đối Meta, coi đây là một "tổ chức cực đoan". Cuối cùng, toà quyết định cấm cả hai nền tảng trên hoạt động tại Nga do có liên quan đến các hoạt động cực đoan. Quyết định này có hiệu lực ngay sau khi tuyên bố.

Trung Quốc tập trung tìm kiếm, cứu nạn vụ rơi máy bay Boeing 737

Ngày 21/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo tập trung tối đa cho công tác tìm kiếm và cứu nạn trong vụ rơi máy bay của hãng hàng không China Eastern Airlines ở vùng đồi núi miền Nam nước này.

Theo Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình chỉ đạo lập tức triển khai ứng phó khẩn cấp, dốc toàn lực cho hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Ông đồng thời yêu cầu nhanh chóng mở cuộc điều tra về vụ việc nhằm xác định nguyên nhân gây tai nạn cũng như tăng cường đảm bảo an ninh hàng không dân dụng. 

Trước đó, cùng ngày, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã kích hoạt cơ chế khẩn cấp và cử đội công tác đến hiện trường rơi máy bay. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên máy bay có 132 người, bao gồm 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Theo cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp Quảng Tây, máy bay rơi đã gây ra một vụ cháy lớn trên núi. 

Tin nóng sáng 22/3: 3
Hình ảnh trích từ video: Xe cứu thương được điều tới hiện trường vụ máy bay chở khách của Hãng hàng không China Eastern bị rơi ở thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây, ngày 21/3/2022.

Hong Kong tạm dừng nhập khẩu sản phẩm gia cầm từ một số nơi của Mỹ

Cơ quan an toàn thực phẩm của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 21/3 quyết định tạm ngừng nhập khẩu thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi cúm gia cầm tại Mỹ.

Trung tâm An toàn thực phẩm (CFS) thuộc Cơ quan vệ sinh môi trường của Đặc khu Hong Kong cho biết quyết định này được đưa ra dựa trên thông báo của Tổ chức Thú y thế giới về các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 tại một số địa phương của Mỹ. Chỉ thị này có hiệu lực ngay lập tức.