TIN TRONG NƯỚC
TPHCM thêm 4 ca nhiễm biến thể Omicron
Hôm qua, TPHCM vừa có kết quả giải trình tự gien virút trên mẫu bệnh phẩm ca nhiễm Covid-19 có nghi nhiễm biến thể Omicron. Kết quả phát hiện thêm 4 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 2 ca nhập cảnh và 2 ca cộng đồng.
Như vậy, tính đến hiện nay, TPHCM có 72 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó 67 ca nhập cảnh và 5 ca cộng đồng liên quan 1 ca nhập cảnh.
Trong ngày 23/1, TPHCM có số ca nhiễm mới thấp (138 ca). Số ca tử vong cũng xuống thấp (6 ca), trong đó có 2 ca chuyển đến từ tỉnh khác.
Bình Dương: Ca Omicron đầu tiên được gi nhận
Tối 23/1, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin kết quả xét nghiệm phân lập virus từ Viện Pasteur TPHCM về 3 trường hợp người nhập cảnh vào tỉnh, trong đó có một trường hợp nhiễm biến thể Omicron.
Ca nhiễm Omicron là nữ, sinh năm 1990, quốc tịch Việt Nam. Ngày 9/1/2022, cô nhập cảnh từ Canada về sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN09, số ghế 27A. Sau khi phát hiện dương tính với biến chủng Omicron và được cách ly điều trị. Từ lúc phát hiện dương tính đến nay, sức khỏe của nữ bệnh nhân bình thường, không ho, không sốt.
14.978 ca nhiễm mới trong ngày 23/01 TPHCM xuống dưới 200 ca
Ngày 23/1 ghi nhận 14.978 ca nhiễm mới, trong đó 44 ca nhập cảnh và 14.934 ca ghi nhận trong nước (giảm 724 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.324 ca trong cộng đồng). Tại TPHCM, ca mắc mới giảm xuống chỉ còn 138, tử vong còn 4 ca.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh cao: Hà Nội (2.967), Đà Nẵng (984), Hải Phòng (764), Hưng Yên (629), Thanh Hóa (489), Quảng Nam (435), Quảng Ninh (427), Thái Nguyên (399), Bắc Ninh (377), Nghệ An (372), Bình Phước (361), Bình Định (358), Hải Dương (351), Bến Tre (347), Quảng Ngãi (326), Phú Thọ (308)
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-332), Bến Tre (-208), Bình Phước (-137). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+149), Phú Thọ (+131), Quảng Nam (+116).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.022 ca/ngày. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 135 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron
TP Kon Tum xin giữ nguyên 5 cổng chào đã xây dựng
Ngày 23/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Kon Tum (Kon Tum) cho biết đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin được chấp thuận, cấp phép xây dựng cho 5 cổng chào, cổng điện trên địa bàn. Trong thời gian chờ đợi, địa phương vẫn giữ nguyên các cổng chào, cổng điện này.
Chi cục Quản lý đường bộ đã có văn bản đề nghị UBND TP. Kon Tum chỉ đạo tháo dỡ 5 cổng chào, cổng điện xây dựng trái phép trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP. Kon Tum,. Sau ngày 25/1, nếu TP. Kon Tum vẫn không thực hiện việc tháo dỡ, đơn vị sẽ hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu để lập phương án cưỡng chế tháo dỡ các cổng chào trên.
Đầu năm 2021, UBND TP. Kon Tum đã xin ý kiến Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) về việc lắp dựng cổng chào, cổng điện trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP.Kon Tum. Tuy nhiên, khi chưa nhận được sự chấp thuận của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chủ đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị thi công 5 cổng chào trên đường Hồ Chí Minh.
Bộ Công an: Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành... không chiếm đoạt tiền từ thiện
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với các tin báo, tố giác trên phương tiện thông tin đại chúng và một số cá nhân phản ảnh về việc bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), ông Huỳnh Trấn Thành (MC, diễn viên Trấn Thành), ông Bùi Đại Nghĩa (MC Đại Nghĩa), bà Nguyễn Thị Hương đứng ra tự huy động tiền từ thiện, cứu trợ trong đợt bão, mưa lũ xảy ra tại khu vực miền Trung năm 2020, thiếu minh bạch trong quá trình phân phối, sử dụng số tiền đã quyên góp được.
Lý do: Sau khi kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận thấy các nghệ sĩ trên không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung gặp thiên tai, lũ lụt năm 2020; nội dung các tin báo, tố giác không có dấu hiệu tội phạm, không có sự việc phạm tội.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Bắt thanh niên đánh nhau với em trai, đâm chết người vào can ngăn
Tối 23/1, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh này vừa phối hợp với PC02 Công an TP.HCM bắt giữ Lương Xuân Cương (30 tuổi, trú xã Đức Ninh, H.Hàm Yên, Tuyên Quang).
Tối 16/1, sau khi uống rượu tại nhà bố đẻ ở thôn Gạo Đình (xã Đức Ninh), Cương mâu thuẫn với em trai ruột và xảy ra xô xát, Thấy hai người đánh nhau, anh N.N.C và một số người vào can ngăn thì bị Cương dùng kéo đâm. Sau đó Cương lấy xe máy bỏ trốn. Anh C. được người thân đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Ngày 18/1, Công an tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người. Ngày 20/1, cơ quan này ra quyết định khởi tố bị can và ra quyết định truy nã Cương về tội "giết người" vào ngày 21/1. Bước đầu, Cương đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Công an tỉnh Tuyên Quang đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý Cương theo quy định pháp luật
TIN THẾ GIỚI
Malaysia sẽ không áp đặt phong tỏa một lần nữa
Trong bối cảnh có đồn đoán rằng chính phủ sẽ phong tỏa toàn quốc do diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, Thủ tướng Malaysia ngày 23/1 khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển một lần nữa trong dịp Tết của người Hồi giáo năm nay.
Thủ tướng nước này cho biết hiện tại các lĩnh vực kinh tế và xã hội, cũng như việc đi lại giữa các bang đã trở lại bình thường. Trong trường hợp gia tăng đột biến số ca nhiễm, chính phủ sẽ sử dụng phương pháp áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển tập trung vào các khu vực được xác định có nhiều ca nhiễm.
Ông kêu gọi mọi người không nên tự mãn và chủ quan, thay vào đó cần tiếp tục kiềm chế sự lây lan COVID-19, ngay cả khi đã xác định phải sống chung với COVID-19 trong tương lai.
Ấn Độ: Omicron trở thành biến thể chính lây lan trong cộng đồng
Biến thể Omicron hiện đã đến giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng ở Ấn Độ và là biến thể chính ở nhiều thành phố lớn, nơi có số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh.
Trong bản tin mới nhất được công bố ngày 23/1, cơ quan nghiên cứu giải trình tự gene của Ấn Độ thông báo như trên, đồng thời cho biết dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đã được ghi nhận ở nhiều nơi trên cả nước.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giai đoạn lây nhiễm cộng đồng là khi các ca nhiễm COVID-19 trong 14 ngày gần nhất không có liên quan đến một ổ dịch hay cụm lây nhiễm cụ thể nào và khi có nhiều cụm lây nhiễm không liên quan đến nhau.
Ai Cập: tăng cường bảo vệ trẻ trước COVID-19 khi ở trường học
Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay lại trường học trong đại dịch COVID-19, Bộ Y tế và Dân số Ai Cập mới đây đã đề ra 10 “quy tắc vàng” để ngăn ngừa COVID-19 bên trong trường học.
Đối với mỗi cá nhân, Bộ trên khuyến cáo cần tránh nơi tập trung đông người, ăn thức ăn lành mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng. Việc chào hỏi người khác cần được thực hiện từ xa, không bắt tay, ôm hôn hay có những tiếp xúc thân thể khác. Học sinh cần đảm bảo ngủ đủ. Khi đến trường, mỗi học sinh sử dụng đồ cá nhân, không chạm vào đồ dùng của người khác. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước để phòng ngừa tất cả các bệnh truyền nhiễm. Các em được khuyên tránh bám vào thanh vịn cầu thang hay lan can, trừ khi cần thiết. Các học sinh cần ghi nhớ giữ khoảng cách an toàn với người khác. Đối với lớp học, điều kiện tốt nhất để phòng dịch luôn là thoáng khí tự nhiên.
Đức thiệt hại 350 tỷ euro do đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại rất lớn đối với nền kinh tế nước này, khiến Chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2022.
Nền kinh tế Đức thiệt hại 350 tỷ euro, chủ yếu do sụt giảm tiêu dùng cá nhân, cũng như vì các biện pháp phong tỏa, giãn cách để phòng dịch. Viện Kinh tế Đức nhận định chỉ khi tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ mạnh mẽ trong vài năm tới, khoảng cách giữa giá trị gia tăng và thu nhập do đại dịch gây ra mới có thể được từng bước thu hẹp.
Theo mô hình tính toán của Viện Kinh tế Đức, thiệt hại từ tiêu dùng cá nhân có thể lên tới 270 tỷ euro trong 8 quý vừa qua. Giới phân tích cho rằng việc "thay đổi hành vi" cũng xảy ra trong tiêu dùng cá nhân, có nghĩa là ngay cả khi các rạp chiếu phim, nhà hát và nhà hàng mở cửa trở lại, nhiều người dân sẽ vẫn thận trọng mà chưa đến rạp chiếu phim hoặc nhà hàng.
Bắc Kinh, Trung Quốc: thắt chặt kiểm soát dịch COVID-19
Chính quyền thành phố Bắc Kinh ngày 23/1 cho biết toàn bộ 2 triệu cư dân ở nơi bùng phát ổ dịch COVID-19 mới sẽ được xét nghiệm. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa Thế vận hội Olympic mùa Đông 2022 sẽ chính thức khai mạc.
Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc không nghiêm trọng như tại nhiều nước khác, tuy nhiên xuất hiện một số ổ dịch nhỏ rải rác ở nhiều nơi, trong đó có thủ đô Bắc Kinh. Chính quyền địa phương đã xác định quận Phong Đài ở phía Nam thủ đô là trung tâm của một ổ dịch mới. Phong Đài nằm cách địa điểm thi đấu trượt tuyết chỉ khoảng 20km. Thế vận hội sẽ khởi tranh từ ngày 4/2 tới. Hiện một số đoàn quốc tế, nhân viên truyền thông và một số vận động viên đã bắt đầu tới Bắc Kinh.
Theo kế hoạch, Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ được tổ chức ở trạng thái gần như bình thường với đầy đủ các quầy hàng bán đồ lưu niệm, ẩm thực và các quán bia tại các địa điểm thi đấu, có điều toàn bộ các hoạt động này diễn ra trong "bong bóng khép kín".
Tương lai lý tưởng của việc tiêm vaccine COVID-19
Giám đốc điều hành của Pfizer đã đưa ra kịch bản lý tưởng rằng con người sẽ tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường mỗi năm một lần, thay vì vài tháng một lần.
Theo đó, Giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Pfizer, cho rằng sẽ không phải là một kịch bản tốt nếu mọi người phải tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 4 đến 5 tháng/lần. “Điều tôi hy vọng là chúng ta sẽ có một loại vaccine chỉ cần tiêm nhắc lại mỗi năm một lần”, ông nói với kênh tin tức Channel 12 hôm 22/1.
“Chúng tôi đang tìm cách tạo ra một loại vaccine ngăn ngừa cả Omicron và cả những biến thể khác. Đó có thể là một giải pháp”, ông nói và chỉ ra rằng loại vaccine này có thể được sản xuất hàng loạt từ tháng 3.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Quản lý Dược phẩm của châu Âu (EMA), đều đã cảnh báo không nên lạm dụng quá mức các mũi vaccine tăng cường vì những lý do khác nhau. EMA đã chỉ ra những tác dụng phụ tiềm ẩn của mũi tăng cường, cảnh báo rằng việc tiêm nhiều lần mũi tăng cường trong một thời gian ngắn có thể gây ra các vấn đề với phản ứng miễn dịch.